NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẦY Ý NGHĨA

Chìa khóa và ổ khóa

Cửa sắt được khóa bằng một ổ khóa lớn kiên cố. Một thanh sắt dốc hết sức lực để phá khóa nhưng cuối cùng, nó cũng chịu thua, không thể phá được ổ khóa đó.

Sau đó, một chiếc chìa khóa nhỏ xíu xuyên sâu vào trong ổ khóa, nhẹ

nhàng xoay một cái, từ trong ổ khóa lớn phát ra tiếng kêu "cạch" và ổ khóa được mở ra. Thanh sắt thấy tò mò liền hỏi: "Tại sao tôi phí bao nhiêu sức lực như vậy mà mở không ra, còn bạn thì chỉ cần nhẹ nhàng mở được nó một cách một cách dễ dàng?"

Chìa khóa nói: "Bởi vì tôi là người hiểu rõ ổ khóa nhất."

Lời bình

Dùng tâm hồn để cảm nhận là chìa khóa vàng để mọi người thấu hiểu lẫn nhau.

Khỉ và hổ

Nhà văn Lưu Nguyên Khanh thời Minh trong một bài tiểu luận ngắn có tiêu đề "Nao" (tên một loài khỉ trong sách cổ) có ghi lại một câu chuyện như sau: Con Nao có vóc dáng nhỏ bé nhưng có bộ móng vuốt vô cùng sắc nhọn.

Khi con hổ bị ngứa đầu, con Nao liền trèo lên đầu nó dùng bộ móng vuốt sắc nhọn gãi một cách nhẹ nhàng, êm ái, khiến cho con hổ cảm thấy vô cùng thoải mái, lâng lâng.

Con Nao không chỉ gãi ngứa mà nó còn đào một cái lỗ nhỏ trên đầu con hổ nhưng con hổ tuyệt nhiên không hề phát hiện ra. Thế là óc của con hổ liền bị biến thành một món ăn mĩ vị của con Nao.

Lời bình

Dùng cách giải thích: "Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc" để giải thích cho ý nghĩa của câu chuyện trên là hoàn toàn phù hợp.

Xét về phương diện kinh tế, cũng có rất nhiều những hành vi tương tự như vậy. Có rất nhiều doanh nghiệp, đang từ vững mạnh bỗng trở thành suy thoái dần và cuối cùng bị thất bại thảm hại.

Mặc dù lý do thất bại của các doanh nghiệp này là khác nhau, nhưng có một điểm tương đồng đó là thiếu ý thức cảnh giác, mất đi ý thức phòng bị và thiếu hiểu biết về nguy cơ, sống trong bình yên mà quên đi nguy hiểm, thiếu tầm nhìn xa, thiếu nhận thức về nguy hiểm phải đối mặt. Không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cuối cùng dẫn đến thất bại.

Sự phát triển của doanh nghiệp từ đầu đến cuối luôn đi cùng với nguy hiểm, rủi ro. Đối với các doanh nghiệp, cái nguy hiểm lớn nhất chính là thiếu nhận thức về nguy cơ. Họ thường nhìn thấy cái yếu tố có lợi cho sự phát triển của công ty, mà bỏ qua những nguy hiểm tiềm ẩn.

Có những người chỉ nhìn thấy điểm yếu của đối thủ mà không nhận ra những thiếu sót của bản thân.



Nhìn vậy mà không phải vậy

Trên hành trình về phía Đông của Khổng Tử, có một lần đi đến một vùng nọ bỗng ông cảm thấy bụng đói cồn cào, liền quay sang nói với đệ tử của mình là Nhan Hồi: "Trước mặt có một quán cơm, con đi xin một ít cơm về đây". Nhan Hồi liền đi đến quán cơm, trình bày ý định đến của mình.

Chủ của quán cơm nói: "Muốn ăn cơm thì cũng được nhưng tôi có một yêu cầu". Nhan Hồi vội đáp: "Yêu cầu gì vậy?"

Chủ tiệm đáp: "Tôi viết một chữ này, nếu anh biết thì tôi sẽ mời sư đồ nhà anh một bữa, còn nếu như không biết sẽ phải chịu đòn".

Nhạn Hồi khẽ cười đáp: "Ông chủ à, tôi tuy không có tài nhưng cũng đã đi theo sư phụ nhiều năm rồi, đừng nói là một chữ, ngay cả một bài văn thì cũng có khó gì". Chủ quán cũng mỉm cười: "Anh đừng đắc ý vội, đoán được chữ này trước rồi hãy nói."

Nói xong, chủ quản cầm lấy cây bút rồi viết một chữ "chân". Nhan Hồi phá lên cười đáp: "Ông chủ à, ông quá khinh thường tài năng của Nhan Hồi tôi rồi, tôi cứ nghĩ rằng là chữ nào khó đoán, chữ này thì lúc tôi mới năm tuổi đã biết rồi.

Chủ quán cười hỏi: "Chữ này là chữ gì?"

Nhan Hồi đáp: "Đó là chữ "chân" trong chữ "nhận chân" (nghĩa là "chăm chỉ"). Chủ quán cười nhạt quát: "Kẻ ngu dốt dám mạo danh là học trò của Khổng Tử, người đâu, lôi ra đánh cho một trận".

Nhan Hồi trở về kể lại toàn bộ những gì đã diễn ra với thầy giáo. Khổng Tử cười mỉm: "Xem ra kẻ làm thầy như ta không đi không được".

Nói xong, ông liền đến trước cửa tiệm trình bày mục đích đến. Chủ quán cũng viết một chữ "chân" y hệt như vừa rồi.

Khổng Tử trả lời rằng: "Chữ này đọc là ‘trực bát’".

Chủ quán cười đáp: "Quả nhiên là Khổng Tử đến, xin cứ tự nhiên".

Như vậy, Khổng Tử ăn uống xong, không phải trả một đồng. Nhan Hồi không hiểu liền hỏi: "Thầy ơi, thầy không phải dạy con chữ này đọc là "chân" sao? Tại sao lại biến thành "trực bát ạ?"

Khổng Tử cười đáp: "Có những việc đôi khi chúng ta biết rõ ràng là như vậy nhưng chưa hẳn đã là ‘thật’".



Đối mặt

Có một cô gái bị ông chủ của mình sa thải mà không có lý do gì. Buổi trưa, cô ngồi tựa lưng ở ghế băng cạnh đài phun nước của công ty, tâm trạng ủ rũ, chán nản. Cô cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng tăm tối, buồn chán. Lúc ấy, cô ấy chợt nhận ra có một cậu bé đang đứng sau mình và cười khúc khích.

Cô gái tò mò liền hỏi cậu bé: "Em cười cái gì vậy?".

Cậu bé vô cùng đắc ý nói: "Sáng sớm nay người ta mới sơn cái ghế băng này xong, em muốn xem xem lúc chị đứng lên trông sẽ như thế nào, ha ha."

Cô gái giật mình, bỗng nhiên cô nghĩ: "Những đồng nghiệp xấu tính đó không phải cũng giống như cậu bé kia sao, trốn sau lưng của mình mà dòm ngó, cười nhạo sự thất bại và suy sụp của mình. Mình nhất quyết không để họ đạt được mục đích, mình nhất quyết không đánh mất khí chất và tôn nghiêm của bản thân!"

Cô gái nghĩ một lúc, rồi chỉ tay về phía trước nói với cậu bé: "Em hãy xem những cánh diều bay lượn đang được thả ở đó kìa."

Cậu bé nhanh mắt nhìn theo gợi ý của cô gái. Và đợi đến lúc cậu bé nhận ra mình bị lừa thì cô gái đã cởi xong áo ngoài cầm trên tay rồi.

Cô nhận ra chiếc áo bên trong mình đang mặc màu vàng, lại càng khiến cô trông xinh đẹp, rạng rỡ hơn. Cậu bé vung tay, bĩu môi, thất vọng bỏ đi.

Lời bình

Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ bắt gặp những điều không như ý muốn. Cũng giống như chiếc ghế sơn chưa khô kia vô tình làm bạn buồn phiền.

Nhưng nếu như đã ngồi lên rồi, thì đừng quá thất vọng, buồn chán, hãy đối diện bằng thái độ "bình thản đối diện, không buồn phiền vì những chuyện vô cớ", tháo lớp áo ngoài yếu đuối, mỏng manh, bạn sẽ phát hiện ra một cuộc sống mới vừa mới lại bắt đầu.



Mắc lừa

Có một con chó sói đi kiếm ăn nhưng kiếm mãi vẫn không tìm được cái gì để ăn. Bỗng đi qua một nhà nọ, nghe thấy tiếng trẻ con đang khóc trong phòng, tiếp đó lại nghe thấy tiếng bà mẹ: "Đừng khóc nữa, còn khóc nữa, mẹ sẽ đem vứt con cho sói ăn đó."

Chó sói nghe thấy thế, trong lòng vô cùng mừng rỡ, liền tìm một chỗ ở gần đó để đợi thời cơ.

Mặt trời đã xuống núi, mãi mà không thấy bà mẹ đem đứa con đi vứt. Đến tối, con sói không thể đợi được nữa, liền tìm đến trước phòng tìm thời cơ để đột nhập vào, nhưng lại nghe thấy tiếng bà mẹ vang lên:

"Ngủ đi con, đừng sợ, sói đến, chúng ta sẽ giết nó đem nấu ăn."

Sói nghe thấy thế, hoảng sợ chạy bán sống bán chết về hang, không dám ngoảnh đầu lại. Đồng bọn thấy thế liền hỏi hôm nay có kiếm được cái gì không?

Sói đáp: "Đừng nhắc nữa, lời của người đàn bà ấy không thể tin được, đã hại ta đói cả một ngày, cũng may mà ta chạy nhanh không thì mất mạng lâu rồi."

Lời bình

Người khác chỉ nói bâng quơ, bạn lại xem đó là thật mà hoàn toàn không biết rằng đôi khi mọi người chỉ đang lấy bạn ra làm ví dụ mà thôi. Vì vậy, đừng để lời nói của người khác làm thay đổi công việc và cuộc sống bình thường của bạn.

 ST

Không có nhận xét nào: