"Nói xấu đồng nghiệp"

lyhoa
H. Minh họa
"Phạm trù “nói xấu đồng nghiệp” là như thế nào, định nghĩa như thế nào là nói xấu đồng nghiệp. Khi chúng ta chưa biết định nghĩa thế nào là đúng thì chúng ta đừng vội gán cho người nào đó vào cái tội nói xấu đồng nghiệp. Bạn có từng nói xấu đồng nghiệp chưa?"

Nói cái này ra đây để bàn luận, để thảo luận chứ không phải để cãi lộn. Vì bàn luận là ta tìm ra cái gì đúng cái gì sai, còn cãi lộn là chứng minh ai đúng ai sai, hoàn toàn không phải vậy.
Khi một ai đó bị gán cho cái tội “nói xấu đồng nghiệp” là rất nghiêm trọng, nhất là trong ngành y vì lẽ thường tình nói xấu người khác thì đã là xấu rồi huống chi chúng ta là người trong ngành y, người làm nghề cứu người khác mà lại đi nói xấu người đồng nghiệp mình, người cũng đang đi cứu người khác.
Tuy nhiên, các bạn làm trong ngành y chắc chắn ai cũng đã từng, không ít thì nhiều phạm cái lỗi này, hoặc chứng kiến người khác phạm cái lỗi này.
Nhưng, các bạn, các bác sĩ điều dưỡng hay những ai làm trong ngành y tế mà chưa đã từng thấy đồng nghiệp của mình hại bệnh nhân không. Nếu giả sử các bạn sắp chứng kiến một đồng nghiệp của các bạn sắp sửa hại bệnh nhân thì bạn sẽ làm gì. Nhận định một đồng nghiệp làm sai (có thể người khác không thấy sai), đó là nhận định từ trong lương tâm của các bạn, cái đó tùy thuộc vào trình độ nhận thức, vào giáo dục mà bạn được thụ hưởng như thế nào nữa.
Ở một nơi được giáo dục đàng hoàng, quan minh chính trực, con người tôn trọng nhau và đối tượng mà bạn đang quan tâm đó là con người đàng hoàng, có thể người ta làm sai mà không biết làm sai, bạn có thể gặp riêng và góp ý, chắc chắc người bạn ấy sẽ cám ơn bạn lắm, có thể xem bạn là thầy.
Ngược lại, ở một nơi được giáo dục tệ hại, con người sống không còn lý lẽ nữa, mạnh được yếu thua, chà đạp lên nhau mà sống thì các bạn có thể chọn cách trên được không. Chắc chắn là không được rồi, nếu bạn chọn cách trên, chắc một điều là người kia sẽ xem bạn là kẻ thù, kẻ thù không đội trời chung, sẽ có dịp trả thù trong tương lai. Các bạn có nên chọn cách nguy hiểm này không.
Facebook đến với tất cả chúng ta, facebook không mời ai trong bất kỳ chúng ta sử dụng. Thật sự chúng ta, không ai có thể định nghĩa một cách trọn vẹn đầy đủ ý nghĩa hết, tại sao chúng ta sử dụng fb, fb sử dụng cho việc gì đúng, việc gì sai. Tóm lại, không ai có thể nói anh sử dụng fb như vậy là sai, như tôi nè mới là đúng. Trong tay mỗi người fb có muôn hình muôn vẻ, hay fb chỉ là phương tiện.
Chuẩn mực đạo đức của xã hội rất thay đổi và được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau, trong đó có chuẩn mực đạo đức của người hành nghề y tế. Một người tốt, một người có đạo đức là như thế nào? Theo Immanuel Kant, đó là người hành động dựa trên, hay xuất phát từ một động cơ tốt, ý tốt (good will). Trong một xã hội có luật pháp, thì người đó phải hành động sao cho phù hợp với pháp luật nữa. Nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Trường Tộ có nói “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa”
Trở lại về vấn đề là chúng ta khi thấy một đồng nghiệp sắp làm điều gì đó xấu cho bệnh nhân thì chúng ta làm gì. Khi nhận định là gặp người đó để khuyên thì không thể được thì bạn chọn con đường im lặng chăng? Chắc chắn cũng không thể được vì chúng ta có thể là con người bất nhân, và hơn nữa người bị hại (theo nhận định của chúng ta) cũng là con người. Khi bức xúc, khi bực mình quá, trong thời đại của mạng xã hội, bạn phải nói lên, lúc đó fb là một lựa chọn.
Chọn fb là vì vậy, cũng vì để thông tin cho người đó biết là người ấy làm vậy là sai, làm vậy không phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung, nhiều người lên án hy vọng người ta sẽ không dám tái phạm trong tương lai, và cũng để nhắc nhở là tất cả hành động của chúng ta bị giám sát hết. Trong tôn giáo, người ta nói Chúa có thể thấy tất cả hành động của chúng ta, Chúa có mặt khắp nơi, lúc đó người ta sẽ sợ, còn người không tin thì lấy cái gì làm họ sợ họ dừng lại đây, khi họ nghĩ là không ai có thể thấy, có thể biết những gì họ sắp làm?
Nói bóng nói gió là đặc điểm của fb, ai bức xúc điều gì là lên fb nói bóng nói gió. Thì người nào phạm cái lỗi bóng gió đó tự nhiên sẽ giật mình, còn nếu không thì thôi. Mục đích là để giật mình, chúng ta không ai yên thân nếu chúng ta làm bậy, cái đó có ý nghĩa tích cực của nó. Không ai lớn ai nhỏ gì hết, ai cũng chịu một sự chi phối tinh thần nói chung dựa theo những chuẩn mực đạo đức chung, theo luật tự nhiên, nếu nhỏ mà nói đúng thì tốt, còn lớn mà nói sai thì cũng không được. Cho nên dù ai có địa vị chức vụ, trong xã hội nào như thế nào đi nữa cũng bị bình luận, cũng bị soi hết, điều đó vô cùng tích cực.
Nói bóng gió thì không thể nêu tên được. Chúng ta thấy rất nhiều stt nói bóng gió, đó là sự phản kháng. Không nêu tên đối tượng được vì điều đó sẽ dẫn người viết đến những rắc rối pháp lý, mà pháp lý thì cũng chưa chắc đứng về phía người tốt. Người viết fb không muốn đi xa hơn, người ta chỉ muốn người phạm tội (theo sự phán xét của lương tâm người viết fb) dừng lại mà thôi.
Một khi đã chọn con đường, tức thì nói, hoặc thấy sai thì nói lên. Phần lớn không ai đợi mình hoàn hảo, hay là người không phạm lỗi lầm, chúng ta không ai tu tập để thành chánh quả rồi mới phê phán hành động sai trái của người khác hết.
Phạm trù “nói xấu đồng nghiệp” là như thế nào, định nghĩa như thế nào là nói xấu đồng nghiệp. Khi chúng ta chưa biết định nghĩa thế nào là đúng thì chúng ta đừng vội gán cho người nào đó vào cái tội nói xấu đồng nghiệp. Bạn có từng nói xấu đồng nghiệp chưa?
Khi phê phán, không nêu tên “người phạm tội”, là người phê phán đó người ta chỉ phê phán hành động xấu, chứ chưa hẵn người ta đang phán xét một con người. Vì vậy, nếu ta “phán” một đồng nghiệp nào đó phạm tội “nói xấu đồng nghiệp” biết đâu ta cũng đang phạm tội “bêu xấu đồng nghiệp” nữa đó.
p/s : nói lại một lần nữa, là stt này để bàn luận chứ về vấn đề xã hội và nghề nghiệp, không liên quan gì đến bệnh viện tôi đang công tác.

Không có nhận xét nào: