Gia đình tôi đến dạy ở trong một căn biệt thự hoành tráng. Sau khi đi qua cánh cổng đồ sộ như cái cổng đình, tôi theo cầu thang ngoài uốn cong dẫn lên phòng khách. Nó làm tôi hơi sốc vì nhìn giống như phòng khách của vua Bảo Đại mà tôi gặp dịp đi chơi Đà Lạt. Chị chủ nhà dáng vẻ bệ vệ, sau khi tiếp và giao nhiệm vụ cho tôi thì kết thúc với giọng nhẹ bỗng: "Đấy, em chỉ có nguyện vọng thế thôi. Thầy thu xếp giúp con nhà em nhé". Dường như với chị việc dạy học dễ như cầm cái bình rót trà vào cốc vậy.
Rồi chị dẫn tôi theo cầu thang trong xuống tầng hầm. Ở đó có con chó "khổng lồ" to như con gấu nằm trong cái cũi bằng inox sáng bóng hực hực lên mấy tiếng. Chị phân trần: "Phòng của cháu đang dọn dẹp, phiền thầy dạy cháu ở đây". Tôi nghĩ chỉ là học tạm vài buổi nên cười đáp lời: "Vâng, được ạ. Khổng Tử còn dạy học trò dưới gốc cây ngoài cánh đồng mà chị".
Chỗ học ngay cạnh cũi chó, chếch bên phải là bàn bida, bên trái là máy chạy tập thể dục hiện đại có nhiều chức năng và sau lưng là cái ô tô màu đen mới coóng. Cái bảng được treo đung đưa trên cột nhà, còn bộ bàn ghế Xuân Hoà đã cũ, mép bàn được vá víu bằng mấy lớp băng keo. Nhìn "thảm cảnh" ấy tôi suýt bật cười. Không phải vì tôi chê gì chỗ học này, mà là vì nó quá đối lập với hình ảnh nguy nga sang trọng của căn biệt thự và với những nội thất xa xỉ mà tôi vừa thấy.
**
Tôi dạy cô bé dưới tầng hầm đã gần một tháng, các buổi học đôi khi bị gián đoạn bởi tiếng chó sủa âm vang, và nó không mấy dễ chịu vì mùi xăng phảng phất...
Vì lâu không thấy chuyển lên học ở một nơi khác như chị chủ nhà đã hứa, nên tôi hỏi cô học trò: "Phòng của em chưa dọn xong à?". Cô bé gãi đầu ngượng ngùng ấp úng: "Dạ, không ạ, nhưng mà....ư, ư...". Tôi biết là có gì không ổn nhưng cô cảm thấy khó nói, nên cười xuê xoa cho cô bé khỏi ngượng: "Thôi, không sao. Mình học tiếp nhé".
Sau khi dạy xong, tôi bảo cô: "Em dẫn thầy lên gặp mẹ nhé." Cô bé với tay thu mấy quyển sách vở quay sang trả lời tôi: "Dạ, mẹ em chưa về ạ". "Thế hàng ngày mẹ em đi làm về khi nào?", tôi hỏi. Cô bé lại ấp úng: "Em không biết ạ. Mẹ em về nhà không có giờ cố định ạ". Tôi liền lấy điện thoại để hỏi xem lúc nào có thể nói chuyện với chị. Tôi khá ngạc nhiên khi chị lại hẹn gặp tôi ở một tiệm cà phê sang trọng mà không phải ở nhà.
Khi tôi đến cô tiếp viên dẫn tôi vào chỗ mà chị đã đặt. Lúc lâu sau chị đến và cười xuề xoà: "Thầy gọi gì uống chưa?". Hình như chị không quen nói lời xin lỗi khi trễ hẹn. Sau khi chào hỏi xã giao, tôi vào ý chính: "Chị này, nhà chị thu dọn chưa xong ạ. Sao cháu phải học ở tầng hầm lâu thế chị?". Chị che miệng cười bảo tôi: "Thôi, thầy ạ. Ngồi đấy cũng được mà thầy. Tốt chán. Đấy, trên TV thầy thấy đấy, mấy cái trường, cái lớp ở miền núi còn chẳng có phên có liếp, bàn ghế thì khấp kha khấp khểnh, cọc cà cọc cạch mà tụi trẻ nó vẫn học được đấy thôi. Cứ phải khổ thế thì con em nó mới ngấm chứ thầy. À mà thầy không biết chứ. Chó nhà em là chó Ngao Tây Tạng đấy, có tiền chưa chắc mua được đâu".
Tôi bảo: "Vâng, nếu đấy là quan điểm giáo dục của chị thì cũng được ạ. Nhưng chị phải đồng bộ hoá các hoạt động khác trong nhà. Chứ lái xe sang đi ăn cơm tiệm, diện đồ hiệu đi chơi ngắm phố,...mà chỗ học như thế là phản cảm chị ạ. Không có tác dụng giáo dục, thậm chí nó còn cho thấy chị không tôn trọng việc học".
Chị hơi sững lại khi nghe tôi nói thế, hình như chị không quen bị người khác phản đối ý kiến của mình. Chị ngả người tựa lưng vào ghế, tay xoay xoay tách cà phê, mặt thoáng đăm chiêu. Sau một lúc nghĩ ngợi chị bảo tôi: "Thế thầy để em xem xem thế nào nhé".
Mấy buổi sau tôi vẫn thấy cô bé dẫn xuống tầng hầm để học. Cuối cùng tôi bảo: "Em ngồi học ở đây thấy ổn à?". Cô bé lí nhí: "Dạ, không ạ". Tôi cười: "Thế sao em không nói với mẹ". Cô bé ấp úng: "Dạ, mẹ em bảo học ở đây được ạ. Nhà em không ai dám trái lời mẹ ạ". Nghe vậy tôi bảo cô: "Em nói với mẹ thầy không đến dạy em nữa nhé". Cô ngạc nhiên: "Sao thế thầy, có việc gì thế ạ?". Tôi nhỏ nhẹ: "Ừ, em cứ chuyển giúp lời thầy thế. Mẹ em hiểu đấy".
Hai hôm sau, thầy Toán và cô Lý hẹn tôi ra ngoài nói chuyện. Họ nói khá nhiều, đại ý là dạy học thời nay khác xa cái thời ông bà cha mẹ mình rồi, cái câu "muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" chỉ để cho ma nó nghe thôi, rằng trong cái thời buổi kinh tế thị trường này thì dạy học (nhất là dạy gia sư) cũng chỉ là đi bán chữ mà thôi. Có người mua cho là tốt rồi. Mình chẳng bán sẽ có người khác bán. Dạy một khoá học cũng chỉ như thực hiện một hợp đồng kinh tế. Mình dạy đủ giờ đủ buổi, họ trả đủ tiền. Thế là xong. Sao lại cứ nghĩ ngợi này nọ cho đời nó phiền phức, rước mệt vào thân...
Tôi im lặng ngồi nghe. Cuối cùng để kết thúc cho phần phân tích đúng sai hay dở về lẽ đời, thầy Toán vỗ đầu gối tôi bảo: "Thôi, thế anh ạ. Anh cứ đến dạy tiếp đi. Kệ người ta. Học phí cao đấy. Bỏ làm gì. Phí của. Thể diện có mài ra mà ăn được đâu". Cô Lý cười phụ hoạ: "Phải đấy anh. Lo bạc râu, sầu bạc tóc. Chẳng nước non gì!".
Tôi bảo: "Nếu không vội, anh kể các em nghe chuyện này". Họ hào hứng muốn nghe. Cô Lý bảo tôi đợi tý để cô chạy đi vệ sinh rồi tiện thể mua mấy cái bánh ngọt vì ngồi lâu bụng đã thấy đói rồi. Câu chuyện tôi kể là về một cô bé bán đồ lưu niệm dạo ở một ga tàu hoả mà tôi tình cờ gặp khi vào Sài Gòn công tác.
Cô bé tầm khoảng 12-13 tuổi, khá gầy gò, mái tóc rối vàng hoe như râu ngô, cái quần bò cũ mốc cộc đến đầu gối, áo sơ mi phanh ngực để lộ bên trong là cái áo phông ố vàng sờn cổ. Vai cô khoác cái túi phồng to có vẻ khá nặng vì nó làm cô phải đi nghiêng người. Một tay cô xách túi còn một tay cắp cái mẹt trên đó bày đủ thứ lặt vặt. Cô đến bên tôi mời mấy thứ nhưng tôi nghe không hiểu phần vì không quen tiếng, phần vì sân ga khá ồn ào. Vì không có nhu cầu mua gì nên như thường lệ tôi cho cô bé một ít tiền. Lạ thay, cô bé không lấy mà nhìn tôi với đôi mắt biết nói như ý bảo: "Dạ, con cảm ơn chú. Con đi bán hàng chứ con không đi ăn xin ạ". Rồi cô quay người bước đi.
Tôi đứng sững như trời trồng, lúc sực tỉnh định đuổi theo cô thì không kịp vì tiếng còi thổi rất gắt yêu cầu khách lên lại tàu để tiếp tục hành trình và cô đã ở khá xa.
Đã hơn 25 năm rồi mà tôi vẫn không thể nào quên được và tôi vẫn có cảm giác là mình chưa hiểu hết những gì ẩn chứa trong ánh mắt đó. Tôi mãi nợ đôi mắt ấy một lời xin lỗi mà trong phút bối rối tôi đã không kịp thốt ra!
Tôi nhấp ngụm cà phê và bảo: "Đấy, các em nghĩ xem đó là gì. Đó chẳng phải là thái độ trân trọng công việc mình làm và tự trọng về nhân cách của mình sao. Một cô bé bán đồ lưu niệm dạo còn biết làm như thế, không lẽ anh em mình bất chấp mọi thứ để kiếm sống hay sao?".
Nghe xong câu chuyện hai thầy cô không nói gì, ngồi thêm một lúc họ từ biệt tôi để ra về. Nhưng qua thái độ tôi cũng hiểu ý họ "thôi anh ạ, đã đứng dưới hiên thì phải cúi đầu. Nghĩ đơn giản đi cho đời thanh thản". Nhưng với tôi không đi dạy trong hoàn cảnh ấy mới thấy lòng thanh thản!
Sau đó khoảng hai tuần chị chủ nhà gọi điện xin tôi một cái hẹn. Khi gặp, chị xin lỗi tôi về sự khiếm nhã vừa rồi và mong tôi đến để tiếp tục dạy con chị. Tôi cười bảo chị: "Chị không có lỗi gì với tôi cả. Mà là chị có lỗi với Sự học. Người xưa nói "Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ". Sự học chính là Kẻ sĩ. Nếu hôm nay chị ăn ngủ trên giường ấm nệm êm mà chị xếp cho con chị cùng Kẻ sĩ ngồi với chó, kể cả là con chó đắt tiền bao nhiêu đi chăng nữa thì ngày mai trên con đường vạn dặm Kẻ sĩ sẽ không đồng hành cùng con chị được, tôi e là như vậy. Sự học không cần một chỗ sang trọng mà cần một chỗ cho thấy người học trân trọng công việc đó. Chỉ đơn giản vậy thôi, chị ạ".
***
Tôi cũng đã làm nhiều nghề để sống và tôi tin rằng mỗi nghề đều có "đạo" riêng của nó. Dù cho vật đổi sao dời, thì thời nào cũng thế.
Sao Sự học lại cùng ngồi với chó được chứ!
NGUYỄN VĂN HƯNG.
Link cập nhật danh sách ổ dịch mới nhất xem TẠI ĐÂY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét