>>>>>TRỢ GIÚP ĐỒNG BÀO 2 XÃ TÂN VÀ THƯỢNG TRẠCH
Ðấy - họ bảo tôi - Giá anh không làm như thế, như thế...
thì đời nào ông chủ lại đuổi. Mà một khi anh đã cả gan làm những chuyện như vậy,
thì lỗi là tại anh rồi còn quái gì! Chính anh có lỗi thôi! Cuối cùng, bao giờ họ
cũng kết án tôi như vậy, và vẻ hài lòng hiện rõ ra mặt.
Hôm ấy, tôi đang vừa đi ngoài phố vừa miên man suy
nghĩ về chuyện làm ăn, thì bất thình lình có người đập mạnh vào vai. Tôi ngoảnh
lại thì hoá ra ông bạn Ôxman Kêman. Anh ta vui vẻ đi bên cạnh tôi. Chợt nhìn thấy
bộ măt buồn rầu thiểu não của tôi, anh cụp ngay mắt xuống thay đổi hẳn vẻ mặt
và bảo:
- Tôi hiểu!... - anh ta nói một cách ấp úng.
Nghĩa là anh ta đã biết chuyện tôi bị đuổi khỏi chỗ
làm. Nếu vậy thì không thoát được rồi! Thế nào anh ta cũng lại sắp tra khảo
tôi, tìm cách chứng minh cho tôi biết rằng chính tôi là kẻ có lỗi đấy cho mà
xem!
Cái vẻ mặt buồn rầu giả tạo thật chẳng ăn khớp một
tý nào với cái ánh mắt long lanh, vui sướng mà anh ta không che giấu nổi. Tôi cố
làm ra vẻ không hiểu cái câu "Tôi hiểu" của anh ta và hỏi:
- Anh làm sao thế? Hay có chuyện gì không vui?
- Không, tôi chẳng làm sao cả! Nhưng tôi nghe nói là
anh lại vừa bị mất việc thì phải! - anh ta đáp.
- Cũng không sao! - tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, vì
không muốn tiếp tục cái đề tài này.
- Sao lại không sao? - anh ta đứng ngay giữa phố, mồm
cứ bô bô kêu "Trời ơi", rồi đề nghị tôi - Thôi, chúng mình vào tiệm
làm một cách cà phê đi, rồi cậu kể cho tôi nghe xem đầu đuôi thế nào nào?
- Có gì đâu mà kể! - tôi đáp.
- Sao lại có gì đâu! Chà, xem cậu bắt đầu giống ai rồi
nào? Thôi, ta đi đi! Cậu cứ kể cho mình nghe, rồi tự khắc cậu sẽ thấy khuây khoả
ngay thôi mà!
- Anh cứ làm như có thể thay đổi được cái gì không bằng!
- Cậu làm mình giận đấy!... Chả lẽ mình không phải
là bạn cậu hay sao?
Thế là tôi đành vào quán với anh.
- Nào, bây giờ thì cậu kể cho mình nghe xem có chuyện
gì xảy ra đi! - anh ta nói, khi chúng tôi bắt đầu nhấm nháp ngụm cà phê.
- Lão chủ vừa đuổi tôi...
- Vì sao?
- Thì tôi biết được là vì sao! Anh đi mà hỏi lão ta ấy!
- Cậu có hay đi làm muộn không? - cuộc hỏi cung bắt
đầu.
- Không! Bao giờ tôi cũng đến rất đúng giờ.
- Có bao giờ cậu không hoàn thành công việc không?
- Không bao giờ! Ông ta còn nói là rất hài lòng về
tôi cơ mà!
- Hay là... công việc làm ăn của ông chủ cậu gặp khó
khăn chăng? - anh ta cứ đoán lần đoán mò như người chơi ô chữ vậy.
- Trái lại, công việc của ông ta rất chạy.
Anh ta lại tỳ tay vào má, ra chiều ngẫm nghĩ.
- Thế có lần nào cậu cãi lại ông ấy không?
- Không! Ai mà dám cãi lại ông ấy!
Sốt ruột, Kêman bắt đầu nhấm nhấm móng tay.
- Thôi đúng rồi! Chắc cậu đòi tăng lương phải không?
- Ðâu có!...
- Hay là... cậu có nói câu gì về ông ta, chẳng hạn
có ý chê trách ông ta?...
- Ồ, không đời nào!
Tôi bị hỏi vặn một hồi nữa bằng những câu đại loại
như thế.
- Chà! Chà!... Thế thì vì cái quái gì mà cậu bị đuổi
được nhỉ? Hay là... có khi nào cậu nhìn ông ta chằm chằm như cậu đang nhìn mình
bây giờ không?
- Tôi không hiểu. Nhưng... có thể là có...
- Thôi thế thì đích rồi! Tớ đã bảo mà! Nhất định là
phải có lý do mà lại, chứ không đời nào tự dưng người ta lại đuổi cậu cả! Chính
lỗi tại cậu chứ không phải tại ai hết! Cậu cứ nhìn người ta chằm chằm như muốn
ăn sống nuốt tươi thế thì ai mà chịu được! Nói thật chứ... Lỗi là tại cậu thôi!
Nói xong câu ấy, anh ta thấy trong người nhẹ nhõm hẳn.
Tôi khẽ buông một tiếng "Thôi, chào anh!"
rồi bước ra khỏi tiệm. Thậm chí ngay cả lúc bị đuổi khỏi chỗ làm tôi cũng không
thấy buồn như lúc này.
Tôi đi về phía bến ô tô.
- Thế nào, chả lẽ điều bọn mình nghe nói là đúng hay
sao?
Ðó là câu đầu tiên tôi nghe được khi vừa bước chân
lên ô tô. Một anh bạn quen ngồi sau tôi hỏi.
- Ðúng đấy! - tôi đáp.
- Thật đáng tiếc! Nhưng vì sao thế?
- Tôi không biết.
Như người cảnh sát đang suy nghĩ trước một vụ án bí ẩn,
anh ta lẩm bẩm:
- Lạ thật! Lạ thật!... Không có cớ gì, lẽ nào người
ta lại đuổi... Nhất định là phải có lý do...
- Nhưng dù sao...
- Hay là cậu bị kẻ nào tố giác?
- Tôi không cho là như vậy.
- Hay là ông ta tìm được người thạo việc hơn cậu?
- Nhưng lúc nào ông ta cũng nói là rất hài lòng về
công việc của tôi kia mà!
- Hay có thể ông ta tìm được người bằng lòng làm với
số lương ít hơn chăng?
- Tìm đâu ra được người như thế!
- Thế sao ông ta lại đuổi cậu nhỉ? À, hay là cậu
không biết cách ăn nói với ông ta?
- Biết cách thế nào? Thì tôi vẫn nói chuyện với ông
ta một cách bình thường thôi...
- Trời ơi! Thế thì rõ rồi!
- Anh bảo rõ cái gì?
- Rõ nguyên nhân chứ gì còn nữa. Với ông chủ mà anh
lại ăn nói một cách bình thường là không được, anh hiểu chưa? Anh không thưa bẩm
với ông ta, thế là ông ta giận chứ có gì đâu!
- Ồ, đâu có!... một tháng tôi mới gặp ông ta có một
lần. Mà khi gặp tôi cũng có được nói chuyện với ông ta đâu!
- Thế lại càng không được!... Cậu cứ lăm le định tìm
cách nói chuyện với ông ấy thì ông ấy ghét là phải chứ còn gì nữa! Lỗi là tại cậu
thôi!
Nói xong câu ấy, anh ta cũng thấy hể hả lắm.
Ô tô vừa đến bến đỗ đầu tiên là tôi bước xuống ngay.
Tôi cảm thấy tức giận đến nỗi tôi thấy nhất định phải tìm một người nào đó để
thổ lộ can tràng. Tôi bèn quyết định đến nhà một người bạn cũ.
- Tôi bị đuổi khỏi chỗ làm rồi! - vừa bước chân đến
cửa tôi vội nói ngay như vậy - Nhưng tớ van cậu đừng có hỏi thăm gì hết và đừng
có ý định tìm hiểu nguyên nhân!
Nhưng nghe nói thế, anh ta lại càng tò mò.
- Thế nghĩa là có nguyên nhân rất quan trọng chứ gì?
- Tớ đã xin cậu đừng có hỏi mà!...
- Thế nhưng ngày lễ tết cậu có thường đến nhà ông chủ
không?
Tôi chẳng bao giờ bước chân đến nhà ông chủ, nhưng cố
tình muốn làm cho anh bạn rối trí, nên tôi đáp:
- Tất nhiên rồi, cứ mỗi dịp tết, dịp lễ hay bất cứ dịp
gì là tôi...
- Thôi rõ rồi... cậu đến nhiều như thế chả trách...
- Ðâu! Tớ có đến nhiều đâu!...
Rồi anh ta lại bắt đầu đặt cho tôi những câu hỏi như
mọi người.
- Tớ hỏi thật nhé, thế cậu có làm điều gì để ông ta
cáu không?
- Không! Trái lại ông ta rất thích tớ...
- Thế thì vì cái quái gì được nhỉ? Tớ chịu không thể
hiểu nổi!
Tôi lại bắt đầu thấy mất bình tĩnh, và để kìm xúc động,
tôi đi đi lại lại trong phòng.
- Ðôi giày của cậu kêu quá! - đột nhiên anh bạn tôi
thốt lên.
- Ừ! Nó kêu lắm! - tôi thừa nhận.
- Từ bao giờ thế?
- Từ lúc mới mua cơ! Ði đã năm tháng nay rồi mà nó vẫn
còn kêu.
- Thế đi làm cậu cũng đi đôi giày này phải không?
- Ừ!
- Biết ngay mà! Biết ngay mà! Tớ đã bảo là không bao
giờ người ta lại đuổi người một cách vô cớ mà!
- Cậu đã đoán được lí do người ta đuổi tớ rồi à? -
tôi hỏi.
Sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái, anh ta bắt đầu giảng
giải:
- Ðôi giày của cậu kêu suốt từ sáng đến tối như thế
thì ai mà chịu được cơ chứ? Ông chủ cậu cáu là phải! Chính lỗi là tại cậu thôi,
người anh em ạ!
- Ðúng! Lỗi tại tôi! - tôi điên tiết hét lên - Tại
tôi! Tại tôi! Nhưng tôi đến nhà cậu vào cái ngày đáng buồn này đâu phải để nghe
những lời như thế!
Nói đoạn tôi đóng sầm cửa, bỏ ra về.
Buổi chiều, ngồi trên phà đi Cađưkây, tôi vẫn bị ám ảnh
bởi chuyện đó.
- Anh nghĩ gì mà đăm chiêu vậy? - Một người lạ mặt bỗng
hỏi tôi - Anh có chuyện gì buồn chăng?
- Không! Không có chuyện gì cả - tôi đáp.
- Nhưng trông anh có vẻ không vui. Có gì anh cứ kể
cho tôi nghe, may ra tôi có thể giúp gì chăng?
- Tôi bị ông chủ cho thôi việc!
- Nhưng tại sao?
- Tôi không biết!
- Chắc anh phải có lỗi gì đó!
- Phải! Vì đôi giày của tôi nó kêu cót két nên ông
ta cáu!
- Ồ! Anh nói đùa thế chứ! Lẽ nào vì thế mà người ta
đuổi anh! Phải là lý do khác chứ!
- Tôi cứ hay nhìn chằm chằm vào ông ta, vì thế ông
ta bực!
- Lại còn thế nữa!
- Vì tôi ít chịu nói chuyện với ông ta!
- Cũng vô lý!
Tôi nhìn thẳng vào mặt anh chàng không quen biết mà
phá lên cười.
- Thôi đúng rồi! Chắc anh đã nhìn ông chủ và cười một
cách nhạo báng như thế phải không?
- Ðúng! Tôi đã cười như thế đấy! Và ông chủ đã đuổi
tôi. Nghĩa là lỗi tại tôi. Anh hiểu rồi chứ? Và bây giờ chắc anh hài lòng rồi
chứ?
Nói đoạn tôi bỏ đi thẳng.
Trải qua một ngày đầy bực dọc, tôi trở về nhà. Ăn
cơm tối xong thì anh bạn Ibrahim của tôi đến chơi. Trông anh thật rầu rĩ! Cách
đây mươi hôm anh cũng vừa bị đuổi khỏi chỗ làm.
- Thế nào? Làm sao đằng ấy bị đuổi đấy? - tôi hỏi.
- Tớ không biết, còn đằng ấy thì tại sao?
- Tớ cũng cóc biết!
- Tất nhiên là phải có lí do thôi!
- Và không phải vô cớ người ta đuổi mình đâu! Chắc cậu
hay nghỉ làm chứ gì? Thế cậu không trình giấy chứng nhận ốm à?
Chúng tôi bắt đầu tra khảo nhau. Trong lúc nói chuyện,
Ibrahim chốc chốc lại hắc hơi và ho, cứ phải lấy khăn ra lau mũi luôn.
- Ibrahim này! Hình như cậu bị sổ mũi phải không? -
Tôi hỏi
- Mình bao giờ chả thế! Viêm mũi mãn tính mà!
Lập tức tôi đứng phắt dậy, dang hai tay ra kêu lên:
- Thế thì rõ rồi! Cậu bị đuổi là đúng rồi! - tôi nói
- Thôi đừng đổ lỗi cho người khác nữa! Lỗi là tại cậu thôi.
Ibrahim nhìn tôi, vẻ bối rối.
- Cậu lúc nào cũng sổ mũi thế thì làm sao mà ông chủ
chịu được! Thế nên tất nhiên là cậu phải bị đuổi thôi! Ðúng không nào?
Nói xong, tôi cảm thấy thật hài lòng. Thậm chí sung
sướng nữa là đằng khác! Tưởng như tôi vừa nhận được việc làm mới vậy!
>>> NGƯỜI LÁI XE ÔM VÀ CÔ SINH VIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét