LÀNG LÝ HÒA

Chuyện xưa kể rằng, vùng núi Lệ Đệ trước đây là rừng rậm rạp, có nhiều muông thú, khe suối nước trong vắt. Cảnh ở đây rất đẹp, hàng năm các nàng tiên trên trời thường xuống dạo chơi. Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069) vua Lý Thánh Tông Nam chinh xuống phương Nam, đến vịnh Hà Não trời quang, mây tạnh, bỗng có đám mây lành bao phủ thuyền ngự.
 Một góc làng Lý Hòa
Vua nhìn lên đỉnh Lệ Đệ, thấy có nhiều tiên nữ từ trên trời bay ra biển Đông, vui đùa múa hát. Nhà vua cho là có điềm lành, vội lập đàn khấn vái. Sau khi đánh thắng giặc trở về, nhớ lại điềm lành, vua Lý Thánh Tông cho lập chùa  Hang dưới chân núi để nhớ ngày Ma Cô tiên giáng. Chùa Hang nằm trong động núi, có tên là động Cửa Chùa. Tương truyền trong chùa có một bức tượng Phật Quan Âm bằng vàng do vua Lý Thánh Tông cung tiến. Trước năm 1945 Chùa Hang được dân làng Bồ Khê, Thanh Trạch cúng tế. Ngày nay Chùa Hang chỉ còn phế tích, chuyện xưa một chút liêu trai, đọng lại theo thời gian.
Chợ Lý Hòa
Vùng đất Lý Hòa đời nhà Trần (1306) có tên là “Dĩ Lý”, thời Trịnh- Nguyễn phân tranh (1627 - 1672) gọi là “Lý Ninh” và từ năm 1775 có tên Lý Hòa. Năm 1775, Lê Quý Đôn khi đi vào xứ Đàng Trong, nhìn thấy vùng đất bình sa bằng phẳng dưới chân núi Lệ Đệ rất đẹp, làng xóm thanh bình, thuyền bè tấp nập đi lại trên sông,  ông đã ghi lại "Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ xuống thành bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng dân cư ngang bãi trong về phía Nam, bên tả ngạn ôm lấy sông Thuận Cô, từ bên hữu ngạn chạy lại làm án cho nên nhân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người. Tục quan buôn bán, bình thời vào Gia Định đóng thuyền nan lớn đến hàng trăm chiếc". Phía Bắc Lý Hòa là đèo Lý Hòa, nơi có ngọn đèo thấp, trước đây có tên gọi là núi Lê Đệ. 

Trường Mầm non Lý Hòa
Dưới chân đèo Lý Hòa, nơi núi liền với biển, những khối đá to, nhỏ mọc lởm chởm với nhiều hình thù lạ mắt. Mỗi lần sóng biển vỗ bờ, tung bọt trắng xóa, các khối đá to nhỏ như được sóng nâng lên, hạ xuống, có cảm giác như đá nhảy chồm lên cùng sóng biển, có lẽ vì vậy, nơi này có tên Đá Nhảy chăng ?. 
Năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng, Châu Bồ chính thức được đổi thành huyện Bố Trạch. Làng Lý Hòa thuộc huyện Bố Trạch. Làng Lý Hòa tựa như bán đảo nhỏ, phía Tây Nam, phía Đông là sông và biển, phía Bắc có đèo Lý Hòa. Điều kiện địa lý tự nhiên, thiên thời và địa lợi đã tạo nên làng biển Lý Hòa hữu tình, với “Núi giăng một mặt, nước vây ba bề”. 

Lễ hội đua thuyền làng Lý Hòa

Cửa biển Lý Hòa xưa gọi là cửa Đại Lý, nơi đây năm 1369 đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), thủy binh Đại Việt đã đánh thắng quân Chiêm Thành từ phía Nam ra cướp phá châu Lâm Bình. 
Tính từ khi có tên Dĩ Lý năm 1306 đến nay 2016, làng Lý Hòa đã 710 trăm năm. Theo thần phả làng thờ ở đình Lý Hòa và các gia phả dòng họ Hồ, Nguyễn, Hoàng, Lê, Phan và lịch sử làng Cương Gián thì người Lý Hòa có gốc từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Người Cương Gián vượt biển, qua Hoành Sơn và dãy núi Lệ Đệ, gặp bãi cát bằng, có núi, có sông, có biển, gần giống quê nhà, hợp với nghề biển, đã định cư lại nơi đây. Những cư dân mới đã đặt tên con sông nơi đang ở là Thuận Cô. Buổi đầu, họ định cư ở bờ Nam sông Thuận Cô, sau chuyển sang bờ Bắc do đất đai bằng phẳng, có núi cao che chắn, có thể phát triển lâu dài. Đến năm 1775  dân đinh làng Lý Hòa đã “lên tới nghìn người”. Trước năm 1945, làng Lý Hòa có 12 dòng họ cùng chung sống, trong đó có hai họ Hồ và Nguyễn Duy là lớn nhất, danh tiếng, được xếp đứng đầu. Hiện nay làng Lý Hòa có 22 dòng họ trong cộng đồng dân cư. 
Đài tưởng niệm Lý Hòa
Lý Hòa là vùng đất có thế “thượng Sơn, hạ Thủy”. Nhìn từ xa, trên cao, làng Lý Hòa tựa con rồng lớn, đang quẩy mình trên “hồ nước lớn” (sông và biển). Đầu Rổng là đèo Lý Hòa, miệng Rồng là bãi Đá Nhảy và Đá Giếng, thân rồng “khoảnh đất bình sa” kéo dài từ dưới chân núi Lệ Đệ đến cửa sông Lý Hòa, rốn Rồng là cửa sông Lý Hòa và đuôi rồng xòe ra ở bãi đá cuối cửa sông.

Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh nơi đây còn lưu truyền một câu chuyện tình bi ai của nàng công chúa Ngọc Hoa và một viên tướng chúa Nguyễn. Viên tướng được chúa Nguyễn phái đi sứ ở kinh thành Thăng Long, chẳng may bị chúa Trịnh bắt giữ, mãi không thấy trở về. Ngọc Hoa lo lắng, mong chờ người thương yêu đến mỏi mòn. Nàng khăn gói lên đường, ra tận bờ sông Gianh tìm kiếm. Ngọc Hoa xin vào một ngôi chùa quy y cửa Phật. Dù đã rũ áo trần tục, nương nhờ cửa Phật, nhưng Ngọc Hoa vẫn thương nhớ người yêu, mong có ngày tái ngộ. Ngày ngày, công chúa Ngọc Hoa lên sườn núi Đá Mài trong dãy Lệ Đệ, trông về phương Bắc gửi theo gió nỗi lòng cô đơn, buồn tủi. Nước mắt nàng chảy thành Suối Ngọc dưới chân núi Đá Mài không bao giờ cạn, như mối tình chung thủy sắt son, cùng năm tháng.

Đá Nhảy Lý Hòa
Làng Lý Hòa có bốn giếng nước cổ, khá lớn, được xây bằng đá phiến xanh lấy từ Thanh Hóa và gạch Bát Tràng, là giếng Dậu , giếng Chùa, giếng Đình và giếng Eo. Dân làng kể rằng giếng Dậu nằm ở thôn Thượng Hòa, giếng đào vào long mạch thần đất, nên hàng năm vào mùa Hè, hai thôn Nội Hòa và Thượng Hòa thường bị hỏa hoạn, nhiều nhà bị cháy. Có năm, cả trăm ngôi nhà ở hai thôn này cùng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Dân làng thấy bất an, quyết định lấp giếng Dậu lại. Từ khi giếng Dậu được lấp, nhà cửa trong hai thôn không còn bị cháy nữa. Các giếng còn lại, giếng Chùa có nước ngọt,  giếng Đình và giếng Eo nước bị nhiễm mặn, nước lợ, tuy vậy dân làng vẫn dùng nước giếng ở đây để tắm giặt.

Chùa Lý Hòa xây mới
Ngày nay dòng nước trong lành từ khe Tòng Môn đã được đưa về phục vụ người dân làng biển Lý Hòa.
Người dân Lý Hòa từ buổi đầu định cư trên vùng đất mới đến nay, cuộc sống luôn cuộn trào cùng sóng gió, đánh bắt các loại cá biển và buôn bán các sản phẩm chế biến từ biển. Thiếu nữ Lý Hòa, 15 tuổi đã theo các mẹ, các chị đi buôn và biết buôn bán. Các mẹ, các chị ở Lý Hòa, với đôi quang gánh trên vai cùng nhiều loại cá Trích, cá Nục, nước mắm, ruốc đã rong ruổi khắp các vùng quê Hoàn Phúc, Vạn Lộc, Cự Nẫm, Khương Hà, Gia Hưng, Troóc bán hàng hay đổi hải sản lấy lúa, ngô, khoai, sắn cho cuộc sống gia đình và cộng đồng. 

Đình Lý Hòa
Xưa, khi chưa có điều kiện bảo quản cá đông lạnh như ngày nay, để có thể đưa cá đi xa, các mẹ, các chị đã chế biến cá thành mắm, có nhiều loại mắm rất ngon. Mùa đông trời lạnh, ăn bát cơm nóng với mắm cá thu, cá ngừ hay cá trích thật là tuyệt. Cá biển tươi còn được nướng theo từng vĩ, xếp thành chồng, có thể để được vài ngày. Người mua cá tính theo từng vĩ, khi dùng, gia giảm thêm gia vị, nước mắm và kho nóng,  ăn rất ngon. Một dạng khác, cá được kho trong các nồi đất, tiếng Quảng Bình gọi là tréc, cá được tẩm gia vị vừa ăn, kho vừa chín và được xếp vào quang gánh. Một gánh hàng như vậy có chừng 15 – 20 nồi cá, rất cồng kềnh, dễ vỡ. Mỗi gánh hàng thường có vài ba nồi cá kho, dăm vĩ cá nướng, mắm, ruốc và nước mắm. Các mẹ, các chị thường cố gắng bán hết hàng, trở về nhà sớm với đôi vai nhẹ nhõm, bước nhẹ tênh, gặp lại người thân trong gia đình. Người mua, có thể mua cả nồi và cá, cũng có thể trút cá sang nồi của mình để dùng. Thời đó chưa có nhiều gia vị tẩm ướp, sản phẩm cá kho ngon là nhờ cá tươi, nước mắm ngon và tài kho nấu của các mẹ, các chị. Mẹ tôi thường mua các loại mắm, cá nướng hoặc cá kho cho gia đình. Hương vị quê hương từ những bữa ăn với cá kho, cá nướng còn theo tôi suốt cuộc đời. 

Lê Quý Đôn, trong Phủ Biên Tạp Lục viết “Làng Lý Hòa là làng đông dân cư và giàu có vào hạng nhất, nhì trong tỉnh Quảng Bình. Làng ấy là làng văn vật”. 
Đình làng Lý Hòa được xây dựng năm 1737. Vị thần được thờ trong đình làng là “Cương khẩu Đại vương”, vị thần giữ cửa biển Cương Gián được thờ ở đình làng Cương Gián. Từ năm 1804 đến 1808, dân làng Lý Hòa xây dựng đình, mái đình được lợp bằng ngói vảy, phần hậu chẩn chỉ để giữ thờ, sau dựng thêm đình trung. Năm 1824 xây cất thêm phần ngoài, hai gian cũ để thờ đồ tử khí. Theo phần phả để lại thì trong cùng “tứ trụ” gồm 4 vị thần Thiên Yana, Hạnh Tiểu Nương và hai nàng công chúa con Thiên Yana. Đình giữa thờ thành hoàng và thờ vọng các vị thần có miếu đinh trong làng. Ngoài cùng thờ thập nhị gia tiên (tổ của 12 dòng họ), có sắc phong của vua.
Đình Lý Hòa thờ các vị tổ có công khai sáng làng, khai sáng nghề biển, thờ tự các vị danh khoa, hiền tài của làng. Việc tế lễ ở đình làng có hai kỳ Xuân - Thu, mỗi năm có đại trường câu, việc của làng, ngày tết. Định kỳ 6 năm, dân làng Lý Hòa tổ chức tế lễ thành hoàng hết sức long trọng. 


Chợ Lý Hòa
Làng Lý Hòa có chùa được xây ở Nội Hòa. Chùa không có tăng ni, phật tử, chỉ có một vị sư và một ông từ chuyện lo hương khói. Dân Lý Hòa  tu tại gia, hàng tháng vào ngày mồng một, rằm, ngày ba mươi đến chùa thắp hương, lễ Phật. Việc tế lễ tại đình làng và các miếu thờ diễn ra quanh năm, trong đó có hai lễ chính là lễ Xuân Thủ - Khai Xuân vào ngày rằm tháng giêng và Lễ Đại trường câu. Đây là lể cầu được mùa, tổ chức vào ngày rằm tháng sáu âm lịch. 
Lý Hòa là làng văn hiến, nhiều người đỗ đạt, làm quan. Thời nhà Nguyễn, kể từ năm Minh Mạng thứ 10 mở đại khoa đầu tiên cho đến khoa thi cuối cùng 1919, dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa có năm vị đại khoa, đỗ tiến sĩ. Trong làng có cụ tế tửu Nguyễn Duy Miễn sinh 5 con trai, một người đỗ Hoàng Giáp, một người đỗ Tiến sĩ, một người đỗ Phó bảng và hai người đỗ cử nhân.  Đây là gia đình duy nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, có nhiều người đỗ đạt.

Làng Lý Hòa về đêm
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa có ghi “Đời thứ 5 có ông Nguyễn Khâm, ngài làm thầy thuốc Bắc, hạng quan viên vốn là một thầy thuốc nổi tiếng, được mời vào triều làm thuốc, chữa bệnh và dạy học, do có nhiều tài đức nên khi chết được truy tặng thị giả y học sĩ. Ông có hai người con trai là Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Duy Đức, được học hành tử tế. Nguyễn Duy Cần là người đầu tiên đỗ tiến sỹ, mang lại vinh hiển cho dòng họ mình. Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần đậu cử nhân khoa Tân Sửu năm 1841, Ân khoa năm Nhâm Dần 1842, được sắc ban Tiến sĩ,  phong hàm Thị giảng học sĩ, giữ chức Giáo tập học đường phủ Tôn Nhân.

Cầu Lý Hòa
Nguyễn Duy Cần có người con thứ 2 là Nguyễn Duy Miễn, tư chất thông minh, đậu cử nhân năm 1878. Nguyễn Duy Miễn có 5 người con trưởng thành, đỗ đạt và được bổ làm quan, người đời khen là “năm cành quế tốt thơm”. Những người con của ông Miễn là phó bảng Nguyễn Duy Thắng, trúng cử khoa Mậu Tuất 1898, giữ chức Chưởng ấn ở kinh kỳ; Nguyễn Duy Đồng đỗ cử nhân; tiến sĩ Nguyễn Duy Tích, đỗ cử nhân khoa Canh Tý 1900, khoa Tân Sửu 1901 sắc ban tiến sĩ, giữ chức Tham tri bộ Binh; Nguyễn Duy Phiên đỗ cử nhân khoa Quý Mão 1903, khoa Đinh Mùi 1907, sắc ban tiến sĩ giữ chức Tá lý bộ Học; phó bảng Nguyễn Duy Thiệu thi đỗ khoa Canh Tuất 1910, được phong hàm Thừa chỉ.
Một góc làng Lý Hòa
Thời nhà Nguyễn, huyện Bố Trạch có 8 vị đỗ đại khoa, tiến sỹ thì làng Lý Hòa có 5 người; 25 vị đỗ cử nhân, làng Lý Hòa có 6 người. Tỉnh Quảng Bình có hai làng Lý Hòa và An Xá được công nhận là làng văn hiến; dòng họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa được công nhận là dòng họ khoa bảng.
Làng Lý Hòa không xếp trong “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình nhưng trong lịch sử các làng khoa bảng đất Quảng Bình, làng Lý Hòa cùng làng Quy Đức, Đức Trạch, làng Cao Lao Hạ, Hạ Trạch được xếp vào hàng “Tam danh hương Lý, Quý, Cao ”. 
Trong văn thánh của làng Lý Hòa có câu
  “Lý hữu đa nhân, địa linh sinh nhân kiệt 
     Hà vi đại quý, hiện sóng xuất anh tài”. 
Để có được người tuấn kiệt, anh tài, làng lập miếu Khai khoa và phát khoa. Vào đầu Xuân năm mới, ngày mồng 1 Tết, lễ bái tổ tiên, thăm ông bà, cha mẹ, mồng 2 tết  các cụ đồ, nho sỹ của làng về đây khai bút đầu Xuân, bình thơ văn, đàm đạo chuyện văn, chuyện học mở đầu một năm học hành của con em trong làng. 

Một góc làng Lý Hòa
Làng Lý Hòa ngày nay là làng văn hóa, trù phú và phát triển. Du khách đến đây ngỡ ngàng, khó phân biệt giữa phố thị và làng biển, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, đời sống nhân dân sung túc. Làng Lý Hòa nhìn từ xa, như phố biển ở một nơi nào đó rất xa, rất đẹp trên thế giới nhưng rất thân thuộc trên đất Quảng Bình. 

QUA ĐÈO LÝ HÒA

Trưa nắng qua đèo Lý Hoà
Dưới chân đèo vẳng tiếng em ca
Làng biển đẹp như phố thị
Sóng xô bờ Đá Nhảy vỡ oà

Anh gặp em giữa Lý Hoà
Đâu rồi câu hát em vừa ca ?
Làng biển rộn ràng, ghe đầy cá

Nắng nhuộm da em, đẹp mặn mà.

Tác giả: Phạm Quang Ngọc 
"Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn"

>>> Video làng Lý Hòa nhìn từ trên cao

Không có nhận xét nào: