HÒ ĐƯA LINH - KHÚC BIẾN TẤU ĐỘC ĐÁO TRONG HÒ BIỂN NHÂN TRẠCH

Xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, là một vùng quê cư dân sinh sống, gắn bó với nghề đi biển. Với tính cách của người làng biển thật thà, chất phác sống chan hòa cởi mở, thân thiết ân tình trong tình làng nghĩa xóm cũng như giao hòa với biển khơi đó chính là nguồn gốc tạo nên những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần của người dân làng biển Nhân Trạch.
Khi nhắc đến các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của Nhân Trạch thì điều gợi mở đầu tiên trong tâm thức của mỗi người đó chính là những điệu hát khoan chèo cạn khỏe khoắn, mạnh mẽ và những điệu hò biển ngọt ngào, gắn bó với công việc và cuộc sống hằng ngày của ngư dân, được bao thế hệ người dân nơi đây giữ gìn, phát triển…




Trong lối hò biển được người dân xã Nhân Trạch lưu truyền và phát triển từ bao đời nay có lối hò múa quạt, hò múa hoa đăng, hát chèo cạn, hò đưa linh...Các loại hình hát khoan chèo cạn của hò biển Nhân Trạch được thực hiện đầy đủ trong lễ hội cầu ngư tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân thì hò đưa linh là một trong những hình thức diễn xướng độc đáo và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống của người dân làng biển.
Hò đưa linh ở làng biển Nhân Trạch - Bố Trạch vốn khởi phát là một hình thức diễn xướng dân gian được thực hiện trong lễ cầu ngư sau khi kết thúc bài xưng của các bà cai và điệu chèo cạn của các hò con. Dưới sự chỉ huy của 2 bà cai đứng trước đội hò con xướng lên giọng hò cái với điệu hò đưa linh trước biển đông rằng:
“ Biển đông đài cát đại ngàn biển đông
Cúi đầu trăm lạy đức ông
Cầu cho thất ứng thất thông nhiều bề
Anh linh hiển hách nhiều bề......
Lý Nhân Nam vui thú hề
Đức bà đẹp ý ghép vô lạch nhà...”
Điệu hò đưa linh trong lễ cầu ngư được xướng lên cao vút cùng nhịp phách, tiếng trống và cả nhịp chiêng hòa cùng gió biển, sóng biển để ngưỡng vọng tới linh hồn Đức Ông, Đức Bà (cá Voi) để cầu cho làng biển Nhân Trạch được trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, ra khơi vào lộng, cá tôm đầy thuyền, cho cuộc sống càng thêm no đủ.

Đặc biệt điệu hò đưa linh ở Nhân Trạch không những chỉ được sử dụng trong lễ cầu ngư mà lối hò đưa linh còn được dùng để phục vụ đám tang của những ngư dân làng biển Nhân Trạch. Hò đưa linh lúc này được thực hiện với ý nghĩa là cầu nối để tiễn đưa linh hồn của người đã khuất về nơi an nghĩ cuối cùng. Hò đưa linh được diễn ra trong suốt thời gian có đám tang kể từ lúc phát tang cho tới khi mai táng xong. Ở Nhân Trạch, hò đưa linh chỉ diễn ra trong đám tang của những người được xem là đã hưởng thọ trên đời (thường là những người qua đời tuổi 60 trở lên). Câu hò được cất lên vừa để chia buồn với gia chủ, vừa giúp linh hồn người chết siêu thoát nhưng hò cũng là để thưởng thức nét đẹp văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian làng biển. Người đến viếng đám tang trước là để chia buồn với gia chủ, tiếc thương người quá cố, đồng thời còn để thưởng thức giọng hò hay, ngôn hay ý  đẹp trong điệu hò đưa linh. Nội dung của các câu hò đưa linh trong đám tang được chuẩn bị rất công phu, tỉ mĩ. Tùy theo gia cảnh, thân thế, cuộc đời của người chết mà có các bài hò khác nhau. Thông thường nội dung của những câu hò đượm buồn, khéo léo hơn trong mỗi chặng hò, người hát có cách chọn lựa ngữ cảnh rất chu chỉnh để xướng hò cho phù hợp, ngân giọng hò ai oán, bi thương, tiếc nuối khi người lìa cõi đời. Khi hát hò đưa linh trong đám tang sẽ có hai người hát "hò cái" gõ phách (như bà cai trong hát hò khoan ở lễ cầu ngư) và 12 người còn lại hát "hò con" vừa hò vừa diễn xướng và phụ họa, cùng một người đánh trống đại.
Yếu tố quyết định xem điệu hò đưa linh có có hay không thường do người hò cái phần nhiều. Theo nghệ nhân Phạm Thị Niếu (người hò cái trong câu lạc bọ văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch) thì vai trò của người hò cái trong hò đưa linh là rất quan trọng. Vì trong một không gian lễ nghi đượm tính chất buồn đau ấy thì người hò cái phải thuộc bài diễn, phải thể hiện cho được sự đau thương, luyến tiếc của người đang sống đối với người đã mất. Không thể lấy những bài hò có nội dung vui vẻ, khỏe khoắn hay lả lướt như khi hò ở lễ hội cầu ngư hay khi hò đánh cá... mà phải xây dựng những bài hò có tính chất đau buồn, bi thương để biểu diễn. Hơn nữa người hò cái còn phải biết lựa chọn các mái hò sao cho âm hưởng, ngữ điệu của nó phù hợp với khung cảnh.
Những câu hò trong hò đưa linh thường có nội dung kể lại cuộc đời của người đã mất, nói lên công cha, nghĩa mẹ sinh thành, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, kể nỗi lòng đau thương, luyến tiếc của con cháu khi phải chia tay cha mẹ, ông bà. Ví dụ như hò trong đám tang của người cha thọ tám mươi tuổi các câu hò được xướng lên rằng:
"Chia tay kẻ ở người đi
Lòng nào mà chẳng sầu bi não nề
Nay sinh từ giã thân kỳ

Đưa linh một khúc mà về Tây Phương
...................................
Tám mươi năm gắn bó cuộc đời
Bao nhiêu vất vả nuôi con trưởng thành
Năm trai ba gái ngời ngời
Nay về chín suối thương hoài cháu con...”
Những câu hò được xướng lên trong các đám tang nơi miền biển Nhân Trạch cũng như đồng vọng với tiếng trống, tiếng kèn làm nao lòng người đưa tiển với mong cầu tiển đưa linh hồn người chết siêu thoát về nơi cực lạc.
Qua bao thời gian, điệu hò đưa linh vẫn đang được người dân Nhân Trạch lưu giữ gắn bó bền chặt trong đời sống tinh thần của ngư dân quê biển, điệu hò ấy được cất giữ trong tâm hồn mỗi một người dân làm nên khúc biến tấu độc đáo của điệu hò biển - lớp văn hóa đặc sắc văn hóa của làng biển.


Lê Hữu Lợi 
       BỐ TRẠCH MIỀN DI SẢN

Không có nhận xét nào: