“ Thịt mỡ, dưa
hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng
xanh”
Cho
tôi xin một vé đi tuổi thơ, một lần trở về quá khứ của mười, hai mươi năm trước
để được sống lại không khí của Tết - đúng nghĩa nhất với hai từ cổ truyền.
Tết
xưa trong tôi là hình ảnh đôi triêng gióng ăm ắp hoa trái và bánh mứt trên đôi
vai gầy của mẹ. Tết về trong tiếng reo hò của cậu em út thập thò đầu ngỏ ngóng
mẹ: “Chị ơi! Mẹ gánh Tết về! Hoan hô mẹ gánh Tết về”. Tôi yêu Tết xưa vì có nụ
cười tỏa nắng của mẹ, yêu cái dáng người phụ nữ đon đả trên vai đôi triêng
gióng nặng trĩu không quản nhọc nhằn nuôi lớn đàn con.
Tết xưa trong tôi là những buổi trưa trốn ngủ,
lén lấy đồ mới, xúng xính váy áo chạy khoe khắp xóm. Tuổi thơ êm đềm trôi đi với
tiếng cười khúc khích, rộn rã rồi cả tiếng reo hò mừng vui khi nghe pháo nổ
đùng đình. Một chút háo hức, một chút hồi hộp khi được người lớn mừng tuổi bằng
phong bao lì xì đỏ chói. Những tờ tiền lẻ mới cứng trong đó, chị em tôi thường
dành dụm mua truyện tranh hay những món đồ chơi ưa thích. Sáng 29,30 (Âm lịch)
của nhiều năm trước như vẫn còn đâu đây với hình ảnh con bé tóc bù xù chụi mắt
vừa bước trên sàn nhà đầy lá dong, dây lạt, thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp… Bàn tay
khéo léo của mẹ, của bà cẩn thận lau từng lá dong xanh mướt. Ba thì “điệu nghệ”
gói những chiếc bánh vuông vức, chắc nịch mà không cần khuôn bánh. Trẻ con
chúng tôi háo hức tập làm bánh và chờ đợi một cái gật đầu của người lớn để
“sáng tạo” những chiếc bánh chưng tí hon. Mong mỏi đêm xuống để cả nhà quây quần
canh nồi bánh chưng bên ánh lửa bập bùng. Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ của ngày
ấy giờ chỉ hiện về trong màn sương kỉ niệm.
Tết
của ngày xưa, trên bàn thờ không phải là ánh đèn điện rực rỡ sắc màu. Cũng
không phải những hộp bánh mứt đắt tiền, những chai rượu Tây thượng hạng, xa xỉ.
Chỉ là dăm cặp bánh chưng tự gói, chén rượu gạo ấm nồng và mùi hương trầm phảng
phất trong gió xuân. Tết xưa không thật đầy đủ về vật chất nhưng chan chứa
nghĩa tình.
Cuộc
đời xoay vần, nhịp sống hối hả, công nghệ phát triển như vũ bão, Tết cổ truyền
khoác lên mình chiếc áo mới với cái tên thời thượng “Tết công nghiệp”. Hình ảnh
nhà nhà sum vầy gói bánh chưng, làm mứt xa vắng dần. Mẹ tôi vẫn đùa là làm gì
có “thịt mỡ với dưa hành hay câu đối đỏ” nữa phải chỉnh lại là “xúc xích, kim
chi, kim tuyến đỏ”(dây kim tuyến đủ sắc màu dùng để trang trí). Ngẫm lại “câu đối”
của mẹ đúng với cuộc sống hiện đại nhưng sao lòng thấy đượm buồn. Tết xưa chỉ
còn là chút kí ức trong lòng con người hoài cổ, chút tiếc nuối nét văn hóa đẹp
của dân tộc dần rơi vào quên lãng. Đâu rồi những hôm tất bật cùng nhau lau dọn
nhà cửa đón tết? Đâu rồi hình ảnh quây quần bên mâm cơm tất niên? Đâu rồi tiếng
rộn rã nói cười của ngôi nhà với mùa Tết đoàn viên.
Chỉ mong rằng dù cuộc sống hiện đại, con người có bận rộn đến
đâu cũng dành chút thời gian trở về quê hương, thành kính thắp nén nhang lên
bàn thờ tiên tổ. Đừng để Tết trôi đi với tiếng thở dài, nghẹn ngào của các đấng
sinh thành “Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó!!!”
02/2016
Bé Thím.