ĐỨA CON VÔ ƠN

Vừa bước vào cổng chùa, tôi nghe một giọng nói quen quen: “Vé số không cô?”. Khi quay qua, tôi thoáng sửng sốt, thốt lên: “Ủa, ai như bác Tươi…?”. Bà lão bán vé số dạo vội kéo khẩu trang, cụp nón lá, đi như chạy trốn.

“Bà tội lắm, không có chồng con, mấy ngày rằm hay ghé chùa làm công quả…”. Cô bán hoa sen gần đó, lên tiếng, khi thấy tôi cứ luôn miệng gọi: “Bác Tươi… bác Tươi ơi!…”. 

Tôi cứ lẩm bẩm mãi: “Sao bác Tươi lại là người già… neo đơn?”. Tôi không tin nổi, khi nhớ đến nhiều năm về trước… 

Người làng tôi ngày ấy, đồn rằng: Chồng bác Tươi cờ bạc, vũ phu, đánh bác như bao cát. Một đêm, bác bồng con bỏ trốn, phiêu bạt đến làng tôi. 

Ở miền quê nghèo, đám trẻ chúng tôi, mờ sáng lội ruộng mò cua, bắt ốc, xế chiều quần quật phơi lúa, bẻ ngô… . Nhưng chị Hiền con gái bác Tươi thì khác. Cả tuổi thơ của chị, bác gồng gánh mọi việc, chẳng bao giờ để con gái phải chân lấm, tay bùn. 

May mắn, chị Hiền học hành cần mẫn lại sáng dạ. Giấy khen học sinh giỏi của chị, dán kín cả bốn vách nhà. 

Ngày còn nhỏ, bất kể sáng chiều, tôi luôn nhớ như in, tiếng rao lanh lảnh của bác Tươi: “Ai đậu hũ không?”. 

Có một hôm, mưa rào, đường làng trơn trượt, tôi nghe tiếng “rầm”, trước ngõ. Trông ra đường, tàu hũ trắng phớ, chảy tràn trên mặt đất. Bác Tươi vừa lau nước mưa lẫn nước mắt, vừa xuýt xoa tiếc nuối, chưa bán được chén đậu hũ nào. 

Chị Hiền mỗi ngày một lớn lên, gánh đậu hũ càng nặng trĩu, đôi vai của bác Tươi cũng oằn xuống theo thời gian. Nhưng trời chẳng phụ lòng người, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hiền không ngừng thăng tiến trong công việc. Chị còn về quê, rước mẹ lên thành phố phụng dưỡng tuổi già. 

Tôi cứ ngỡ, những năm tháng cuối đời, bác Tươi được con gái bù đắp cho quãng đời cơ cực đã qua, nào ngờ, cơ sự lại ra nông nỗi này…

“Đúng là thứ nghịch tử. Nó không sợ trời tru đất diệt sao?”. Một lần khác, vừa gặp tôi, cô bán hoa sen, vịn lại, kể hàng tá chuyện về bác Tươi. 

Hôm ấy, bác nấu nồi lá xông, bất cẩn quên cất đi. Thằng cháu ngoại ở tuổi lên ba, hiếu kỳ, nó lân la vào phòng, thọc tay vào nồi nước nóng. Tiếng khóc thét của nó, vang ba dãy tầng lầu. 

Bế thằng con khóc ngằn ngặt trên tay, bao giận dữ tuôn ra, chàng rể lớn tiếng: “Cho bà về quê đi! Thuê người giúp việc khác. Bà giữ cháu kiểu này… có ngày hại chết con mình…”. 

Hơn 10 năm làm việc nhà không công cho con cháu, bác Tươi khóc nghẹn ngào, khi vợ chồng con xúm xít lại mắng mỏ, bắt tội. 

Chờ khi con rể vắng nhà, bác rón rén, ướm thử ý con gái: “Hay con cho mẹ về quê ít ngày… thăm bà con ở dưới”. Bác Tươi có ngờ đâu, chị Hiền lại thẳng thừng: “Thôi, mẹ về ở dưới luôn đi…”. 

Xách ba lô đi lang thang ngoài đường, cứ nghĩ đến việc, trở về quê, hàng xóm xúm lại hỏi: “Con Hiền đâu… mà chị về đây có một mình…? Rồi biết trả lời làm sao với người ta… ?”. Càng nghĩ, nước mắt bác càng chảy dài. Từ đó, ai hỏi đến chồng con, bác Tươi đều tự nhận: “Tứ cố vô thân”. 

Một chiều, khi băng qua đường, xui rủi thế nào, một chiếc xe máy ngược chiều lao trúng, bác Tươi nằm bất tỉnh nhân sự bên đường. 

Khi nửa tỉnh, nửa mê trong phòng cấp cứu, bác cứ tưởng bản thân sắp qua đời. Bác lơ mơ, lôi từ trong cái bóp nhỏ ra một tờ giấy, có ghi số điện thoại, giọng thì thào: “Nếu tôi… có mệnh hệ gì… . Làm ơn, gọi báo cho con gái tôi biết…”. 

Cô bán hoa sen, ánh mắt bừng bừng phẫn nộ. “Nhờ vậy, cô mới biết hoàn cảnh của bà. Cô chưa thấy đứa con nào vô tâm như thế! Cô gọi báo mấy lần mà nó không hề vô thăm… dù chỉ một lần. Nhưng mà bà này lạ lắm, chưa bao giờ trách móc con gái một lời…”. 

Những lần khác gặp tôi, cô bán hoa sen lại kể: “Dạo này, bác Tươi… hết héo rồi. Lúc nào cũng nói cười vui vẻ. Có hôm, cô hỏi bà, có bao giờ hối tiếc, vì đã hy sinh cả đời cho đứa con bất hiếu không?”. 

Bác Tươi mỉm cười, khẳng định: “Người ta thường bảo gieo nhân nào, gặt quả nấy. Họ còn nghi ngờ, tui phải sống sao… nên cuối đời mới nhận quả đắng. Nhưng với tui, chỉ cần lương tâm, không bị giày vò, hối hận, vì bất cứ điều gì… . Tâm luôn thanh thản. Đó cũng là một loại quả ngọt mà đời đã tặng cho tui. Tui đã sống trọn vẹn một đời cho con gái, bây giờ là lúc, tui sẽ sống cho chính mình…”. 

Nhiều lần, cô bán hoa sen đã hối thúc tôi vào thăm bác Tươi nhưng tôi luôn từ chối. Tôi biết, thẳm sâu trong lòng, bác Tươi luôn muốn người đời vẫn dành cho con gái bác sự tôn trọng. 

Tôi hiểu rằng: Không đại dương, bầu trời nào, có thể rộng lớn hơn trái tim của một người mẹ. Vì nơi đó, người con luôn tìm được sự thứ tha…!

✍Tác giả: Nguyễn Nga

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Họa từ miệng mà ra

Buôn chuyện

Lúc về già

Nhịn

=Phúc tại tâm

Nhịn đâu phải dễ

Miền quê vẫn đợi

Mặc kệ miệng đời

Phụ nữ chớ để tim đau

Ai thiên vị ai

Quy luật đời người

Thầy trở về

Lên 6

Cách trả thù tốt nhất

Buông bỏ

Bức thư mẹ gửi con trai

Đứa con vô ơn

 

 


Không có nhận xét nào: