SÔNG GIANH

SÔNG Gianh còn gọi là Linh Giang, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, chảy qua địa phận hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần Quảng Bình, trang 127 có ghi:
“Ở phía Nam huyện Bình Chính 3 dặm, phía Bắc thuộc huyện Bình Chính, phía Nam thuộc huyện Bố Trạch, sông rộng 170 trượng”. Sông được khởi thủy từ ba nguồn: nguồn Son, nguồn Nậy và nguồn Nam.
          Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, sông Gianh là ranh giới đàng trong và đàng ngoài nên có tên là Nam Hà, Bắc Hà. Do vậy người Bắc Hà có câu ca: “hữu trí dũng hề khả quá Thanh Hà, túng hữu dục hề trường lũy bất khả qua” (Người có trí dũng có thể qua sông Thanh Hà được, túng sử có cánh đi nữa, cũng không bay qua trường lũy được). Sông Gianh một thời là lưỡi gươm cắt đôi đất nước, biết bao sinh mạng của hai bên đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn huynh đệ tương tàn:
“Sông Gianh nước chảy đôi dòng
Đèn thắp hai ngọn biết trông ngọn nào”.
          Chính vì lẽ đó, ai tới Sông Gianh, ai qua sông Gianh, ai ngược dòng sông Gianh mà không khỏi hoài cảm nước non để rồi hình dung đâu là dấu vết đồn lũy, thành quách một thời trận mạc, chiến chinh, đâu là chợ búa, phố phường thuở trước. Việc giao lưu trên sông Gianh (sông Cái) xưa đã mở rộng. Sông Gianh không chỉ cuốn hút các thương gia buôn bán xuôi ngược trong vùng mà cả các tỉnh bạn qua cửa Gianh. Dòng sông không những là con đường vận chuyển thuận lợi mà còn hấp dẫn du khách bởi những cảnh quan ngoạn mục, bởi một thời đầy chứng tích chia ly. Sông Gianh không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước vô tận cho đồng ruộng, nguồn cá, tôm nuôi sống con người, là con đường giao thông thủy nối vùng núi với vùng đồng bằng ven biển mà Đại thi Hào Nguyễn Du (1765 – 1820) cảm tác về sông Gianh:
                                      “Binh sa tận xứ thủy hiên phù
                                      Hảo hảo yên ba cổ độ thu
                                      Nhất vọng tân nhai thông cự hải
                                      Lịch triều cương giới tại trung lưu
                                      Tam quân cựu bích phi hoàng diệp
                                      Bách chiến tàn hài ngọa lục vu
                                      Bắc thướng thổ dân mục tương ty
                                      Táp niên tiền thị ngã đông chu”.
          Dịch nghĩa:
                                      Cuối bãi cát là chỗ trời và nước bập bềnh
                                      Mùa thu nơi bến cũ, khói sóng lòng lộng
                                      Đứng ở bờ sông trong suốt tận biển cả
                                      Bờ cõi cát triều phân chia giữa dòng sông
                                      Lá vàng bay lả tả trên lũy cũ của ba quân
                                      Dân địa phương vùng bắc sông chớ xa lánh
                                      Ba mươi năm trước cũng người đồng chân
                                                                                      với ta đó mà
          Dịch thơ:
                                      Cuối bãi bình sa nước lẫn trời
                                      Mênh mang bến cũ bóng thu rơi
                                      Bến liền mặt bể xa tầm mắt
                                      Või vạch lòng sông đã mấy đời
                                      Lũy cổ ba quân tầng lá rụng
                                      Bãi hoang trăm trận đống xương vùi
                                      Dân quê bờ Bắc đừng e ngại
                                      Ba chục năm qua sống một nơi
                                                                                      (Nguyễn Văn Tú)

          Sông Gianh vào những đêm trăng sương mờ nhẹ phủ, bóng cây bóng núi hắt xuống lòng sông phẳng lặng, một tiếng gõ nhẹ mạn thuyền đuổi cá cũng vang vọng xao động cả mặt sông, mặt nước lóng lánh như dát bạc, những ánh đèn măng song lung linh chấp chới…Nước các chi lưu Sông Gianh mang  đầy phù sa tưới tắm cho cây cỏ ruộng vườn và cung cấp nguồn thủy hải sản phong phú nuôi sống cho hàng nghìn con người trong vùng. Cá ở đây bao gồm cá nước ngọt, nước lợ, nước mặn, có nhiều loài cá  ngon nổi tiếng như cá hanh, cá vược, cá đối 

… Sông Gianh trong những ngày trởi yên biển lặng vốn rất hiền lành như một dãi lụa xanh vắt ngang trời đất, nhưng lúc dông tố, bão bùng, nước sông trở lên hung dữ lạ thường, nước trên nguồn đổ về cuồn cuộn, nước từ biển dâng cao, nước tràn qua mặt để làm cho hàng ngàn cư dân sinh sống dọc hai bờ song khốn đốn, cuộc sống đảo lộn… Gắn với vùng đất hai bờ Sông Gianh là những vùng đất làng mạc mang đậm dấu tích của một nền văn minh lúa nước. Bờ nam Sông Gianh có di chỉ hậu kỳ đá mới ở Bồ Khê thuộc Di chỉ khảo Cổ Bàu Tró, có thành khu túc dấu tích xưa của người Chăm; Ở bờ Bắc có Di chỉ hậu kỳ Đá mới ở Ba Đồn I, Ba Đồn II, xa hơn có Di chỉ sơ kỳ đồ Đồng ở Cồn Nền, Di chỉ văn hóa Đông Sơn ở Phù Lưu. Bờ Nam có làng Cao Lao nổi tiếng với làng Văn Vật cùng với làng Lý Hòa và Quy Đức tạo nên “Tam danh hương” cái xương sống của con chim văn hóa Quảng Bình  để từ đây  nâng hai cánh chim văn hóa Bát danh hương “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim” cất cánh bay cao, bay xa trên bầu trời văn hóa, văn minh dân tộc Việt. Về với Sông Gianh hôm nay ta về với Cầu Gianh, một cây cầu Bê tông cốt thép do chính tay người Việt Nam xây dựng nên, nối liền đôi bờ Sông Gianh một thời “qua sông phải lụy phà”. Về với Sông Gianh hôm nay ta về thăm lại những vùng đất một thời vang dội những chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ về với chiến công của trận đánh ở Phú Trịch, của trận đầu đánh thắng máy bay Mỹ ngày 5/8/1964. Đặc biệt về thăm lại Cảng cá Sông Gianh nơi khởi nguồn của đường Hồ Chí Minh trên biển năm 1960, nơi tập kết, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào chiến trường miền Nam trong những năm 1969 và 1971 khi Đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc. Ngược về đầu nguồn Sông Son chi lưu của Sông Gianh ta đến với Bến mới Liên Trạch, về với làng chiến đấu Cự Nẫm của thời chống Pháp, về với Khương Hà, Phà Xuân Sơn, Đường 20 Quyết thắng  và Di sản thiên nhiên thế giới vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng… Sông Gianh và những vùng đất dọc Sông Gianh đến đâu, ở đâu cảnh trí thiên nhiên, làng mạc, cuộc sống lao động của người dân đều dể lại cho ta một nổi niềm da diết,  muốn đến mà không muốn về, muốn ở mà không muốn đi, đi rồi lại muốn quay trở lại để được nhìn, được thấy, được tận hưởng cuộc sống thanh bình đầy thơ mộng và không ít dữ dội của những gì quá khứ và hiện tại đang hòa quyện hiện hữu hàng ngày trước mắt ta.
          Sông Gianh, mời bạn hãy ghé thăm, làm một chuyến du ngoạn bằng con đò nhỏ đi suốt một dọc từ cửa biển lên tận đầu nguồn sông Son để tìm hiểu thêm con sông đầy thơ mộng, đầy dấu tích của một thời ly – hợp, một thời của những chiến công vang dội đánh Pháp, đánh Mỹ vì độc lập tự do.

BỐ TRẠCH MIỀN DI SẢN

Không có nhận xét nào: