ĐỘC ĐÁO MÚA CHẠY CHỮ NHÂN TRẠCH



Nhân Trạch là một làng biển  của huyện Bố Trạch, ở đây đất chật người đông nhà nhà sống chen khít nhau, đường đi lối lại chằng chịt như mạng nhện. Chung hoàn cảnh sống ấy nên đã từ rất lâu đời, làng xóm từng gắn bó, cùng chung lưng đấu cật để giúp nhau vượt qua mọi khó khăn của thiên tai, địch họa.
Trong hoàn cảnh ở tựa lưng nhau và có chung một nghề đánh cá biển. Chính vì vậy từ xa xưa trong cộng đồng dân cư Nhân Trạch đã hình thành nên những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm sắc thái của vùng quê biển. Các làn điệu hò biển hát chèo cạn (hát bả trạo), hò đưa linh, các điệu múa dân vũ: múa bông, múa chạy chữ…được hình thành, lưu truyền lớn dần theo năm tháng trở thành món ăn tinh thần của dân làng trong mùa lễ hội. Để bảo tồn các giá trị văn hóa của làng, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cụ ông cụ bà những người một thời “cất vang lời ca, tiếng hát át tiếng bom” đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ dân ca truyền thống. Hầu hết hội viên câu lạc bộ đã cao tuổi, người thấp nhất cũng trên 50 nhưng hàng tháng vẫn định kỳ cùng nhau sinh hoạt, ai cũng tâm đắc mà rằng:
          Nhân Trạch mà thiếu đi lời ca tiếng hát là không được. Trong chiến tranh ác liệt lấy “Tiếng hát át tiếng bom” để cổ vũ tinh thần bám đất bám làng chiến đấu với giặc Mỹ, thì ngày nay lấy tiếng hát lời ca động viên mọi người ra khơi bám biển hay phục vụ các ngày lễ hội, liên hoan của làng của xã. Làm được việc đó ai cũng phấn khởi.
          Trong chương trình hoạt động của CLB thì điệu múa bông, chạy chữ tập luyện công phu, nhất là múa chạy chữ. Múa chạy chữ mang tính nghi lễ cao, phản ánh được ước mong, nguyện vọng được sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, giàu sang, thịnh vượng…Chính vì mang tính lễ nghi cao, múa chạy chữ cùng với múa bông được dùng trong các nghi lễ cầu mùa, hội làng…và nay còn được dùng trong cả tang lễ.
          Múa chạy chữ là điệu múa đòi hỏi đội ngũ diễn viên phải chọn lựa người khỏe mới đủ sức để chạy, để uốn lượn cũng như chạy gài lối dọc, ngang theo những quy định mà đạo diễn đã vạch ra cho từng vai diễn như vị trí đứng, cách bước trái, cách bước phải, đứng dậm chân… Số lượng diễn viên tham gia múa tùy cách chọn chữ mà sử dụng nhiều hay ít. Ít thì khoảng 20 đến 25 diễn viên, nhiều thì có khi đến 40 hay 50 diễn viên cùng ra sàn diễn một lúc. Đây là điệu múa cổ nên xếp chữ yếu bằng Hán tự như Thiên – Hạ –  Thái – Bình, hoặc Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa hoặc Tự do – Độc lập…
          Khán giả xem đội múa ai cũng trầm trồ khen ngợi sự linh hoạt, cách uốn lượn, di chuyển nét ngang, nét dọc hoặc kết những vòng tròn nhỏ thành vòng tròn lớn, những động tác xoay người lúc khoan thai, lúc chậm rãi, lúc uyển chuyển trữ tình. Những chuyển động đều của cánh tay, của toàn cơ thể cùng với màu sắc trang phục sặc sỡ tựa như bông hoa khổng lồ khoe sắc trước biển cả. Lúc múa bước đi, bước chạy rầm rập quyện với âm thanh chủ đạo của dàn nhạc gồm các nhạc cụ như: trống, đàn, sanh tiền hoặc cả tiếng gõ bát đĩa…tạo nên những âm hưởng thanh tao hay khỏe khắn mang đậm bản sắc quê biển.
          Múa chạy chữ ở Nhân Trạch vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa nghệ thuật, vừa nhẹ nhàng, thanh thoát, vừa sôi nổi, nồng nàn, say đắm. Ngoài ý nghĩa trên, Múa chạy chữ còn thể hiện rõ tính cộng đồng, tình cảm gắn bó giữa người làng quê với nhau, sự kết chặt các thế hệ nối tiếp để giữ gìn, bảo vệ mảnh đất cha ông tạo dựng nên, cùng nhau có trách nhiệm làm cho ngày càng tốt đẹp gấp nhiều lần hơn nữa.
          Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay của đời sống kinh tế xã hội, điệu múa chạy chữ đã ít nhiều bị phai nhạt theo năm tháng và giảm đi phần điêu luyện vì còn ít gia công trong luyện tập nhất là ít có người tham gia nên giảm đi sự điêu luyện trong các điệu múa, giảm đi sự cuốn hút đối với mọi người gìn giữ.
          Với ý thức lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua chính quyền và nhân dân xã Nhân Trạch đã có sự quan tâm đến câu lạc bộ, có sự hỗ trợ thiết thực trong việc sắm sanh trang phục, đạo cụ tập luyện mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống nhằm duy trì tốt hơn hoạt động của câu lạc bộ để các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương tiếp tục được khai thác phục vụ tốt hơn cho các lễ hội và người xem.

          Mỗi mùa xuân đến hòa mình vào với không khí chung, các điệu múa cổ truyền ở Nhân Trạch được phục vụ bà con làm cho mọi người càng thêm tự hào về truyền thống văn hóa quý báu của làng quê mà cha ông dày công tạo dựng, đã gìn giữ được. việc làm này đã thắp sáng thêm tình yêu quê hương của những người đang sống và những người xa xứ sở luôn nhớ để hướng về.
BỐ TRẠCH MIỀN DI SẢN

Không có nhận xét nào: