NHỚ TRƯỜNG.


Năm ngoái Phan Châu có tâm sự với tôi rằng: " hôm nào có điều kiện mình với ông đến Bàu Cừa tìm địa điểm trường cũ hồi sơ tán, hẹn bạn bè đến đó dã ngoại để ôn lại kỷ niệm xưa, đã gần 50 năm rồi còn gì", tâm sự của Châu trùng với ý định của tôi quá, thật tâm đầu ý hợp, hèn chi...

Hôm ấy tiết thanh xuân, hai đứa tôi lên Bàu Cừa để tìm lại tổ kiến xưa. Dãy Lệ Đệ lúc ẩn lúc hiện trong sương sớm, mặt hồ Bàu Cừa mờ ảo. Nơi trường cũ cũng dễ tìm vì nó chỉ cách hồ Bàu Cừa độ vài chục mét về phía tây. Vùng đồi sỏi đá này sau mấy mươi năm nay là đồi bạch đàn xanh mướt. Dưới những gốc bạch đàn là bạt ngàn hoa mua mà quê tôi gọi là hoa me tím ngắt cả một vùng. Quá đẹp và lảng mạn. Loanh quanh một hồi thấy Phan Châu đứng tần ngần cạnh lô đất mấp mô, lão ới tôi tới rồi khảng định : chính xác là nền lớp cũ đây rồi. Ai chớ lão này thì tôi tin liền, trí nhớ của lão không đến nỗi nào, trong làng lão biết rõ mối quan hệ của từng gia đình, nào là ông nọ thông gia với bà kia, nào là bố ông A thúc bá với với ông B, và ai cần hỏi tên cúng cơm ông cố vảy của ai đó gặp lão là biết liền. Đó là niềm tin thứ một, còn niềm tin thứ hai về lão là: từ khi thôi học bạn bè đi khắp đông vòng tây, người đi bộ đội người vào TNXP, bạn bè đi từ " Trường Sơn cho tới Trường Sa", đi từ : "Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước", còn lão ru rú ở nhà bám váy mẹ cho đến khi cưới ả Mai Phó, vậy nên lão có điều kiện lên xuống vùng Sơn Lộc - Lý Hòa nên trí nhớ không đứt quảng như chúng tôi. Hai chúng tôi đứng lặng hồi lâu bên mô đất ấy, bồi hồi, thổn thức với bao ký ức hiện về, với những nỗi nhớ mênh mang.

Hồi ấy, khoảng đầu năm 1965, chúng tôi theo bố mẹ, thầy cô lên vùng sơ tán, đây là đồi đất trơ trọi sỏi đá gọi là xóm Đá, nay là thôn Trung Duyệt, xã Phú Trach cách Lý Hòa chừng 5 cây số về phía Tây. Gọi là sơ tán để tránh xa vùng trọng điểm Lý Hòa mà ngày ngày bom đạn Mỹ cày xới. Lớp học rộng chừng 39 - 40 m2, sâu 1,5 m, phía trên được che chắn một lớp lòng bong (loại lá rừng mọc gần khe suối) ken dày do chính chúng tôi làm để chống bom bi và mảnh đạn. Mặc cho ngày đêm thần sấm, con ma (tên gọi các loại máy bay tiêm kích của Mỹ) rú xé trời, đạn bom rền vang chí chóe, chúng tôi vẫn đến lớp đều đều với phương châm "đi 3 về 3 là ta thắng Mỹ", " ngày xưa áo trắng anh yêu/ ngày nay áo trắng mục tiêu quân thù". Vào lớp ổn định, lớp trưởng cũng bao giờ bắt nhịp hát bài tủ với khí thế vừa hào hùng vừa kiêu hãnh yêu thương " tiếng hát rộn vang từ miền quê ta/ từ mái trang gốc dừa tiếng hát chan hòa/ nơi đây đầu sóng anh dũng kiên cường ta chiến đấu/ ta giữ yên cho miền quê đẹp giàu", (lời bài hát Quảng Bình chiến thắng của NS Phạm Tuyên).
Nhìn những cụm hoa mua đung đưa trong sương sớm lòng càng nhớ bạn khôn nguôi. Hồi ấy tuy học cũng lớp nhưng tuổi tác chênh lệch nhau năm ba tuổi, có khi sáu bảy tuổi là chuyện thường, chúng tôi thuộc nhóm trẻ, còn các anh chị đã biết yêu nhau từ thời lớp bốn lớp năm, may sao thời đó không có con lợn con nào sổng chuồng. Gọi tên nhau bao giờ cũng gọi tên kép để phân biệt bạn này với bạn kia vì nhiều đứa trùng tên. Có ba loại tên kép, loại thứ nhất gọi kèm tên bố hoặc mẹ, như Thắng Hàm, Tiến Ngơ, Tùng Chiểu... Loại thứ hai gọi kèm theo dị tật bẫm sinh, như Bình điếc, Hòa cà lăm, Thắng thọt... Loại thứ ba kêu kèm theo tính cách, tố chất của người đó, như Nam đớt, Hòa đôộc, Lập biêu, Vạy ô xúc, Tịnh quèo...

Nhớ Tiến Ngơ, chừng ấy tuổi mà đã cao như cây tre Việt Nam, sáng thứ hai đầu tuần lớp trưởng tập họp lớp, hô " nhìn Tiến...chào!", không ngờ mấy chục năm sau nó là cán bộ lãnh đạo Điện lực cấp tỉnh phụ trách mãng kỷ thuật chuyên dựng, lắp ghép cột điện cao thế, thế mới lạ! Nhớ Thắng Hàm mặt tròn trịa, trắng trẻo, dáng thư sinh, văn hay chử đẹp, hèn chi sau này nó vào ngành Ngoại giao. Nhớ Châu Tủy (bố nó đi bộ đội hy sinh nên lấy tên mẹ kêu kèm) hay làm việc bao đồng, nhớ Cách Ôốc chử to như gà cồ, thông minh, vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản nó về nhận công tác tại Sở Thủy sản tỉnh Kiên Giang, lúc đó đang là tỉnh Minh Hải, vài năm sau lên chức trưởng phòng đăng kiểm, lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng đang là Bí thơ huyện ủy Hà Tiên, số nó không làm quan to được, làm thủ tướng không phải ai cũng làm được đâu. Nhớ Thái Bá, Hoa bẹp giống nhau với nụ cười bẽn lẽn. Nhớ Liệu Xướng, Mai Từ có giọng ca mượt mà y chang dân xóm Hát. Cảm phục Hồ Trung vóc dáng lực lưỡng có một tình yêu mãnh liệt nhưng cũng dễ tan vỡ như mối tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa.
Nhớ Nam đớt có giọng nói như những tràng đại liên bắn liên hồi. Nhớ các chị Nhàn, Uân, Thảo, Hồng, Thủy...có tình yêu đẹp đẻ, thủy chung, hết học cấp 2 là các chị về nhà cưới chồng và đẻ con ngay.
Ôi chao ơi là nhớ, nhớ chi lạ, nhớ người, nhớ tính nết, nhớ kỷ niệm. Lại nhớ về Khoa tợn (mà tại sao lại khoa tợn nhỉ?) hiền lành chân chất, học gần hết cấp mà đọc vẫn ê a ngắc ngứ, bài thơ "á tế á ca" của cụ Phan có câu kết " ai ơi tỉnh dậy mau mau", sách giáo khoa viết rõ ràng như vậy mà lão đọc ra là "ai ơi tỉnh dậy mà mua", đọc xong, thầy giáo nói " đề nghị cả lớp tặng cho bạn Khoa một tràng pháo tay", cả lớp cười nghiêng ngả. Nhớ Bùi Bờ cùng mấy bạn gái đang ngồi chơi thẻ, bọn tôi đánh bi bên cạnh, một viên bi bỗng biến mất tìm mãi chẳng thấy đâu, kẻng đánh giờ vào học, số bạn gái đứng dậy, ẻng bi từ trong quần của ai đó chui tọt ra, chúng tôi nghỉ tiết học chạy xuống Bàu Cừa để cười một bữa cho đã.

Nhớ bạn, nhớ thầy cô. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thành Chuyên đẹp trai, dáng người mềm mại, là chủ xướng cho tờ báo tường của lớp với tiêu đề "Hồng Thắm Chuyên Sâu" mà sau này chúng tôi mới biết được ý nghĩa. Nhớ thầy Tuấn người Đồng Cao mập mạp, trẻ trung, theo lời hịch sông núi vào nam đánh giặc được mấy trận và rồi thầy đã về với thế giới người hiền. Nhớ thầy Ba người Lý Hòa nhưng có giọng nói làng trình làng thạp, là tác giả của bài thơ "tính cách học sinh lớp tôi". Nhớ nhất vẫn là thầy Đặng Gia Mục nghiêm nghị, yêu thương trò hết mực, kì thi toán học kì 2, thầy đưa cả lớp ra sân bóng giửa cái nắng hè gay gắt, mỗi đứa cách nhau 3 mét, đề phát ra, tiếng mấy chị thảng thốt "Tịnh ơi, cứu chị với!", môt mình thầy không thể quán xuyến hết đám quỷ sứ trong một khu đất rộng như vậy, thế rồi đâu vào đấy. Và nhớ kỷ niệm cả lớp góp vốn mua con lợn nhờ mệ Vượng nuôi, mỗi tuần mỗi tổ lo rau cám để cuối cấp có con lợn cọt liên hoan chia tay.

Lại nhớ về những ngày đầu thi chuyển cấp, loại trừ các anh chị lớn tuổi nghỉ học về xây dựng gia đình, phần đông bọn trẻ chúng tôi đều tham gia thi tuyển vào cấp III. Ngày thi, cả bọn đi bộ từ Lý Hòa ra Mỹ Trạch và lần đàu tiên được ăn món mắm thị, thi xong quay về gối mỏi chân chồn, lừa mấy bạn gái ra đường vẫy nón đón ô tô, nỏ có xe nào dừng suýt nữa mất mạng. Rồi cuộc chuyển trường từ Mỹ Trạch về Cự Nẫm, vất vả gian nan mấy cũng qua, nhưng có một sự kiện không thể qua nỗi đó là cuộc ném bom miền Bắc của không quân Mỹ trở lại, khốc liệt hơn, ồ ạt hơn. Tiền tuyến gọi, một cuộc chia ly lại bắt đầu. Bạn bè lũ lượt lên đường nhập ngũ, vào chiến trường, vào nơi hiểm nguy, thậm chí vào chổ chết thế mà vẫn yêu đời "đường ra trận mùa này đẹp lắm" mà vẫn tràn trề lạc quan "xẻ dọcTrường sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai". Hy sinh mất mát trong cuộc chiến là điều không tránh khỏi, nhiều bạn tôi đã ngả xuống trước mấy tiếng đồng hồ khi các xe tăng số hiệu 843, 390 húc đổ cánh cửa dinh Độc lập báo hiệu ngày toàn thắng. Rồi hai cuộc chiến tranh tây nam, biên giới phía bắc máu của các bạn tôi vẫn tiếp tục đổ. Gần nữa thế kỷ đã qua, các bạn tôi vẫn nằm rải rác từ Tây Ninh, An Giang, Quảng Trị đến Vị Xuyên Hà Giang. Nhớ Phan Đình Tho trên đường hành quân vào Nam gặp nhau ở Đồng Hới, nó ôm chầm lấy tôi, vội vã ký và ghi mấy vần thơ mộc mạc vào quốn sổ lưu niệm của tôi "chử ký này mang dòng tâm huyết/ bút mực đây biết viết những gì/ Tịnh ơi ta nhớ cái khi/ anh em bè bạn vui vầy bên nhau" và nó đã đi mãi không bao giờ trở lại trường. Nhớ Nam chà ma, người nhỏ nhắn, nghịch ngầm, chuyên gia hát nhép xuyên tạc những lời bài hát, như mấy câu đầu bài hát "đường cày đảm đang" của NS An Chung nó sửa lại " từ ngày anh đi cửa buồng em mở toang...", hay như bài "trên biển quê hương" của NS Đức Minh nó cải biên lại " QB quê choa, nhiều o nhác tắm sinh ra ghẻ ròi..." Nam ơi! bây giờ cậu ở đâu?
Sáng sớm nay đầu hạ, các bạn tôi đã có mặt tại chốn linh thiêng này. Lệ Đệ uy nghiêm soi mình xuống Bàu Cừa trong mát. Chúng tôi với nhiều cung bậc cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, nhớ thương. Những lời cảm tưởng nghẹn ngào ngấn lệ, những bài ca đi cùng năm tháng ngân vang trên nền đất lớp học cũ. Núi Lệ Đệ không cao thêm, hồ Bàu Cừa chẳng rộng ra, nhưng cuộc đời ngày càng ngắn lại, một cuộc chạy đua với vủ trụ để hòng làm chậm lại thời gian kéo dài khoảng cách đường về đất tổ, nhưng không sao!

Kìa, nhìn mặt các bạn thật đáng yêu, vẫn ngây ngô khờ dại như thuở nào. Và rồi lớp trưởng đang bắt nhịp cho cả lớp hát trước khi kết thúc khóa học, nào, mọi người cùng hát nào " từ trong tim tôi nói lời tha thiết yêu trường/ đã sống bao ngày tôi ngồi học hành/ tiếng trống vang dồn xao động trong tim tôi...trường tôi năm nay vẫn còn trên mảnh đất này/chan chứa bao tình năm nào tôi trở lại/ bạn nhớ mang về cho trường bao đóa hoa".
Bàu Cừa, những năm tháng không thể nào quên!

Bàu Cừa 23/5/2018.
Hoàng Duy Tịnh


Không có nhận xét nào: