CẦU MẸ CÒM


Các bạn trẻ bây giờ ít người biết cây cầu này mang một cái tên rất đặc biệt: MẸ CÒM.
"Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều người đi bộ, đi xe đạp, sau khi vượt qua những quãng đường "tử", chuẩn bị qua cái ngầm nhỏ cuối dốc, phía nam đèo Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thường ghé lại một cái quán cóc cách quốc lộ 1A về phía đông chừng vài trăm mét để dưỡng sức.
Quán bằng tranh tre nứa lá, có dàn lá ngụy trang phía trước. Đặc biệt trong quán có hầm chữ A kiên cố, nối với hệ thống giao thông hào chạy ra ngoài đồng. Do vậy ai cũng khá an tâm khi ngồi nghỉ tại đây.
Chủ quán là một bà mẹ thấp tịt, gù lưng. Thế nhưng mẹ lại có hai cô con gái khá lanh lợi, sắc sảo. Mẹ có tên khai sinh là Phan Thị Xum nhưng người đời vẫn gọi là mẹ Còm vì mẹ bị dị tật từ nhỏ. Ba mẹ con mẹ Còm sống qua ngày nhờ những ấm nước chè xanh và những phong lương khô đổi được của những người qua đường.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó quên. Đó là vào 9h ngày 10/12/1972, trên đường đạp xe đi công tác từ Đồng Hới ra Quảng Trạch, vừa đến đoạn ngầm có quán mẹ Còm, nhìn lên trời, thấy rõ hai chiếc máy bay F4H của Mỹ lao xuống cắt bom. Tôi chỉ kịp vứt xe đạp cạnh đường rồi chạy nhào vào quán của mẹ. Mẹ Còm ngồi ở cửa hầm, né người, đẩy tôi vào trong hầm chữ A, cũng là lúc một loạt bom bi nổ trên mặt đường, trên sân quán. Hết máy bay, ra mặt đường, tôi nhận thấy ống phuốc xe đạp của mình bị những viên bom bi phăm mấy chỗ.
Cầu Mẹ Còm hiện nay.

Sau Hiệp định Paris, mẹ Còm cho làm quán lộ thiên sát với quốc lộ 1A, rộng và thoáng. Ngoài nước chè xanh, mẹ còn bán cháo gà, cháo vịt. Khách ra vào có phần nhộn nhịp, vì đó là những ngày miền Bắc không còn tiếng máy bay và bom đạn giặc. Vào một ngày giữa năm 1974, trong một chuyến công tác từ Quảng Trạch vào Đồng Hới, tôi lại ghé quán mẹ. Nhìn lên xà nhà, chỗ gian giữa ban thờ, tôi thấy một bài báo được mẹ cắt dán trang trọng.
Đó là bài “Người tốt việc tốt” của Báo Quảng Bình, mà một bạn đọc kể chuyện và cám ơn việc mẹ Còm đã trả lại cho anh, một cán bộ quản lý nhà bếp của một công trường, số tem gạo, giá trị những mấy tạ và tiền lương mà anh đã bỏ quên tại quán mẹ sau khi ghé vào uống nước. Tiền thì có thể vay mượn anh em, còn tem gạo, thời bao cấp như vàng ngọc.
Đã hơn 30 năm, gần đây, tôi mới có dịp dừng chân lại quãng đường năm xưa có quán mẹ Còm. Mẹ Còm đã mất năm 1982, thọ 68 tuổi. Người con sau là Lê Thị Đào nay đã theo chồng vào làm ăn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị Phạm Thị Hoa, con gái đầu của mẹ Còm năm nay 56 tuổi, đang bán cháo buổi sáng trong một căn nhà gần quốc lộ 1A như mẹ mình ngày xưa.
Chị Hoa kể lại, anh cán bộ quản lý nhà bếp công trường năm xưa sau khi viết bài báo, nhân có cô em gái đi học ở Liên Xô về, tặng anh một số quà, đã đem biếu mẹ một bộ quần áo và tấm lụa màu chàm để mẹ may quần áo dài. Quần áo mẹ mặc, còn tấm lụa thì mẹ chẳng may mà dặn con cất lại làm vật kỷ niệm để nhắc nhở con cháu về tính trung thực, liêm khiết.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là cửa ngõ chiến trường. Khẩu hiệu của Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình lúc ấy là: “Nghèo không hỏi. Đói không xin. Của công giữ gìn. Của rơi trả lại”. Việc làm của mẹ Còm có ý nghĩa biết bao trong phong trào “Người tốt việc tốt” ấy.
Tại Km 638+750 trên quốc lộ 1A, chỗ cái ngầm năm xưa thuộc thôn Quốc lộ 1A xã Hải Trạch, Bố Trạch ngày nay, phía nam dốc đèo Lý Hòa, nơi sát đường có quán mẹ Còm, người ta đã xây một chiếc cầu vững chãi và đặt tên cầu là “Cầu Mẹ Còm”. Nếu không có hành động trả lại tiền của cho người bỏ quên và tấm lòng liêm khiết, thật thà của mẹ thì chưa hẳn tên mẹ được đặt cho cây cầu".

Theo báo vnca. cand. com.vn ngày 10/01/2006 (Hồ Ngọc Diệp)


Không có nhận xét nào: