LÀNG LÝ HÒA

Trên đường thiên lý Bắc – Nam, qua cầu Gianh chừng 13 km về phía Nam bạn sẽ bắt gặp một làng quê xinh xắn nằm ở phía Đông ven dòng sông Lý thơ mộng hiền hòa mang dáng dấp của thời kỳ đô thị hóa, đó là xã Hải Trạch – Huyện Bố Trạch – Tỉnh Quảng Bình, khách thập phương quen gọi với cái tên cổ xưa và quen thuộc: làng Lý Hòa.



Vào đầu thế kỷ 18, khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn lên đến đỉnh điểm, đẩy đất nước vào cảnh chia cắt, đầy máu lửa và đau thương, huynh đệ tương tàn, bà Huyện Thanh Quan đã diễn tả nỗi lòng của mình cũng chính là nỗi lòng của người dân lúc bấy giờ khi bước tới Đèo Ngang với nỗi niềm nặng trĩu, thương cảm, xót xa trước cảnh trời mây non nước đẹp tựa bức tranh: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông rợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta.”

Đất Lý hòa thuộc châu nam Bố Chính. Theo thần phả và các gia phả các dòng họ của làng ghi lại và còn lưu giữ thì cách đây gần 400 năm, do thời điểm lịch sử lúc bấy giờ một số dòng họ cư dân của làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh theo đường biển di cư vào phía Nam để tìm vùng đất mới lập nghiệp. Khi đi qua cửa Gianh chừng 2 hải lý, thấy dảy núi lan xuống biển và phía dưới là một cửa sông, giữa khoảng núi và cửa sông có một dải cát dài bằng phẳng. Với một cảm nhận tốt lành và tầm nhìn xa trông rộng về một địa hình thuận lợi để làm nghề đánh bắt hải sản, họ đã vào mảnh đất này lập cư. Buổi đầu định cư ở bờ Nam sông, họ tự đặt tên là làng Cô. Nhưng sau thấy bờ Bắc có nhiều lợi thế cho việc phát triển lâu dài nên đã dời qua bờ Bắc lập làng định cư xây dựng quê hương mới. Và đất đã không phụ người, ôm ấp chở che cho họ. Với điều kiện mưa thuận gió hòa, vùng biển lại lắm cá nhiều tôm nên cuộc sống dần dà ổn định giữa khói lửa chiến tranh của thời kỳ Trịnh – Nguyễn. Sau một thời gian thấy vùng đất mới yên lành dễ bề kiếm sống, đất lành chim đậu, những người vào trước đã cho người trở về lại quê cũ Cương Gián vận động bà con, con cháu vào vùng đất này sinh sống. Đến năm 1775 “dân đinh lên tới nghìn người”. Cái tên làng Cô đã trở thành làng Thuận Cô, vì cư dân sống không cô quạnh nữa mà ngày càng đoàn kết, thương yêu, hòa thuận với nhau. Và tiếp sau thời kỳ đó, cùng với sự phát triển của làng cái tên Lý Ninh rồi Lý Hòa xuất hiện cho đến bây giờ.

Trở về với lịch sử trước khi cư dân làng Cương Gián đến định cư vùng đất này thì nơi đây đã từng ghi nhiều dấu ấn về những cuộc chiến giữa quân Đại Việt với quân Chiêm Thành trong cuộc mở mang và khẳng định lãnh thổ của nước Đại Việt về phía Nam, đã từng in dấu chân của Đại tướng quân Lý Thường Kiệt năm 1075. Điển hình là những trận đánh lừng danh vào năm 1361, vua Trần Dụ Tông đã đưa thủy quân từ Bắc vào cùng với cư dân địa phương dàn trận tại cửa biển Dỹ Lý (tức là cửa biển Lý Hòa ngày nay) đánh tan quân Chiêm, bảo vệ biên cương phía Nam của nước Đại Việt. Trong cuộc chiến tương tàn giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn, mỗi lần đưa quân ra Bắc đánh Trịnh các Chúa Nguyễn đều lấy làng Lý Ninh (Bắc sông Thuận Cô) làm nơi đặt đại bản doanh bộ chỉ huy tiền phương, nơi tập kết quân lương và nơi đồn trú của quân thủy để đánh Trịnh. Những dấu ấn lịch sử và cảnh vật xứ sở nơi này đã được vua Lê Thánh Tông khắc bia ghi nhận vào năm 1470 khi tuần thú đến đây, và năm 1842 vua Thiệu Trị trên đường Bắc tuần đã khắc ghi vào đá trên đỉnh đèo Lý Hòa.

 Lý Hòa ở vào thế “thượng sơn, hạ thủy”, “núi giăng một phia biển vây ba bề”. Qua bản đồ hay từ trên cao nhìn xuống, làng Lý Hòa từ như một con rồng lớn đang quẩy mình bay lượn trên một hồ nước lớn. Đầu rồng là đèo Lý Hòa mặt nhìn ra biển Đông, miệng rồng há to với hai hàm răng sắc nhọn đó là bãi đá Nhảy và đá Giếng. Thân rồng là “khoảng đất bình sa” kéo dài từ chân núi Lệ Đệ đến cửa sông Lý hòa với nhiều khúc lượn quanh co, nơi nổi cao của thân rồng là hòn đá Bụt. Đuôi rồng trải dài về hướng Đông Nam và xòe ra ở bãi đá cuối cửa sông. Cách đây trên trăm năm, cụ Tam nguyên yên đỗ Nguyễn Khuyến, nhìn trời, non, nước đã ngẫu hứng làm một bài thơ nổi tiếng khi “qua Lý Hòa”: “Núi non chững lại dứt đầm ao/ Vời vợi trong xanh ngắt một màu/ Trên dưới nước liền trời biếc biếc/ Đêm ngày bờ gọi sóng xôn xao/ Nom như mảnh lá con thuyền đó/ Trong dứt làn mây xứ sở nào/ Có ai đấy cũng như ta vậy/ Cũng mỗi phương trời mỗi bãi lau”.

Làng Lý Hòa có diện tích tự nhiên khoảng 126 ha với 2 vùng địa hình có liên quan đến nhau trong một hình thể địa lý hoàn chỉnh. Vùng đồi núi ở phía Bắc còn gọi là Đèo Lý Hòa chiếm khoảng 2/3 diện tích tự nhiên. Đèo Lý Hòa là điểm cuối cùng của dãy núi Lệ Đệ xuất phát từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đâm ra biển cắt ngang địa hình làng Lý Hòa. Trong cuốn Phủ biên tạp lục, nhà bác học – sử học Lê Quý Đôn chép năm 1776: “núi Lệ Đệ trên tự đầu nguồn, dưới đến bờ biển dẫu không cao lắm nhưng liên tục hơn trăm ngọn chắn ngang đường vào Thuận Hóa”. Dưới chân đèo Lý Hòa nơi núi liền với biển mọc lởm chởm vô vàn những hòn đá to nhỏ, cao thấp trăm hình kỳ thú đó chính là Đá Nhảy. Tùy theo hình thù của từng hòn đá mà người ta đặt tên riêng cho nó như: Hòn Mâm Xôi, hòn Ông Tượng, hòn Tiều Phu... Mỗi lần sóng biển vỗ bờ bọt tung trắng xóa, đá tảng, đá hòn trong tựa như những con cóc nhảy chồm chồm trên sóng nước, phải chăng vì vậy mà cái tên Đá Nhảy ra đời để mô tả một nét riêng của cảnh sắc thiên nhiên nơi này. Đứng trên đèo Lý Hòa, bên những hàng thông mới đang độ mượt xanh phóng tầm mắt nhìn ra khơi xa ta như càng thấy yêu mến thêm non sông gấm vóc. Cát trắng, dương xanh, núi cao, biển rộng tất cả như hòa làm một trong một bức tranh nhiều màu sắc, hữu tình non nước. Bãi biển Đá Nhảy vẫn mang vẻ hoang sơ là một nơi du lịch, nghỉ ngơi và tắm biển thuận tiện và lý thú. Du khách sẽ tìm thấy niềm vui và biết bao điều bổ ích trong những cuộc leo núi, những buổi dạo chơi giữa rừng dương và đặc biệt là được tắm mình thỏa thích trong một vùng biển sạch sẽ và êm sóng. Sẽ càng thú vị biết bao khi được đùa vui trên những hòn “Đá Nhảy”, ngầu tung bọt sóng. Đã có nhiều vần thơ đẹp viết về cảnh sắc nơi này: “Đá chẳng nhảy đâu đá chỉ ngồi/ Sóng lô xô, vỗ hồi vô tận/ Trưa nắng đỏ lưng đèo hoa mận/ Chiều ân tình tím ngắt hoàng hôn”. Đèo Lý Hòa cùng với khu danh thắng Đá Nhảy đã được Bộ VH-TT xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia trên đất Quảng Bình năm 1992.

Làng Lý Hòa có bờ biển dài 5 km, thuộc biển Bãi Ngang nằm giữa hai cửa sông lớn, sông Gianh và sông Lý Hòa. Khác với bờ biển trong Nam ngoài Bắc có độ dốc cao và nước đục phù sa, bờ biển nơi đây thoai thoải, cách chân sóng 100m nhưng mực nước chỉ ngang đến ngực, làn nước trong veo nhìn thấy tận cát vàng dưới đáy. Với nguồn nước do hai sông đổ về, hàng năm biển ở đây đón nhận một khối lượng lớn phù du, đó là nguồn thức ăn vô tận cho các loại hải sản, mặt khác do có đèo Lý Hòa ăn lan ra biển đã tạo nên những bãi đá ngầm mà dân vùng này gọi là Rạn, đây là nơi sinh sống trú ngụ của hàng trăm loài cá, tôm, mực, ốc, ghẹ. Các loại hải sản ở vùng biển này ngon nổi tiếng trong vùng. Bãi biển Lý Hòa bằng phẳng, nguyên sơ, sạch sẽ. Ngày cát vàng óng ả dưới cái nắng hè gay gắt, đêm chấp chới lân tinh mưa rét mùa đông. Ngày nay đường kè biển bê tông vững chãi chạy dài dọc bãi biển để chắn sóng dữ. Ven đường là những cây bàng lá xanh tươi, cành lá xum xuê che chắn giông bão và tỏa mát cả một vùng. Những cột đèn cao áp sừng sững đối mặt với gió biển đêm đêm tỏa sáng cùng với hàng trăm ánh đèn đánh cá ven biển tưởng chừng biển và bờ chẳng còn khoảng cách.
Sông Lý Hòa là một trong năm con sông lớn của Quảng Bình dài khoảng 25 km, bắt nguồn từ đông Trường Sơn chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đi qua các làng Vạn Lộc, Hoàn Phúc, Hiền Sơn, Mai Hồng và Lý Hòa trước khi đổ ra biển. Sông Lý Hòa ngắn và hẹp lại có độ dốc nên mùa mưa bão có dòng chảy lớn, mùa khô lại có độ mặn cao. Nhìn về tổng thể, Lý Hòa là một con sông đẹp. Vào mùa trời yên biển lặng dòng sông yên ả, hiền hòa, trong xanh như một dải lụa lững lờ chảy ra biển. Cùng với kè biển, kè sông đã được xây dựng hiện đại che chắn, bảo vệ cho làng khi những con lũ tràn về. Đêm đến ánh điện ven bờ kè phản chiều xuống dòng sông tạo nên những sắc màu lung linh. Cùng với biển, sông Lý Hòa có nhiều loại tôm, cua, cá, tuy số số loài và sản lượng không lớn nhưng cùng là nơi cung cấp nguồn hải sản đáng kể cho cuộc sông dân cư trong vùng. Cửa sông Lý hòa trước đây đã từng chứng kiến nhiều trận chiến ác liệt, ngày nay đã trở thành một cửa sông êm ả thanh bình, ngày đêm đón hàng trăm lượt thuyền cá vào cập bến. Và cửa sông này đã một thời gắn với những câu ca sâu lắng nặng nghĩa vẹn tình: “Ai về Đồng Hới Lý Hòa/ Buồm giông đôi ngọn thương đà nên thương”.

Đối với làng Lý Hòa văn hóa tâm linh đến từ rất sớm. Làng có một hệ thống đình chùa miếu vụ thờ linh thần và nhân thần với 32 ngôi đền, miếu khắp nơi trong địa phận làng quản lý. Trải qua thời gian và biến động của lịch sử, hệ thống đền miếu bị hủy hoại tàn phá, nhưng những vết tích ngày nay đang còn hiển diện ở khắp làng. Điển hình trong hệ thống các công trình văn hóa tâm linh này là đình Lý Hòa và chúa Phật Vĩnh Phước (chùa Lý Hòa).
Đình Lý Hòa được xây dựng vào năm 1737, tọa lạc trên một vùng đất cao ngay giữa trung tâm của làng với một địa thế thoáng mát, hướng mặt ra sông Lý Hòa. Mới đầu đình chỉ có bốn trụ bằng lim, hàng năm khi tế lễ nhân dân mới dựng lên lợp tranh, khi tế lễ xong lại hạ xuống xếp lại. Những năm 1804 – 1808 khi hội đồng hương lý vững mạnh, thì nhân dân quyên góp để làm đình, mái đình được lợp bằng ngói vảy, phần hậu chẩn chỉ để giữ thờ. Sau đó dựng thêm đình trung. Năm 1824 đình được xây dựng thêm, đến năm 1941 đình được trùng tu lại. Nơi đây là một trung tâm chính trị, văn hóa của làng dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn. Đình nằm trong khuôn viên rộng trên 1000m2 được phân thành hai sân: thượng và hạ, đình năm ở sân thượng được xây dựng theo lối chữ đinh gồm có 3 đình: hạ, trung và thượng tạo thành một khối vững chắc. Đình làng thờ Thành Hoàng vị thần bổn mạng cho cả làng và thờ tiên tổ của 12 dòng họ nay đã phát triển thành 24 dòng họ. Việc sắp xếp bố trí thờ phụng trong đình uy nghiêm tôn kính, với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng, trong đó nổi bật các câu đối thể hiện truyền thống mọi mặt của làng Lý Hòa mà tổ tiên, các vị tiền bối đúc kết: “Lý hữu đa nhân địa linh sinh nhơn kiệt – Hòa vi đại quý hiện sống đất anh tài”, “Tổ tiên thảo hiền quy lộc con cháu vui tổ ấm – Lý Hòa hiền từ đức độ vinh hiển giống rồng tiên”. Việc tế lễ tại đình diễn ra quanh năm, trong đó có hai lễ chính đó là lễ Xuân Thủ, khai xuân vào rằm tháng giêng và lễ Đại Trường Câu, đây là lễ cầu mùa tổ chức vào ngày rằm tháng 6 AL. Ngoài ra tại đình 6 năm một lẩn tổ chức một lễ lớn long trọng đó là lễ Thành Hoàng. Câu ca xưa vẫn vọng mãi đến ngày nay: “Sáu năm một lễ thành hoàng/ Đi đâu cũng nhớ về làng mà ăn”. Đình Lý Hòa có giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, không những là nơi thờ tự các vị tổ có công khai sáng làng mà còn là nơi thờ tự các bậc danh khoa góp phần vun đúc truyền thống của làng. Trước chiến tranh chống Mỹ đình bị tàn phá, hiện nay đã được trùng tu tôn tạo lại. Đình Lý Hòa là một công trình kiến trúc điển hình, là hình ảnh tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ truyền dân gian. Về những đồ án, họa tiết trang trí của đình được thể hiện rất công phu, bố cục chặt chẽ trọn vẹn, sự linh hoạt và thanh tú về đường nét. Đình Lý Hòa được Bộ VH-TT xếp hạng di tích lich sử văn hóa cấp quốc gia năm 199 . Ngày nay đình làng đã trở thành nơi họi họp nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã, nơi các thế hệ con cháu tìm hiểu quá khứ rực rỡ của tổ tiên, nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương làng xóm. Dù đi khắp đó đây hay đang xây dựng cuộc sống mới hôm nay ở địa phương thì mái đình, sân đình, cổng đình vẫn trở nên thân thiết, trở nên sâu đậm trong mỗi người dân Lý Hòa.

Chùa Phật Vĩnh Phước được xây dựng rất sớm, là nơi hướng thiện mang đậm nét văn hóa dân gian thể hiện đời sống tinh thần của dân làng Lý Hòa. Vĩnh Phước Tự được xây dựng năm Mậu Ngọ - 1738. Lúc đầu chùa được làm bằng gỗ lợp tranh khá đơn sơ. Đến năm Mậu Tuất – 1802 chùa được xây dựng lại bằng gạch, lợp ngói vảy, ba gian hai chái rất rộng, lớn nhất trong vùng. Năm 1941 thời Vua Bảo Đại chùa được trùng tu lại cùng với đình làng. Họa tiết đẹp đẽ khang trang và uy nghiêm. Qua đó có thể thấy tư tưởng Phật giáo đến với nhân dân Lý Hòa khá sớm. Trước đây khuôn viên chùa rộng trên 10.000m2. Phần nổi chùa rộng 2000m2 có thành bao quanh. Cổng chùa cao một cửa ra vào. Trên bình quan cổng có đắp ba chữ nổi “Vĩnh Phước Tự” bằng tiếng Phan Ấn Độ. Trước mặt chùa có ba đám ruộng rộng 5000m2 gọi là ruộng Tam Bảo. Phía sau chùa là khu Đại viên rộng trên 2000m2 trồng nhiều loại cây ăn quả và hoa phượng Phật, hoa hồng. Bên phải về phía Tây chùa có Hồ Sen rộng chừng 1000m2. Bên trái về phía Động chùa có một giếng hình vuông xây bằng đá đẽo thành phiến do người Chăm xây dựng có lich sử trên 8000 năm. Đây là cổ vật lộ thiên quý giá hiếm có. Từ lâu đời nhân dân thường gọi là giếng Chùa. Sự bài trí thờ phụng trong Chùa theo Phật diễn. Các tượng Phật đặt ở các vị trí theo thứ tự chặt chẽ tôn ngiêm. Chùa có một chuông đồng thau nặng 300 Kg (dân thường gọi là boong) được đúc vào năm Kỷ Mão – 1819. Chuông có ghi nhiều sự tích về chùa và ghi danh các phật tử, người đóng góp tiền của đúc chuông. Chuông này là một vật cổ có giá trị lich sử lâu đời sẽ được lưu giữ bảo tồn cùng với giếng chùa tại khuôn viên chùa.
Chùa Phật Vĩnh Phước là nơi dân làng Lý Hòa và các nơi trong vùng đến thắp hương niệm Phật hướng thiện thường xuyên và các ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng. Đặc biệt vào các ngày đại lễ Phật Đản 15/4 AL và ngày rằm tháng 7. Đây là các ngày lễ hội Phật Giáo lớn hàng năm của Chùa. Cứ sau 3 năm Chùa tổ chức lễ cầu siêu một lần. Chùa phật Vĩnh Phước làm công trình văn hóa dân gian, không có tổ chức Phật Tử như ở nơi khác. Vĩnh Phước Tự là một công trình kiến trúc được xây dựng từ nhà Lê, trùng tu thời nhà Nguyễn. Năm 1962 UB hành chính tỉnh Quảng Bình công nhận Vĩnh Phước Tự là di tích văn hóa kiến trúc. Năm 1965 Chùa bị chiến tranh làm hư hỏng nặng chỉ còn lại cổng chùa. Sau chiến tranh đất chùa, ruộng chùa, dân chiếm làm nhà ở. Chùa bị hoang phế một thời gian dài, nhân dân đau lòng nuối tiếc. May thay có vợ chồng ông, bà Phan Hải – Phạm Thị Dung đang cư trú làm ăn tại TP HCM là hai người con tâm huyết của làng đã và đang đầu tư nhiều chục tỷ đồng xây dựng cho làng nhiều công trình dân sinh và tâm linh. Cuối năm 2011 ông, bà đã tiến hành xây dựng lại Chùa trong khuôn viên đất Chùa còn lại 1400m2, với mong muốn để nhân dân quê hương Lý Hòa có nơi hướng thiện. Kiến trúc Chùa sẽ có phần thay đổi khác với Chùa xưa, hiện đại uy nghi, cao ráo thoáng đãng, cây xanh to cao phủ kín quanh sân Chùa. Dự kiến cuối năm 2013 Vĩnh Phước Tự sẽ được khánh thành. Dù diện tích khuôn viên Chùa có bị thu hẹp so với ban đầu nhưng điều quan trọng nhất là: triết lý đạo Phật của Chùa Vĩnh Phước mới ngày nay không thay đổi, thỏa mãn tâm nguyện của người dân Lý Hòa và các nơi lân cận trong vùng. Từ đây nhân dân Lý Hòa lại có Chùa để niệm Phật hướng thiện. Chùa Phật Vĩnh Phước trở thành nhân tố không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Lý Hòa hiền từ đức độ từ lâu đời.
Đình Lý Hòa và Chùa Phật Vĩnh Phước là hai công trình văn hóa tâm linh tiêu biểu của làng Lý Hòa, là nơi hội tụ hai chữ Tâm Linh. Theo các vị nho sỹ uyên bác của làng truyền lại: Tâm là Phật, Linh là Thần. Dân làng ví hai nơi này như hai con mắt của làng. Chùa Phật Vĩnh Phước là con mắt Phật biểu thị sự hướng thiện, hiền từ, đức độ của người dân Lý Hòa. Đình làng là mắt Thần biểu thị cho ý chí vươn lên của người Lý Hòa trong những cuộc chống chọi với thiên nhiên và kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây dựng quê hương sinh tồn hưng thịnh. Mắt Phật và mắt Thần phải trong sáng thì mới phát tích cho làng Lý Hòa về kinh tế cũng như về khoa bảng học vấn.
Làng Lý Hòa từ buổi sơ khai đến nay, sống chủ yếu dựa vào nghề đi biển và nghề buôn bán. Với một vùng biển có nhiều thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản, cộng với truyền thống và những kinh nghiệm quý của miền đất tổ Cương Gián, nghề biển ngay từ khi lập làng đã được củng cố và phát triển theo thời gian. Các nghề đánh bắt truyền thống, thủ công như: nghề câu, lưới rút, lưới tủ, lưới đèn... đã tỏ ra phù hợp với địa hình biển Lý Hòa và đưa lại nhiều hiệu quả. Trong mấy chục năm lại đây, làng biển Lý Hòa đã hòa nhập và tiếp thu nhanh chóng những phương thức, kỹ thuật đánh bắt hải sản tiên tiến hiện đại. Ngư dân đầu tư vốn đóng mới nhiều tàu thuyền với công suất lớn và trang bị các ngư cụ, thiết bị đánh bắt hiện đại vươn ra khơi xa, đến các vùng biển dọc miền Trung, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản. Vì vậy sản lượng khai thác ngày càng tăng. Mỗi năm ngư dân làng Lý Hòa đánh bắt được hàng nghìn tấn cá, mực, tôm, trong đó có 2/3 sản lượng dành cho xuất khẩu. Nghề đánh bắt hải sản phát triển giúp người dân Lý Hòa vừa giữ được nghề truyền thống của ông cha để lại, vừa góp phần quan trọng ổn định phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống ngư dân.
Nghề chế biến hải sản có từ lâu đời gắn liền với nghề đánh bắt hải sản. Từ các loại hải sản, với kinh nghiệm, sức sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lý Hòa đã chế biến ra nhiều sản phẩm biển có giá trị cao. Mắm ruốc, mắm chợp, nước mắm của người Lý Hòa mang màu sắc và hương vị riêng có, hấp dẫn. Đặc biệt nước mắm được chế biến từ cá nục, cá cơm là đặc sản nổi tiếng thơm ngon. Nhân dân trong vùng còn lưu truyền câu ca: “Cá Nhân Trạch béo tròn kho với nước mắm ngon của Lý Hòa thơm ngọt”. Người Lý Hòa chế biến ra những loại sản phẩm này vừa phục vụ cuộc sống hàng ngày, dự trữ khi mùa mưa bão đến vừa làm hàng hóa trao đổi và làm quà tặng người thân.
Ở làng Lý Hòa, nghề làm muối cũng đã từng một thời phát triển. Lợi thế gần cửa sông Lý Hòa với độ mặn phù hợp, người làng Lý Hòa đã tạo ra những cánh đồng muối trên đất Hiền Sơn sát với sông Lý Hòa. Trước cuộc chiến tranh chống Mỹ vào những ngày hè trên những cánh đồng muối không khí lao động tấp nập, bận bịu nhưng rất vui vẻ của những cô gái tuổi mười tám hai mươi. Vất vả là vậy, mệt nhọc là vậy nhưng những câu hò vẫn vang lên phơi phới: “Ai về đồng muối Hiền Sơn/ Sông xanh, đồng trắng, lòng son em chờ”. Hiện nay nghề làm muối ở làng Lý Hòa không còn nữa, nhưng đã một thời những hạt muối trắng phau óng ả lấp lánh mồ hôi đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở đây và phục vụ cho nghề chế biến hải sản trong vùng.
Đi cùng với các nghề trên, các nghề khác như đóng tàu thuyền; quay tơ đan lưới; làm bánh đa, bánh bèo; dệt thảm từ nguyên liệu cây đay, cây muồng cũng đã một thời tồn tại hình thành một làng nghề đa dạng phong phú tạo thu nhập cho người dân Lý Hòa. Những tấm thảm muồng, thảm đay xinh xắn với những nét in hoa công phu đẹp mắt của Lý Hòa trong một thời gian dài đã có mặt tại các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Đặc biệt nghề đóng tàu thuyền phát triển mạnh, từ lâu đã nổi tiếng trong các làng biển của tỉnh Quảng Bình. Người thợ thuyền Lý Hòa ngày trước đã đóng được các loại thuyền dùng để đánh bắt hải sản gần bờ và những chiếc ghe bầu có trọng tải từ 30 đến dưới 100 tấn để chuyên chở hàng hóa. Ngày nay người thợ Lý Hòa đóng được cả tàu vận tải, tàu đánh cá bằng gỗ trọng tải trên 100 tấn, lắp máy công suất lớn, ra khơi xa dài ngày. Với nghề này đã tạo ra cho các nghề đánh bắt hải sản, vận tải, buôn bán bằng đường thủy của Lý Hòa phát triển mạnh, đưa về nhiều nguồn lợi lớn.

Nghề buôn bán là một trong những nghề có lâu đời nhất ở làng Lý Hòa, gắn liền với cuộc sống của cả cộng đồng và ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân. Trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục năm 1776, Lê Quý Đôn viết “Thôn Lý Hòa Châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đẹ rũ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng. Dân cư ở ngay bãi trụng về phía Nam, bên tả ngạn ôm lấy sông Thuận Cô, từ bên hữu ngạn chạy lại làm án cho nên dân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người, tục quen buôn bán, thời bình vào Gia Định đóng thuyền nan hơn trăm chiếc đem về bán”. Từ cuối thế kỷ 18, Lý Hòa đã có nhiều ghe bầu trọng tải 30, 40 tấn vào Sài Gòn, Gia Định rồi ra Hải Phòng, Nam Định mua bán trao đổi hàng hóa giao thương trong vùng. Với tính năng động nhạy bén, người Lý Hòa đã biết tận dụng điều kiện thuận lợi ở một vùng quê có nhiều tuyến giao thông quan trọng để phát triển thương mại, tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng để tạo ra những loại hình buôn bán kinh doanh có lãi. Đối với phụ nữ Lý Hòa, nghề buôn bán có thể được xem là nghề gia truyền. Ngày trước do phương tiện vận chuyển cơ giới chưa có, với đôi chân dẻo dai và đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, các bà các chị có mặt khắp vùng, buôn làng sang chợ, từ các vùng thôn quê Hoàn Phúc, Sao Sa, Phú Hữu lên đến các miền sơn cước rẻo cao như Xuân Sơn, Troóc, Quy Đạt để bán những sản phẩm hải sản và buôn về những sản phẩm nông, lâm nghiệp. Từ sau ngày thống nhất đất nước, người Lý Hòa tập trung khai thác tuyến đường QL 1A để buôn bán làm giàu. Nhiều gia đình đầu tư hàng chục tỷ đồng mua xe tải, xe khách ra Bắc, vô Nam mua bán, vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, nhiều chủng loại. Còn nhớ vào những năm của thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20, lương thực ở Quảng Bình khan hiếm, trong điều kiện cơ chế bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhưng người Lý Hòa đã tìm cách mua hàng nghìn tấn gạo từ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long để đưa về góp phần ổn định thị trường lương thực. Thế mới biết tư duy kinh tế của người Lý Hòa, vừa mang đậm cốt cách, truyền thống vừa nhạy bén, năng động, bản lĩnh trong buôn bán kinh doanh. Những nhà nghiên cứu về Lý Hòa đều có chung một nhận định : phải chăng xuất phát từ nghề buôn bán người dân Lý Hòa đi đến các nơi để rồi cảm nhận, tiếp thu, học hỏi mang về quê một thứ tài sản vô giá đó là văn hóa, và từ nơi đây – làng Lý Hòa, văn hóa ấy lại lan tỏa, ảnh hưởng đến các địa phương khác trong vùng.

Chợ Lý Hòa là một trong những chợ được hình thành sớm nhất của tỉnh Quảng Bình. Ngày nay chợ họp ngày hai buổi, mùa nào thức ấy, trên bến dưới thuyền tấp nập kẻ bán người mua. Từ các loại hải sản biển tươi nguyên đến những sản phẩm nông nghiệp xanh sạch, từ những hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày đến các hàng hóa công nghệ cao, phong phú, đa dạng và chất lượng. Năm 2013 chợ Lý Hòa được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, quy mô, ngăn nắp, trật tự. Đình chợ rộng rãi hai tầng vững chãi màu vàng tươi rói soi bóng xuống dòng sông Lý trong xanh. Chợ Lý Hòa đã và đang là một trong những trung tâm thương mại của tỉnh Quảng Bình.
Học vấn khoa bảng ở làng Lý Hòa đã nổi danh từ lâu. Cuốn Phủ Biên Tạp Lục chép: “Lý Hòa là làng thương thuyền, giàu nhất nhì tỉnh Quảng Bình, làng ấy còn là làng văn vật”. Truyền thống hiếu học của làng Lý Hòa bao đời nay được các thế hệ cháu con gìn giữ và phát huy. Ngày trước để có người tuấn kiệt, anh tài làng lập miếu khai khoa và phát khoa. Vào đầu xuân năm mới, các cụ Đồ, các Nho sỹ của làng kéo về đây khai bút đầu xuân và bình thơ, đàm đạo chuyện văn, bàn về chuyện học mở đầu một năm học mới của con em trong làng. Đây một nét độc đáo của người Lý Hòa để giáo dục, truyền cảm con cháu noi gương cha anh trong việc học hành đã có từ xưa. Nổi lên truyền thống hiếu học đó có dòng họ Nguyễn Duy, liên tiếp trong nhiều đời con cháu đều đỗ đạt đại khoa. Sử sách của làng và gia phả dòng họ Nguyễn Duy còn ghi lại rõ nét: vào đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Duy, có cụ Nguyễn Duy Cần thi đậu Tiến sỹ năm 1842, người con thứ hai của cụ là Nguyễn Duy Miễn tư chất thông minh, đậu cử nhân năm 1870, cụ Miễn có năm người con trai trưởng thành đều đậu Phó bảng, Cử nhân, Tiến sỹ và các cháu của cụ sau này đầu đỗ đạt thành tài.
Đỗ đại khoa trong các triều đại vua Nguyễn, Bố Trạch có 8 vị thì ở Lý Hòa đã có 5 vị, đậu Cử nhân của huyện Bố Trạch có 25 vị thì làng Lý Hòa có 6 vị, đó là một trường hợp hiếm có trong vùng về học vấn khoa bảng lúc bấy giờ.
Phát huy truyền thống của làng học, làng khoa bảng, các thế hệ người Lý Hòa trong khó khăn gian khổ, trong mọi lúc mọi nơi vẫn miệt mài đèn sách để không hổ thẹn với tiên tổ ông cha, và rất nhiều người trong số họ đã thành danh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay làng Lý Hòa có nhiều người là PGS, Tiến sỹ, Thạc sỹ, hàng trăm người là bác sỹ, kỹ sư, cử nhân trên nhiều lĩnh vực, nhiều tướng lĩnh trong quân đội, nhiều người đứng đầu lãnh đạo của cấp Vụ, Cục TW, cấp tỉnh, cấp huyện. Hiện nay con em Lý Hòa vui chơi, rèn luyện, học tập ở tất cả 3 cấp học dưới những ngôi trường cao tầng hiện đại có đầy đủ trang thiết bị tốt phục vụ cho việc dạy và học, ngày đêm rèn đức luyện tài, thi đua dạy tốt học tốt nhưng vẫn không quên lời dặn của cổ nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn” để trở thành những công dân có ích cho xã hội và để xứng đáng là những người con của một làng quê văn vật.
Người Lý Hòa sống chủ yếu dựa vào nghề sông nước và buôn bán kinh doanh nhưng có một đời sống văn hóa phong phú đa dạng mang đậm sắc của một làng quê miền biển. Ở đây câu hò điệu ví vừa phảng phất sắc thái của vùng Nghệ Tĩnh vừa mang đậm nét của vùng Bình Trị Thiên. Trong những ngày Tết, lễ hội, các làn điệu dân ca như hò khoan, hò giã gạo, vè, chèo cạn của các bà, các chị cất lên say sưa, uyển chuyển, mềm mại trong những bộ trang phục màu sắc rực rỡ lộng lẫy. Các trò chơi dân gian như hát bài chòi, cờ tướng, kéo co, chơi ô, thả diều đã có từ lâu đời, trải qua năm tháng bị mai một nay được dần dần phục hồi lại. Đặc biệt là hội đua thuyền (hay gọi là bơi trải) thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán và Tết độc lập 2-9 ở sông Lý Hòa. Vào những ngày này làng Lý Hòa tưng bừng cờ sao, trống ếch rộn rã, dọc bờ sông Lý Hòa náo nhiệt. Những đội bơi vung chèo lướt nước mạnh mẽ giữa một rừng người reo hò cổ vũ. Hoạt động này có thể nói là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Lý Hòa đã có bao đời nay. Để giữ gìn và phát huy truyền thống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú của người xưa, hiện nay các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ phát triển đều khắp ở tất cả các thôn. Chiều về, thanh thiếu niên tụ tập chơi bóng đá ở sân vận động, bóng chuyền ở các sân bóng chuyền dọc bờ sông, bãi biển. Tối đến các Câu lạc bộ dưỡng sinh, văn nghệ của người cao tuổi, phụ nữ diễn ra rộn ràng đó đây, tạo một đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thân thể sôi nổi, hào hứng. Người Lý Hòa có giọng nói nằng nặng bởi nắng gió khắc nghiệt miền Trung nhưng chăm lam chăm làm, chịu thương chịu khó, biết chắt chiu dành dụm, dù đi đâu và làm gì cũng luôn hướng về quê hương, lo lắng khi quê hương biến động, mừng vui khi quê hương đổi thay. Tính cách người Lý Hòa xởi lởi, thương người, mến khách. Biển, núi, sông ở xứ sở này đã tạo nên cốt cách, phong cách, cách, nhân cách của con người Lý Hòa và cũng từ nơi đây đã ra đời ra hai tiếng Lý Hòa đầy ý nghĩa: “Lý mà thuận bởi lý tình lý nghĩa/ Hòa có lý bởi hợp ý mọi người”.
Trong hơn một thập niên lại đây, có thể nói có một sự kiện, một dấu ấn khắc vào tâm trí của người Lý Hòa, đó là hình ảnh của ông bà Phan Hải – Phạm Thị Dung, quê ở Lý Hòa hiện đang cư trú và làm ăn tại TP HCM, dân làng Lý Hòa gọi ông bà bằng cái tên quý mến và kính trọng: Người con ưu tú của quê hương. Tình cảm, công sức, tiền của của gia đình ông đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của làng Lý Hòa. Thương quê, mến người, yêu cảnh ông bà đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng để xây dựng một loạt công trình dân sinh, văn hóa tâm linh bề thế, hiện đại, mang nét kiến trúc độc đáo chỉ có ở làng Lý Hòa. Từ khu Sản – Nhi, những ngôi trường của 3 cấp học đến tượng đài ghi công các anh hùng liệt sỹ của làng, và hiện nay là ngôi chùa Phật Vĩnh Phước uy nghiêm đang chuẩn bị khánh thành. Trong tương lai gần một công viên rộng rãi thoáng mát với một biểu tượng đồ sộ ý nghĩa – điểm nhấn của làng Lý Hòa, nằm bên bờ sông Lý sẽ được khởi công và đưa vào sử dụng trong những năm tới. Người Lý Hòa đã nói với nhau rằng: gần 400 năm trước tổ tiên đã có công lớn chọn được một mảnh đất địa linh và rồi từ mảnh đất này sinh ra những nhân kiệt để làm rạng danh cho làng Lý Hòa.
Bước vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hôm nay, trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức nghiệt ngã, tính cách người Lý Hòa càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Lý Hòa vận dụng những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương một cách sáng tạo và quyết đoán. Với tinh thần đoàn kết và ý thức vươn lên của cả cộng đồng làng quê đã đổi thay diện mạo từng ngày, kinh tế từng bước phát triển vững chắc, an ninh quốc phòng ổn định, đời sống văn hóa tinh thần ngày được nâng lên, đời sống của nhân dân ngày một khấm khá. Hướng đi tới của Lý Hòa trong những năm tiếp theo là tập trung vào những mũi nhọn chính, đó là củng cố và phát triển nghề cá theo hướng đánh bắt hiện đại vươn ra biển lớn vừa làm ra sản lượng hải sản lớn vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đẩy mạnh các hoạt động buôn bán dịch vụ, tạo ra một thị trường ổn định và phát triển, trở thành một trung tâm thương mại lớn trong vùng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em xuất khẩu lao động và tranh thủ các nguồn lực đầu tư củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm, chăm lo công tác vệ sinh môi trường tạo ra một cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp để trong tương lai gần phấn đấu làng Lý Hòa là điểm đến có sức hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước – đây được xem là khâu đột phá trong nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa của địa phương.
Về với làng Lý Hòa hôm nay lòng người trào dâng bao cảm xúc. Đi trên con đường làng thoáng đảng rợp bóng cây xanh dọc bờ sông bờ biển hay trên những đường thôn ngõ xóm sạch sẽ tinh tươm bên những ngôi nhà cao tầng với nhiều kiểu dáng xinh đẹp bạn sẽ cảm nhận sức trổi dậy mạnh mẽ của con người vùng quê này qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, càng nhớ về một bài hát quen thuộc trữ tình của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương về mãnh đất Lý Hòa vang vọng đâu đây: “Ai thăm Phong Nha mời về Đá Nhảy/ Cửa biển Lý Hòa bãi tắm trong xanh/ Lên đèo uốn lượn quanh quanh/ Dưới dòng sông Lý đẹp như tranh họa đồ....” Lý Hòa đang bừng sáng trên con đường đổi mới.
                                                   
Lý Hòa, tháng 9 năm 2013

Hạnh Vinh

Liên hệ với Admin QRCode