Bệnh phong có thể chữa lành và tác hại không đến nỗi đáng sợ như bạn vẫn thấy trên phim ảnh nếu được phát hiện sớm. Một triệu chứng điển hình là mất cảm giác, thường gặp ở chân tay; không thấy đau khi bị bỏng hay châm chích.
Trong lịch sử loài người, bệnh phong được coi là một trong tứ chứng nan y, như dân gian thường gọi. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây lan từ người bệnh sang người lành. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài nhiều năm. Ngày nay, con người đã phát minh ra nhiều loại thuốc điều trị có hiệu quả, góp phần ngăn chặn hiểm họa của căn bệnh này.
Trước đây, khi nhìn thấy bệnh nhân phong với những tổn thương đặc trưng như cụt ngón chân, ngón tay, mọi người thường có tâm lý xa lánh, kỳ thị... Có những người bệnh phải tự vào rừng ăn ở một mình, không người chăm sóc. Thực ra, bệnh phong không dễ dàng lây nhiễm. Chỉ những người thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh(thầy thuốc tại các trung tâm khám chữa bệnh phong hoặc vợ, chồng, con cái của bệnh nhân phong) mới dễ lây nhiễm nếu không biết cách phòng ngừa.
Người bệnh có những dấu hiệu như mất cảm giác, thường gặp ở chân tay. Vì vậy có khi bị bỏng, bị châm chích mà họ không thấy đau. Ngoài ra, dấu hiệu trên da cũng rất khác: có những nốt bạc màu trên da, hoặc những nốt to, tròn, ở giữa mất cảm giác. Một số cục dưới da xuất hiện là do tổn thương dây thần kinh phình to lên. Có khi bệnh nhân bị loét trên da kéo dài mà không có cảm giác đau và không ngứa. Cũng có những người da mặt dày cộm, nổi cục hoặc dái tai dày, ngắn và vuông. Lông mày rụng, lúc đầu ở phía ngoài sau đó rụng toàn bộ. Khi bệnh đang tiến triển, người bệnh có thể bị liệt chân, tay. Các ngón chân, ngón tay có thể dần dần bị cụt trở thành những mỏm cụt. Khi bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu như mô tả ở trên, hãy cảnh giác vì có khi chính bạn đã mắc căn bệnh này. Nên đến các cơ sở y tế để được khám phát hiện sớm.
Ngày nay, đã có nhiều loại thuốc đặc trị có thể điều trị khỏi bệnh phong. Tuy nhiên, việc điều trị cần phải theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.
Người bị bệnh phong rất dễ bị các thương tổn khác. Chẳng hạn khi cầm điếu thuốc lá trên tay, họ có thể bị bỏng ngón tay do thuốc cháy mà không phát hiện được; cũng có những người bệnh do đi lại nhiều gây phồng rộp bàn chân, dẫn đến loét... Do bệnh nhân không đau, không ngứa nên những tổn thương này có thể tiến triển nặng nề, nhiễm khuẩn kéo dài dẫn đến tình trạng loét, lở ở bàn chân, tổn thương xương thậm chí phá hủy xương...
Làm cách nào để phòng ngừa các tổn thương đó? Người bệnh cần chú ý, phải đi giày dép. Không bao giờ được đi chân đất để tránh các tổn thương bàn chân. Không hút thuốc lá để tránh các tổn thương bàn tay, ngón tay. Nên tránh làm việc có liên quan đến các vật sắc nhọn như dùng dao chế biến thức ăn có thể gây đứt tay. Nếu có điều kiện, người bệnh không nên trực tiếp nấu nướng để tránh bị bỏng lửa. Nên tạo một thói quen hằng ngày tự mình kiểm tra tay, chân xem có bị tổn thương nào khác không. Nếu có, cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời, tránh các biến chứng có thể nặng thêm...
BS Phương Thảo, Sức Khỏe & Đời Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét