Thiếu tướng Hoàng Sâm sinh năm
1915 ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, là hậu
duệ của Hiệp biện Đại học sĩ Trần Cảnh Huống và danh tướng Trần Nguyên Hãn.
Năm 12 tuổi, Trần Văn Kỳ theo cha mẹ
rời quê hương sang Thái Lan, trong dòng người ly hương sang các nước lân cận thời
bấy giờ. Thời gian đầu gia đình ông ở Na Khon, sau về Chiang
Mai, Thái Lan.
Trần Văn Kỳ tham gia cách mạng, năm
1933, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trần Văn Kỳ bị mật thám
Pháp, cảnh sát Thái Lan truy bắt và trục xuất khỏi Thái Lan. Trần Văn Kỳ tìm đường
sang Quảng Tây, Trung Quốc, bắt liên lạc với cơ sở cách mạng Việt Nam. Năm
1937, Trần Văn Kỳ được phái về nước hoạt động và bị chính quyền Pháp bắt giam ở Cao Bằng. Năm 1938, ra tù, Trần Văn Kỳ vượt biên sang Trung Quốc, tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động dọc biên giới Việt-Trung. Giữa năm 1940, Trần Văn Kỳ được cử sang
Tĩnh Tây học quân sự ở trường Trương Bội Công. Tại đây, Trần Văn Kỳ lấy bí danh là Hoàng Sâm để hoạt động.
Sau đó, Hoàng Sâm cùng một số cán bộ khác của Cao Bằng bỏ học ở trường Trương Bội
Công trở về nước hoạt động.
Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944. |
Tháng 11 năm 1941, đội du kích Cao Bằng được thành lập , gồm 12 người, do Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê
Quảng Ba làm chính trị viên, Hoàng Sâm làm đội phó. Cuối năm 1943, đội du kích
Cao Bằng được phân tán đi xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều địa phương, Hoàng
Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức đội bảo vệ cho các tổ xung phong Nam tiến.
Hoàng Sâm (trái) tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947 |
Giữa năm 1944, Mặt trận Việt Minh
phát triển mạnh ở vùng Cao-Bắc- Lạng, để thống nhất lực lượng, cần thành lập lực
lượng vũ trang chủ lực, kết hợp tuyên truyền chính trị và hoạt động quân sự. Ngày 22 tháng 12 năm 1944,
đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại vùng rừng của hai
tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội
có 34 người, do Hoàng Sâm làm đội trưởng. Hoàng Sâm là đội trưởng đầu tiên của Việt
Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Hoàng Sâm đã chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền
giải phóng quân tiến đánh các đồn Phai Khắt, Nà Ngần, thu được thắng lợi. Lực
lượng của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
phát triển thành một đại đội gồm ba trung đội và Hoàng Sâm được cử làm đại đội
trưởng. Thời gian sau, đội phát triển thành tiểu đoàn, Hoàng Sâm trở thành tiểu
đoàn trưởng Giải phóng quân.
Để chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành
chính quyền, Hoàng Sâm đã chỉ huy giải phóng các châu Ngân Sơn, Chợ Rã, phía bắc
Bạch Thông và tiến đánh quân Nhật ở Phủ Thông, Bắc Cạn, Thái Nguyên, bảo vệ khu
giải phóng Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái. Sau đó Hoàng Sâm đưa quân về Vĩnh Yên trấn
áp các phần tử phản động khác.
Sau ngày 2-9-1945, nhiều đơn vị quân
đội được đưa lên Tây-Bắc giữ chính quyền cách mang và chặn đánh địch. Những đơn
vị quân đội này được gọi chung là "đoàn quân Tây tiến". Năm 1947,
Hoàng Sâm được cử chỉ huy "đoàn quân Tây tiến". Sau chiến thắng Sông
Lô năm 1947, Hoàng Sâm được cử phụ trách quân sự khu giải phóng 6 tỉnh Cao Bằng,
Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 1 tháng 1 năm 1948,
Hoàng Sâm được phong quân hàm thiếu tướng, lúc đó ông là Khu trưởng Chiến khu
II. Hoàng Sâm là 1 trong 10 tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1951, Thiếu tướng Hoàng Sâm được điều
làm Phái viên của Bộ Quốc phòng tham gia các chiến dịch lớn cùng với các Đại
đoàn 304, 312. Với cương vị Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Quốc
phòng, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã đóng góp nhiều kinh nghiệm chỉ huy chiến dịch rất
tốt. Năm 1953-1954 ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận
Trung Lào.
Chiến dịch Trung Lào từ tháng 12 năm
1953 đến tháng 5 năm 1954, phối hợp giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân giải
phóng nhân dân Lào tại khu vực Ma Ha Xay, Nhon Ma Rạt, Thà Khẹt, đường số
9 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến
cuộc Đông-Xuân năm 1953-1954.
Hoàng Sâm (bên phải) và cụ Bùi Kỷ (UB Liên Việt) năm 1948. |
Thiếu tướng Hoàng Sâm chỉ huy chiến dịch
Trung Lào, giải phóng vùng Thà Khẹt, đường số 9 từ biên giới Việt Nam đến sông
Mê Kông ở Trung Lào. Thừa thắng, quân của tướng Hoàng Sâm giải phóng tỉnh A Tô
Pơ và cao nguyên Bô Lô Ven, phối hợp với Quân giải phóng Căm-Pu-Chia giải phóng
hầu hết tỉnh Công Pông Chàm.
Sau Hiệp đinh Giơ-ne-vơ Hoàng Sâm chỉ
huy tiếp quản Sơn Tây, Hà Đông, tiếp quản thành phố Hải Phòng. Từ năm 1955 đến
1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh các Quân khu: Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân
khu 3. Giữa năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm là Tư lênh Quân khu Trị Thiên. Thiếu
tướng Hoàng Sâm cùng đi chiến dịch với cán bộ, chiến sĩ qua nhiều vùng ác liệt,
bị máy bay B52 ném bom, rải thảm ở Hướng Hóa, A Sầu, A Lưới.
Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh tại chiến
trường Trị-Thiên ngày 15 tháng 12 năm 1968, ở tuổi 53. Ông được
tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của nhà nước. Tên của thiếu tướng Hoàng
Sâm được đặt cho một con đường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội .
Những mẫu chuyện về vị tướng huyền thoại
Thu phục tướng phỉ
Vùng biên giới Việt - Trung những năm
trước 1940 có nhiều toán phỉ hoạt động, chúng cướp bóc, giết người, gây nhiều
hoảng sợ cho bà con các dân tộc sống dọc biên giới. Người dân khổ cực vì quan
Tây, quan Châu và nạn cướp bóc của bọn phỉ. Từ năm 1939, Châu uỷ Hà Quảng phát
động người dân lập Hội Chống phỉ với sách lược “kiên quyết trừng trị đi đôi với
giáo dục thuyết phục những người nghèo lầm lạc theo phỉ trở về với nhân dân”.
Bọn phỉ rất đông, là toán quân ô hợp,
có nhiều súng và hành động rất tàn bạo. Những tên trùm phỉ sống ngang tàng “anh
hùng hảo hán” nhưng rất kính nể những người can đảm, tài ba. Những tên trùm phỉ
thời đó nổi lên có anh em Voòng A Sáng, Voòng A Sính, Châu Slam Tha (Châu “ba mắt”),
Lỳ Síu.
Hoàng Sâm lúc này có tên là Trần Sơn
Hùng, nổi tiếng là người gan dạổơ vùng Cao Bằng, “đánh đông dẹp bắc”, bắn súng
2 tay, “bách phát bách trúng”, phi ngựa như kị sĩ, nói tiếng Quảng Đông như người
Hoa. Bọn trùm phỉ nghe danhTrần Sơn Hùng rất kiêng dè nhưng lại muốn thử sức, đọ
tài. Trùm phỉ Lý Xìu mời Trần Sơn Hùng và Lê Quảng Ba lên Lũng Nặm, nơi sào huyệt
của chúng để uống rượu, thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lựu đạn, nhưng không được
đem theo quân lính. Hoàng Sâm nhận lời thách đấu. Hai người đến sào huyệt của bọn
phỉ. Vừa trông thấy hai ông, Lý Xìu vội cúi đầu chào và nói “Xin mời cán bộ uống
rượu đến say rồi thi bắn súng, ném lựu đạn!”. Hoàng Sâm khoanh 2 tay trước ngực, súng “pặc-khoọc” đeo
lệch một bên vai, con dao quắm đi rừng dắt bên hông – ông lững thững bước ra
khoảng trồng. Hoàng Sâm đã ngấm hơi men, nâng súng lên, không cần ngắm, nổ súng
liền mấy phát, bắn tan hai vỏ chai rượu đặt cách xa 50m. Hoàng Sâm bắn tiếp mục
tiêu di động cách xa 25m, ông giơ súng quay người từ trái sang phải, hai súng nổ
đồng thanh, cả hai viên đạn chụm vào điểm đen ở giữa. Lỳ Síu thấy vậy vội quỳ gối,
chắp hai bàn tay, miệng run run “Bái phục đại ca! Bái phục đại ca!”.
Tiếp theo là thi uống rượu, Hoàng Sâm
không uống rượu bằng miệng mà bằng mũi, uống hết cả một cốc, không còn sót giọt
nào. Lý Xìu cùng các toán trưởng Voòng A Sáng, Chín Thầu, Lý Khoày phục sát đất.
Sau đó Hoàng Sâm và Lê Quảng Ba kêu bọn phỉ đấu kiếm, chúng sợ hãi, liền xin
thôi. Lý Xìu xin được kết nghĩa cùng Hoàng Sâm là anh em. Hoàng Sâm hơn hai tuổi
làm anh. Tại cuộc kết nghĩa, Lý Xìu và bọn đàn em hứa không đi cướp bóc, gây hại
nhân dân, chăm chỉ làm nương rẫy.
Hoàng Sâm đã cưỡi ngựa vào tận sào
huyệt của Voòng A Sáng. Nghe tiếng Hoàng Sâm đã lâu, nay mới “hội ngộ” , lại thấy
Hoàng Sâm “đồng họ”. Từ Hoàng phát âm theo tiếng Quảng Đông là Voòng, Hoàng Sâm
là Voòng Sám, tên trùm phỉ hết sức kính trọng, mở tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc,
Voòng A Sáng mời Hoàng Sâm uống rượu nhắm với “não hầu” (óc khỉ sống) và đề nghị
kết nghĩa huynh đệ. Những tài năng đặc biệt của Hoàng Sâm đã quy phục được bọn
cướp, hạn chế được sự phá phách, cướp bóc của chúng. Nhân dân vùng biên giới
nghe kể chuyên thêm tin vào Việt Minh.
Thiếu tướng Hoàng Sâm (thứ hai bên phải) ở Đại hội Đảng III. |
So tài bắn
súng với Tạ Đình Đề
Tại chiến khu Việt Bắc, đồng bào các dân
tộc nơi đây xem thiếu tướng Hoàng Sâm như một huyền thoại. Người dân nói ông cưỡi
ngựa rất giỏi, không thua kém bất cứ người dân tộc nào và có tài bắn súng hai
tay bách phát, bách trúng. Lưu truyền câu chuyện về Tạ Đình Đề, người tốt nghiệp
xuất sắc trường Quân sự Hoàng Phố, Trung Quốc. Ông là người nổi tiếng bắn súng giỏi, có thể bắn tắt
điếu thuốc lá trên vành môi người đứng xa 20m.
Một hôm ở Liên khu III, thiếu tướng
Hoàng Sâm vui vẻ vì vừa nhận một số súng mới và muốn thử súng. Nhân dịp Tạ Đình
Đề, đội trưởng Đội Biệt động Liên khu III đang có mặt, Hoàng Sâm đã đề nghị Tạ
Đình Đề thi bắn súng. Trọng tài là rất nhiều các cán bộ quân sự ở Liên khu III,
những người bạn chiến đấu của ông. Mục tiêu là chùm sung rừng cách xa 20m, mỗi
người bắn 3 viên. Thiếu tướng Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề đã có màn phân tài cao thấp
thú vị, những quả sung rừng đã rớt khi những tiếng súng vang lên và người chiến
thắng là Hoàng Sâm.
Ký ức về người
cha
Hoàng Sâm là một trong mười vị tướng
đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi còn rất trẻ, ở tuổi 33, nhưng ông lại
lấy vợ khá muộn. Thiếu tướng Hoàng Sâm mải mê hoạt động cách mạng, mà quên chuyện
riêng tư. Bà Mỹ Lệ - vợ thiếu tướng Hoàng Sâm đã có những năm tháng hạnh phúc bên
chồng cho đến ngày ông qua đời.
Gia đình thiếu tướng Hoàng Sâm |
Trong cuộc đời người đội trưởng đầu
tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, điều nuối tiếc duy nhất, có
lẽ là ông hy sinh ở tuổi 53, khi đang tràn đầy khát vọng được phục vụ cho đất
nước. Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh năm 1968, ở mặt trận Bình Trị Thiên. Người
con trai út của ông khi đó mới 7 tuổi. Những
ký ức của các con về người cha huyền thoại không nhiều.
Thượng tá Hoàng Sùng vẫn lưu giữ ký ức
về người cha - tướng Hoàng Sâm, người nổi tiếng chiều con: “Ông chiều con đến nỗi,
chị em chúng tôi muốn ăn một cái kẹo, muốn mua một cái áo mới, thì đều xin bố
chứ không xin mẹ. Nhưng bố tôi cũng rất nghiêm. Chị tôi đi sơ tán, học ở tận
Hưng Yên, những lần bố tôi có chuyến đi công tác xuống đó, mẹ tôi xin cho chị
đi nhờ, ông không bao giờ đồng ý. Ông bảo xe của công, không thể dùng vào việc
riêng. Bố tôi hết công tác ở đơn vị này, lại sang công tác ở đơn vị khác. Sau
này tôi đi học ở Trường Thiếu sinh quân, nên bố con cũng rất ít gặp nhau. Nhưng
năm 1968, khi tôi 16 tuổi, bố tôi được lệnh vào Nam chiến đấu, tôi đã được bố
cho tiễn đến Thanh Hóa. Ngày đó, khi tiễn bố, tôi đã nung nấu ý định đi theo
ông để được sát cánh bên ông, bảo vệ ông. Nhưng ông kiên quyết không đồng ý, dặn
tôi phải ở lại ráng học hành và chăm sóc cho mẹ. Cha con tôi chia tay trong một
rừng thông ở Thanh Hóa mà chẳng ngờ rằng đó là cuộc chia ly mãi mãi”.
Một số kỷ vật của thiếu tướng Hoàng Sâm |
Những ngày trước khi tướng Hoàng Sâm
lên đường vào chiến trường miền Nam, vợ ông lo lắng, mất ăn, mất ngủ. Bà hỏi chồng:
“Chiến trường đang ác liệt như thế, anh đi rồi nếu chẳng may không về, ai nuôi
5 đứa con nhỏ?”. Ông trả lời ngắn gọn, đầy tin tưởng: “Anh chết, thì các con đã
có em, đã có Đảng, đã có Nhà nước lo. Chúng nhất định nên người”.
Tác giả Phạm Quang Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét