TÌNH ĐẦU

Là cô bé Bình Định tập kết ra Bắc, Hoài lớn lên trong các trường học sinh miền Nam. Chị học cấp 3 ở trường nữ sinh số 8 Hải Phòng. Trường toàn con gái, ăn ngủ, học tập, chơi thể thao, xem phim... tất tần tật toàn gái với nữ.
Hồi đó không cấm yêu đương nhưng có con trai đâu mà yêu, dù chỉ là tình yêu học trò đơn phương ngây ngô mơ hồ.Trong một dịp giao lưu thể thao văn nghệ giữa học sinh nhà trường với tổ chức đoàn địa phương chị gặp anh. Anh không có gì nổi bật. Chị sẽ không để ý đến anh nếu quả bóng chị đập rơi vào sân mà không rơi trúng đầu anh đang ngồi xem thi đấu bóng chuyền. Hết trận đấu chị tìm anh hỏi có đau không và thế là hai người quen nhau.
CUỘC ĐỜI KẺ CHĂN TRÂU & TIẾN SĨ
>>TIN TỐT LÀNH
>>>MỘT NIỀM VUI MUỘN MÀNG
>>>>MỘT ĐỜI VÌ CON 
 ÔNG GIÀ NOEL KHÔNG MẶC ĐỒ ĐỎ
Các nhà khoa học mải miết tìm quy luật cuộc đời, tìm mãi rồi cũng thấy quy luật chung nhất là ngẫu nhiên. Trường hợp Hoài cũng vậy, vô tình quen anh rồi vô tình thương, thương lúc nào không hay.
Thi thoảng lắm Hoài mới được ra khỏi trường nội trú, mà phải đi cả nhóm mấy người. Chị tìm cách gặp anh, hai người nói những điều vu vơ không đầu không ngọn rồi vội vã chia tay nhau để thắc thỏm chờ đến lần gặp sau.
Hết phổ thông, chị chuyển lên Hà Nội học Kinh tế. Chia tay nhau chẳng biết nói gì, chị tặng anh chiếc khăn mù xoa có hai con chim bồ câu ngậm bông hoa hoà bình chị tự tay thêu không được đẹp lắm.
Còn anh tặng chị cuốn sổ tay, bảo để bạn ghi nhật ký, trang đầu anh chép câu nổi tiếng của nhà văn Liên xô Nikolai Oxtrovski:
“Cái quý nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người."
Không một lời tỏ tình, không một lời hẹn ước.
Trường chị đi sơ tán. Lâu lâu mới có một thư của anh, toàn là động viên chị học tập tốt, phấn đấu thành đảng viên, xứng đáng với cha mẹ đang chiến đấu ở miền Nam.
Lá thư cuối cùng anh báo đã nhập ngũ, chuẩn bị đi B. Từ đó Hoài mất hoàn toàn liên lạc với anh.
Năm 1973 trên đưa cán bộ vào tham gia các cơ quan bộ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại Tây Ninh. Chị xung phong đi. Một phần muốn gặp cha mẹ, phần nữa biết đâu gặp được anh.
Những năm tháng ở rừng chị bị một trận sốt rét kinh hoàng. Chồng chị sau này lúc đó là cán bộ Ngân hàng, đóng quân cách bộ Tài chính một cánh rừng, ngày nào cũng lặn lội sang chăm sóc chị. Từ ân nên nghĩa, từ nghĩa nên tình. Sau 30 tháng Tư năm 75, họ cùng về tiếp quản Sài Gòn và làm đám cưới.
*****
Công việc cơ quan, gia đình, con cái làm chị quên hẳn anh. Thực ra giữa hai người đã có gì đâu, ngoài tình bạn mà lúc đó cứ nghĩ là yêu và phải giấu diếm bạn bè và nhà trường. Nói là quên nhưng chị cũng tìm hỏi và biết anh bị thương nặng, giải ngũ về lại Hải Phòng sinh sống.
Năm 1995 công ty chị tổ chức cho đoàn cán bộ đi tham quan phía Bắc. Là giám đốc, chị bắt lên chương trình phải có mục đi Đồ Sơn. Ăn cơm chiều xong chị nói ngày xưa chị học ở Hải Phòng, nay tranh thủ đi thăm mấy người bạn cũ.
Chị đi taxi đến nhà anh. Ngôi nhà một tầng mái ngói vẫn thế, chỉ cũ hơn thôi. Ngoài hiên, trên vỉa hè, anh đang ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp vá săm xe đạp. Một chân duỗi và chân còn lại không có gì, ống quần bộ đội bạc màu cắt cụt lên quá đầu gối.
Thấy đôi giày nữ ngay trước mắt mình, anh ngước nhìn lên và nhận ra chị ngay, chỉ thốt một tiếng Hoài!
Anh gọi thẳng con trai ra làm nốt cái săm, chống nạng dẫn chị vào nhà mời nước. Chiến tranh đã lùi xa hai mươi năm, lần gặp gỡ cuối cùng của hai người cũng lùi xa, rất xa. Ba mươi năm đã qua!
Anh sửa xe đạp kiếm sống. Vợ bán quán nước và vài thứ lặt vặt. Hoài đặt chục xoài lên bàn bảo chả biết mua quà gì. Họ nói chuyện vu vơ, không đầu không ngọn y như ba chục năm trước.
Hoài chỉ về phía thằng bé đang lắp cái săm đã vá vào lốp hỏi nó mấy tuổi, học hết gì rồi. Anh buồn bã kể nó học hết phổ thông, dốt không vào đại học được, ở nhà phụ bố sửa xe.
Hoài quyết rất nhanh:
⁃ Đây là bộ hồ sơ xin việc, ngày mai anh chị khai rồi lên phường xác nhận, ngày kia em qua lấy hồ sơ. Em sẽ nhận cháu vào công ty em học nghề rồi làm công nhân trong Sài Gòn. Cháu sẽ ở nhà em, anh chị không lo.
Một tuần sau Hoài cho người mang vé tàu Thống nhất và một ít tiền để thằng con anh, bây giờ là con nuôi Hoài, vào Sài Gòn.
Thằng bé làm việc được 5 năm thì Hoài cho nó đi đại học. Nó không hề dốt, chỉ là trước đây không ai bày vẽ. Rồi Hoài cưới vợ cho nó. Hai đứa mua được căn hộ nho nhỏ ở Gò Vấp.
Hoài mất năm 2017, ba tháng sau khi phát hiện bị ung thư gan.
Đám tang Hoài có ông thương binh cụt một chân từ Hải Phòng bay vào, chống nạng đứng từ đầu đến cuối.
Phút mặc niệm, người thương binh già lấy khăn mù xoa chấm nước mắt.
Chiếc khăn ngày xưa đã từng trắng nay ố vàng, chỉ thêu hình hai con chim bồ câu cũng đã phai màu.

Phan Chi

Không có nhận xét nào: