TÍNH TIẾT KIỆM


     -  Mẹ! Con đã loại ra rồi răng mẹ còn lặt lại mần chi nữa?
    -  Răng mẹ không nấu bếp ga cho khỏe, chi mà nhen cho được bếp củi, đen nhọ hết cả nồi...
-         Mẹ thích chi cứ ăn đi. Mà của con mua cho mẹ ăn đó, cứ cất mần chi cho hết hạn sử dụng. Mẹ dè sẻn cũng vừa thôi....

-  Con đến mệt với mẹ, cứ cặm cụi suốt ngày nuôi mấy con gà cho bẩn nhà. Một chục trứng có bốn mươi nghìn chứ có bốn trăm hay bốn triệu mô mà mẹ cứ tính toán lắm cho khổ thân rứa.
- ...................................
Những đứa con của mẹ đã ca thán như thế và cho rằng mẹ lẩn thẩn rồi, hoặc mẹ hà tiện. Cả cuộc đời mẹ khổ để nuôi chúng tôi khôn lớn. Giờ con cái đã yên bề gia thất thì mẹ vẫn chưa thể từ bỏ được cái tính tiết kiệm cố hữu đó. Nhiều khi khuyên mẹ không được thì các con cáu gắt, càu nhàu...
Những lúc như rứa, hoặc là mẹ im lặng, hoặc là mẹ sẽ nói: “ mẹ có hà tiện thì mới nuôi nổi các con nên người như ngày hôm nay”. Rồi “ nếu không tiết kiệm thì của núi cũng lỡ thôi con ạ”!
Tôi thường suy tư về những câu nói của mẹ. Mẹ nói đúng. Chúng tôi tin vào cái lí của chúng tôi- những con người của thế hệ hôm nay, biết hưởng thụ cuộc sống và đòi hỏi nhiều hơn- chúng tôi không phải lo toan tính toán nhiều để tồn tại, và các con cũng muốn mẹ được thảnh thơi tuổi già, được sung sướng một chút bù đắp những thiếu thốn mẹ đã từng chịu đựng. Nhưng chúng tôi đã bỏ qua cảm xúc của mẹ, thói quen của mẹ. Mẹ muốn tập cho con cháu tính tiết kiệm ( chứ không phải hà tiện) vì mẹ biết con mẹ cũng còn nhiều thứ để lo phía trước. Mẹ vẫn thường bảo rằng làm mười đồng thì phải cất được năm đồng dành khi ốm đau, sự cố hay để giúp đỡ người thân khi hoạn nạn. Và chúng tôi thừa hiểu rằng mình đã từng lớn lên từ bàn tay chắt chiu gom góp đó.
-         Tiết kiệm không xấu mà xấu vì cái tính sĩ diện hão – Mẹ vẫn chép miệng vậy.
Câu nói của mẹ khiến tôi nghĩ đến sự phung phí, tiêu hoang của một bộ phận người dân làng Lí Hòa ta. Nhiều người ở địa phương khác biết đến Lí Hòa đều cho rằng đây là một làng giàu có, xinh đẹp, con người thì nhanh nhạy, buôn bán giỏi. Còn những người biết rõ hơn thì còn bảo dân Lí Hòa đua đòi, sống thoáng nhưng tiêu hoang. Con cái xin tiền thì cho ngay, đôi khi chỉ hỏi qua loa lí do, dù không ưng trong bụng thì cuối cùng cũng cho nó để bằng bạn bằng bè. Áo quần, giày dép thay mốt này đến mốt nọ. Hội hè vui vẻ...đâu phải ai cũng dư dả để đua như thế. Cuối cùng là tội cho con em những nhà nghèo: ba mẹ còng lưng làm cũng chỉ để cho con tấm áo mới làm “phấn xức mặt” cho con.
Hiện nay, có một lớp trẻ giàu lên nhờ buôn bán, đi lao động nước ngoài v.v... đã bắt đầu thích tiêu tiền để chứng tỏ “ mình giàu”, “ sành điệu”. Vì cái tính sĩ diện hão ấy mà nhiều gia đình vay nợ ngân hàng, bán nhà, bán đất hay chỉ “ tay bo miệng lốm” dù đắp đổi qua ngày cũng chỉ để sướng với chúng bạn.

Bác P.H- một đại gia của làng ta đó- nhiều người bảo tiền tiêu đến đời chắt, chíu không hết nhưng bác vẫn tiêu tiền đúng mục đích, cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm. Chẳng điện thoại aiphone, chỉ một “cục gạch” đỡ tốn pin; chẳng sơn hào hải vị chỉ thích những món dân dã, chẳng xe hơi bóng lộn chỉ chiếc xe máy đi khắp trong làng, chẳng giày da đen bóng chỉ đôi dép đơn sơ... Ấy thế mà lại chi ra mấy chục tỉ để tô đẹp cho làng, biến Lí Hòa thành “ một trong 100 làng giàu đẹp nhất cả nước”. Thật đáng trân trọng một tấm gương sống giản dị như thế: tiết kiệm cho bản thân mình là làm giàu cho xã hội!
Đâu đó vẫn còn lời ra tiếng vào rằng ông nọ, bà tê, anh này, chị nọ .... tiết kiệm rứa tiền bỏ mô cho hết....Dân chúng ta vẫn còn đánh đồng giữa hà tiện và tiết kiệm; một bên là tiêu cực còn một bên là tích cực, và cũng còn nặng hình thức đua đòi nên thấy ai tiết kiệm thì bắt đầu khó chịu, dị nghị.
Một làng sống dựa vào biển. Bây giờ biển đang khóc, thu nhập của nhiều gia đình vì thế cũng khó khăn. Mọi hoạt động buôn bán cũng ế ẩm đồng nghĩa với thu nhập của làng bị giảm đáng kể. Đã đến lúc ta cần suy nghĩ lại để bắt đầu học tính tiết kiệm như Bác Hồ từng dạy cần phải “ cần – kiệm - liêm – chính”.
                                                                        Thu Hằng
>>>VIDEO