Ai thiên vị ai?


Ngày nhỏ, nó luôn ganh tỵ với chị gái, vì cho rằng cha mẹ thiên vị. Mọi thứ ngon, lạ mà chị gái thích đều được cha mẹ ưu tiên. Đến khi nó hiểu chuyện thì tất cả chỉ còn là tiếc nuối…

Chị gái chỉ hơn nó một tuổi nên suốt ngày, hai đứa í ới  “mày, tao, tí, tớ”. Tuổi thơ, nó hay ấm ức, khi thấy cha mẹ luôn quan tâm, dõi theo từng bước chân của chị. Còn họ bỏ mặc nó, thoải mái tung tẩy đi khắp nơi. Nó tủi thân, thầm nghĩ: “Chắc mình là con rơi… cha mẹ lượm về nuôi nên mới không thương bằng chị”. 

Một hôm, vừa đi học về, mẹ kéo tay nó vào buồng, đưa cho nó một bộ váy xếp li. 

Nó nhảy lên, hót lấy người mẹ. “Sao mẹ biết, con thích váy màu xanh?”. Giọng nó reo lên như tiếng chuông gặp gió. Nó ôm cả váy lẫn mẹ vào lòng, trong niềm hạnh phúc ngất ngây. 

Khi nó vừa trồng bộ váy vào thử thì nghe tiếng chị gái khóc thét bên ngoài. 

Thì ra, mẹ mua nhầm bộ váy rộng rinh cho chị. Chị vừa lăn lóc khóc, vừa giẫm chân bình bịch xuống đất. 

Cha mẹ nó cùng hoảng sợ, chạy lại dỗ dành.  Người thì đỡ chị dậy, quạt mát. Người vội mau chóng đi pha nước chanh, hạ hỏa cơn nư của chị. Mẹ nó réo lên:

- Mau đổi váy cho chị! Hường ơi!

Hường là tên của nó. Không đợi được, mẹ lôi tuột bộ váy khỏi người nó, giúi cho chị gái. Nỗi tủi hờn lẫn tiếc nuối, vì bộ váy mới yêu thích bị giành mất, nó khóc ngất ngất, gào lên: “Cha mẹ chỉ thương chị, không thương con. Lúc nào cũng bắt con phải nhường hết tất cả mọi thứ… cho chị... ?”. 

Cha mẹ nó nhìn nhau, sâu trong mắt hai người đầy nỗi sầu muộn, khổ tâm. Nhưng cũng kể từ đó, nó thấy cha mẹ thay đổi hẳn. Mỗi khi cho chị gái bất kỳ món đồ nào, có lúc mẹ nhắc cha, có khi cha dặn mẹ: “Nhớ mua cho con Hường nữa đó…”. 

Mỗi ngày một khôn lớn, nó dần nhận ra sức khỏe của chị gái bất thường. Có khi hai chị em đang ngồi học bài, bỗng bất thình lình, chị gái nó ngã lăn ra, toàn thân co giật liên tục. 

Những lúc ấy cha mẹ thường túm được cái khăn hay áo sẽ nhét ngay vào miệng chị. Họ sẽ xua nó ra ngoài với câu nói quen thuộc: “Tránh ra cho thoáng để chị mày dễ thở…”. Khoảng một lúc sau, chị nó sẽ tỉnh táo trở lại. 

 Ngày nào, chị em nó cũng lời qua tiếng lại, vì tị nạnh nhau việc nhà. Năm nó 15 tuổi, hai chị em cãi nhau một trận ra trò, sau đó xảy ra một chuyện mà cả đời, nó chẳng thể nào quên. 

- Nay con mệt lắm! Mẹ bảo con Hường giặt đồ, rửa chén đi!

Chị nó nằm rung đùi, lên giọng sai bảo. Nó tức tối, lắc đầu, cãi lại. 

- Hôm qua, con làm rồi, nay đến lượt chị!

Biết hai con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn bướng bỉnh vô cùng, mẹ nhìn nó, khuyên nhủ:

- Hay con làm giúp chị lần này đi. Chị con đang… không được khỏe…!

- Cha mẹ suốt ngày chỉ biết có chị, chẳng ai để ý đến con. Hôm nay là sinh nhật của con. Con không làm gì cả! 

Nó nổi giận, đạp xe một mạch đến chỗ hẹn cùng đám bạn. Đó là con suối Thề thơ mộng. Chiều chiều, lũ trẻ xóm nó vẫn kéo nhau ra đó tắm táp, nô đùa. 

Đang nhảy bùm bùm trong nước, bỗng nó nghe tiếng đám đông phía đầu nguồn rộ lên: “Có người đuối nước… chúng mày ơi!”. Sau đó, lại có đứa ré lên: “Ôi! Con Hương… chị của con Hường…”. 

Nó ngoi lên khỏi mặt nước, điếng người như vừa nghe một tiếng nổ vang trời. Nó chạy như nước đổ về phía đám đông đang tụ lại đằng xa. Chị nó nằm ngửa dưới đất. Hai chân khẽ rung giật vài giây rồi bất động. Gương mặt chị trắng như bột, môi tím đi. 

Một người bạn, mặt bàng hoàng, vội chỉ tay xuống suối, thắc mắc: “Nước chỉ đến bắp chân thôi. Sao nó ngã xuống mà không đứng lên được? May tớ phát hiện ra, lôi vào bờ kịp… ”. 

Không ai biết rằng, chị nó bị bệnh động kinh bẩm sinh nên dù nước có cạn đến đâu cũng không thể ngoi lên được. 

Sau này, nghe mẹ kể, ngày có bầu chị, mẹ nó bị ngã. Cha nó thì lại bảo: “Do sinh ngạt…”. Thuở ấy, gia cảnh bần nông, cha mẹ nó chỉ biết, có bệnh thì vái tứ phương. Mẹo dân gian nào cũng trị theo nhưng căn bệnh quái ác ấy vẫn cứ bám theo chị nó dai như đỉa. 

Chờ khi chị tỉnh lại, nó lấy xe đạp chở chị về nhà. Ngồi sau xe, chị cứ níu áo nó, than thở: “Chị buồn ngủ quá!”. Nó sợ chị lại lên cơn động kinh, ngã giữa đường nên một tay cầm lái xe, một tay vịn lấy người chị. Lúc đó, chị không biết rằng, nỗi ân hận ngập tràn trong lòng nó. May là chị nó phước lớn đã không bỏ mạng nơi con suối ấy… . Nếu không, nó sẽ phải sống cả đời trong dằn vặt và ám ảnh. 

Giờ nó đã hiểu vì sao, suốt bao năm qua, cha mẹ luôn phải dõi mắt theo canh chừng, từng bước chân của chị. Vì chỉ cần sơ sẩy, Diêm Vương sẽ lôi chị khỏi vòng tay họ. Nó cảm nhận được nỗi lòng cha mẹ, không phải họ không yêu thương nó bằng chị mà chỉ vì, chị yếu ớt, cần được chở che hơn. 

Cũng từ đó, nó không còn ganh tỵ việc nhà với chị gái nữa. Nó bỗng trở thành cây tùng bách, bảo vệ chị, mỗi khi cha mẹ vắng nhà.

 Thấm thoát ngày tháng qua đi, hai chị em người vào đại học, người đi học nghề, ít khi gặp được nhau. 

Đến một ngày, cả hai cũng lần lượt lên xe hoa về nhà chồng. Người Nam, kẻ Bắc, xa nhau nghìn trùng. 

Nó may mắn lấy chồng giàu sang, cuộc sống nhàn nhã. Chị nó số vất vả, lấy chồng cực khổ, gian nan. Lần nào, điện thoại, giấm giúi ít tiền gửi cho chị gái, nó đều thấy chị quệt nước mắt, chặc lưỡi: “Phải chi ngày còn ở với cha mẹ, hai chị em mình thương yêu, nhỏ nhẹ với nhau như bây giờ… đừng chửi mắng nhau suốt ngày… thì hay biết mấy”. 

Nghe chị gái nói, nó xót xa cõi lòng, nhận ra: Đời người vốn ở đâu cũng là “chỗ trọ” của trần gian. Khi ta “trọ” với mẹ cha, khi lại ra “trọ” cùng thiên hạ, khi về “trọ” với bạn đời, cháu con… . Đều là “khách trọ” bên nhau một đoạn đường đời, hà cớ gì, sao ta không thể đối đãi ngọt ngào, tử tế với nhau…!?


✍Tác giả: Nguyễn Nga

(Trích từ tập truyện ngắn những câu chuyện giúp nuôi dưỡng tâm hồn chưa xuất bản)

Nếu thấy câu chuyện hay, ý nghĩa, bạn đọc đừng quên chia sẻ nhé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Họa từ miệng mà ra

Buôn chuyện

Lúc về già

Nhịn

=Phúc tại tâm

Nhịn đâu phải dễ

Miền quê vẫn đợi

Mặc kệ miệng đời

Phụ nữ chớ để tim đau

Ai thiên vị ai

Quy luật đời người

Thầy trở về

Lên 6

Cách trả thù tốt nhất

Buông bỏ

Bức thư mẹ gửi con trai

Đứa con vô ơn

Không có nhận xét nào: