XIN ĐỪNG CHO CON TIỀN

Nhiều đồng nghiệp của tôi thường chậc lưỡi nhận xét:
   - Học sinh Lí Hòa có thói quen ăn hàng, xả rác bừa bãi.
  - Các em biết tiêu tiền, thậm chí có em tiêu vặt còn nhiều hơn mình mua thức ăn một ngày cho cả gia đình.
   - Cha mẹ cho con tiền dễ dàng quá.

Tôi là một giáo viên người làng, nghe và thấy như vậy, không khỏi ngậm ngùi buồn và lo nghĩ.
          Chúng tôi thường lồng ghép vào bài dạy những câu chuyện về tính tiết kiệm. Nhiều em nghe. Có em hờ hững. Tôi cảm nhận vậy qua ánh mắt. Với những em thuộc trường hợp thứ hai này, tôi biết, nghe rồi sau đó có thể nói: đó là thời trước; bây chừ có tiền thì tiêu chứ. Tất nhiên, chúng tôi không ép buộc các em phải như thế này như thế nọ vì giáo dục không có chế tài với nó. Chúng tôi chỉ giáo dục các em thông qua nhận thức để điều chỉnh hành vi chuẩn mực.
          Được nghe nhiều câu chuyện ngoài giờ học của các em, tôi thực sự tròn mắt. Cuối năm hầu như học sinh lớp nào cũng tổ chức âm thầm đi chơi các địa điểm du lịch trong tỉnh mà không hề báo cho nhà trường được biết. Mỗi chuyến đi suối Mooc, hang Tối... như thế cũng tốn ít nhất 500- 700 nghìn. Có lớp đi rồi đi lại. Nếu bạn nào nhà khó khăn không đi thì sẽ bị các bạn trong lớp khinh ghét. Rồi sinh nhật của học trò bây giờ là ra quán karaoke, uống bia và nhảy múa đến tối muộn. Đua nhau mua trang phục đồng phục để tôn phong cách hội mà mình tham gia.... Sự đua đòi ham vui đã tiêu một khoản tiền mà lẽ ra em đã có thể mua sách vở cho năm học mới.

          Nhiều buổi chào cờ đầu tuần, thay vì phải mang ghế nhựa đi thì học sinh thuê ở các quán gần cổng trường cho tiện. Và có em nhẫn tâm giơ thẳng chân giẫm nát cái ghế nhựa rồi bỏ đi. Bút viết thì lơ đãng vứt lung tung. Khăn quàng, mũ ca lô, phù hiệu...tiện đâu nhét đó, khi thầy cô kiểm tra thì vội vàng chạy đi mua. Ừ, thì vẫn biết một cái khăn quàng giá chỉ vài nghìn đồng nhưng nếu nhân nó lên với các ngày trong tuần thì kết quả không chỉ dừng lại ở một con số hàng nghìn!


          Học sinh luôn có tiền trong túi quần, trong cặp, ít hoặc nhiều. Ăn sáng bớt lại cũng có. Xin thêm mẹ cha tiêu cái này, nộp cái nọ cũng có. Mẹ cha cứ chiều con, vô tư cho con tiền mà không điều tra cụ thể tiền xin để làm gì, có khi lại thắc mắc “ răng nhà trường nộp lắt nhắt nhiều rứa?”. Vì thế cũng không biết những đồng tiền đó sẽ đưa con mình đi đâu. Có em, khi giáo viên năm lần bảy lượt gọi từ quán game vào lớp, báo về nhà thì phụ huynh vẫn còn khăng khăng “ con tui ngoan mà”.
          Có nhiều cách thương con. Xin phụ huynh đừng cho con tiền dễ dàng quá, sẽ làm hư con. Con trẻ chưa tự kiếm tiền, vì vậy phải cho trẻ biết quý trọng giá trị lao động. Và thiết nghĩ, nhà trường cũng cần mạnh tay hơn trong giáo dục học sinh. Thông qua các buổi nói chuyện đầu tuần, các bài dạy, để giúp các em nhận thức, nhưng cũng đồng thời đưa ra cảnh báo với những em thờ ơ với đồng tiền, nếu cần phải có hình thức xử lí thích đáng và thông báo ngay với phụ huynh. Tôi nghĩ, nếu có sự phối hợp và quyết tâm từ hai phía trong việc quản lí và giáo dục học sinh thì sẽ góp phần uốn nắn hành vi. Đó chẳng phải là cách tốt để mẹ cha không còn than phiền “ nó hay xin tiền” mà còn để con cái biết thương cha mẹ hơn sao?!


                                                                   Thu Hằng

>>>VIDEO