CƯƠNG GIÁN QUÊ TÔI

Nhắc đến hai tiếng Cương gián, người Lý Hòa ai mà không biết, vì cái tên ấy là nguồn cội, là tình cảm máu thịt của người Lý Hòa. Cách đây 310 năm, tại làng Cương gián ấy, tổ tiên, ông cha người Lý Hòa không chịu nỗi cuộc sống bần cùng, tiêu điều, hà khắc của chế độ một vua, một chúa nên phải dong duỗi theo những cánh buồm vào nam tìm một vùng đất mới lập nghiệp, tạo dựng một làng quê sống tự do, hòa thuận và no đủ. 
Hôm nay, người Lý Hòa tuy đã có một quê hương mới, nhưng từ trong sâu thẳm của lòng mình, người Lý Hòa chẳng bao giờ quên mãnh đất ngày xưa, cũng là quê hương của mình : làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh
.

               Từ Thành phố Hà Tĩnh, theo đường tỉnh lộ 22/12 theo hướng bắc đông bắc chừng 50 km bạn sẽ gặp một vùng quê “nằm trên dãi Hoàng Long cuối huyện Nghi Xuân thuộc vùng xa xôi hẻo lánh, cách sông trở đò”. Làng Cương Gián nằm ở tọa độ 18033’18’’ Bắc, 105050’3’’ Đông. Phía Bắc và Tây giáp xã Xuân Liên ( Nghi xuân ), Đông giáp biển Đông, Nam giáp các xã Thiên Lộc (Can lộc), Thịnh Lộc, Hồng Lộc (Lộc Hà). Diện tích 22,18 km2, dân số tính đến năm 2013 khoảng gần 14 ngàn người. Theo sử sách để lại thì làng Cương Gián được hình thành từ thời nhà Lý (1016) tức đã gần một ngàn năm.

               Địa lý của làng Cương Gián có núi, có sông, có biển.Hèn chi ông cha người Lý Hòa cũng tìm chọn một vùng đất để lập nghiệp có điều kiện địa lý như quê mẹ. Dãi núi Hổng Lĩnh biêng biếc xanh chạy dài ra biển.Rào Mỹ Dương trong xanh quanh co uốn khúc theo chân núi. Núi và sông ôm ấp làng quê tạo nên một bức tranh sơn thủy hửu tình. Bờ biển dài bằng phẳng, sạch sẽ, xuất hiện ngày càng nhiều những nhà hàng đặc sản biển tươi sống. Xa xa ngoài khơi là Hòn Mắt, còn phía trên là Hòn Ngư như những bức tường thành chắn gió bấc,

               Từ xa xưa, Cương Gián là một làng quê nổi tiếng của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sách Nghi Xuân địa chí chép “Cương Gián lắm người nhiều của”. Thời ấy, Cương Gián tuy là một làng vừa nông nghiệp vừa ngư nghiệp nhưng nghề buôn bán rất thịnh hành và phát triển, đã có lúc số ghe thuyền lên tới 30,40 chiếc, ra Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, rồi vượt biển khơi đến cả Ma cao, Hồng Công, Nhật Bản để buôn bán. Rồi lại theo lạch Quèn ngược lên Ngàn sâu, Ngàn phố, Hương Sơn,Hương Khê để mua các loại hàng nông lâm sản, giao thương trong vùng. Ông cha người Lý Hòa cũng đã mang dòng máu, tư duy kinh doang thương mại của người xưa để dựng xây nên một Lý Hòa trù phú, giàu có.

                Cương Gián có 15 thôn, mỗi thôn có một cổng chào cao đẹp thông ra với bãi biển. Làng có 18 dòng họ, 83 nhà thờ từ đường. Cũng như người Lý Hòa, người Cương Gián rất coi trọng tình nghĩa, tập tục truyền thống, văn hóa tâm linh. Nhiều nhân vật nỗi tiếng trong lịch sử nước nhà đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại mãnh đất này. Đại thi hào Nguyễn Du, nhân danh văn hóa kiệt xuất của nhân loại là người con của Nghi Xuân. Bạn có dịp đến Cương Gián không nên bỏ qua cơ hội thăm viếng khu lưu niệm và mộ Nguyễn Du cách làng chừng 14 km. Nguyễn Xí (1396 – 1465) người con của làng Cương Gián. Ông là một trong những tướng tài ba, lừng danh của Lê lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, được phong Thái Sư Cương Quốc Công. Nhà thờ ông xây dựng ngay tại quê nhà, được xếp hạng di tích VHLS quốc gia. Hàng năm vào ngày giỗ của ông (30/10 AL) dân làng tổ chúc lễ hội long trọng để luôn tưởng nhớ đến người anh hùng quê hương có công lớn với nước. Đền Núi Trúc, thờ Đức Thánh Cao Sơn, Cao Các uy nghiêm nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, phía trước Đền là hồ Cao Sơn bốn mùa nước trong veo. Đền dược xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh. Làng Cương Gián có nhiều vị là Tiến sĩ khoa học nỗi tiếng, nhiều Thạc sĩ, Cử nhân trên tất cả các lĩnh vực. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng đã có nhiều

đóng góp xứng đáng sức người, sức của cho đất nước. Cảm nhận sâu sắc về những người con nỗi danh  của Cương Gián, lại nhớ về dòng họ Nguyễn Duy và nhiều dòng họ khác ở Lý Hòa có nhiều người là Tiến Sĩ và làm quan to dưới thời triều Nguyễn.

               Người Cương Gián cởi mỡ, chân chất, hiền lành, tốt bụng, chăm lam chăm làm và đặc biệt mến khách. Họ yêu vô cùng làng Cương Gián cũng như người Lý Hòa yêu quê hương của mình vậy. Tiếng, giọng nói của người Cương Gián, ngôn từ và âm hưởng na ná như người Lý Hòa, cũng bọ mạ, cũng mô tê răng rứa, cũng “ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi”.

Vào những thời điểm khó khăn, gian nan của quê hương đất nước, người Cương Gián lại nảy sinh tư duy mới, đột phá, táo bạo và quyết đoán nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để dựng xây và phát triển cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

                Bước vào công cuộc đổi mới của đất nước, với truyền thống và năng lực của người Cương Gián, làng quê đã trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành một điểm sáng của cả tỉnh, cả nước. Ngoài việc tiếp tục củng cố và phát triển các nghành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, buôn bán dịch vụ…Cương Gián đặc biệt coi trọng việc đưa con em xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường ổn định như Hàn Quốc, Đài Loan.  Chính quyền quan tâm, tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho con em đi lao động nước ngoài, từ việc đảm nhận làm các thủ tục đến việc bảo lảnh vay tiền. Hiện nay Cương Gián có khoảng 2300 người hiện đang lao động ở nước ngoài, trong đó có hơn 1000 người ở Hàn Quốc. Mỗi năm họ gởi về cho gia đình và người thân trên 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng/năm. Đường làng, ngõ xóm rộng rãi, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Cương Gián được cả nước biết đến với cái tên làng tỷ phú. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, năm 2004 Cương Gián vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

                Về thăm Cương Gián hôm nay, lòng chúng tôi trào lên một cảm xúc khó tả, tự hào và trân trọng, bùi ngùi lẫn yêu thương. Còn vang vọng đâu đây tiếng thơ xé lòng của Nguyễn Du và ánh gươm lóe sáng của Nguyễn Xí, để rồi tạo nên một Cương Gián rồi đến một Lý Hòa thơ mộng, giàu có và thủy chung. Truyền thống, cốt cách, tư duy của người Cương Gián cách đây trên 300 năm đã mang đến và bừng sáng trên đất Lý Hòa để hôm nay trở thành phố biển. Hảy được để cho người Lý Hòa gọi mãi hai tiếng thân yêu và tự hào: Cương Gián Quê Tôi.
                                                                      
                                                                           Lý Hòa, tháng 6 năm 2013

                                                                                        Duy Tịnh; .

4 nhận xét:

Hồ Nôốc nói...

tác giả là hương hoa xua đuồi mật đáng cho quê hương,biết nguồn cội, biết sử tích,biết nhìn xa thấy rộng mà nắm bắt được tình tiết như con chuồn bay thấp thì mưa,hay con kiến leo nhà thì sắp có lụt hoặc con mọt nghiến thì sẻ trở trời.tôi tin răng :đợt này làm đoàn trưởng chuyến du lịch Đồng Lộc có cơ hội, tác giả sẻ ra tay nịnh hót làng kẹo Cu-Đơ thì gay cho quê mình thêm ghen tỵ.Hà Tĩnh Đồng Lộc đang mong mỏi các tác giả nhà văn nhà thơ như diều đợi gió mà.tôi rất ngưỡng mộ những nét bút sắc nét.

Unknown nói...

Chú Hồ Nôốc ơi, chú có nhiều bài thơ hay về Lý Hòa, sao không có bài thơ nào về Cương Gián. hảy thể hiện lòng mình với quê hương Cương Gián đi. Mọi người đợi chú đấy. Mà nên nhớ rằng thơ của chú về Cương Gián cũng là của cả làng Lý hòa đó nhé.Chúc chú ngày càng có nhiều thơ hay về cả hai Quê hương.

Unknown nói...

Về thăm Cương Gián quê tôi
Bâng khuâng trong dạ, bồi hồi trong tim.
Lời thề ngày ấy đinh ninh
Nghĩa tình sau trước có mình có ta.
Cương Gián đẹp tựa bài ca,
Lý Hòa tôi, ngàn vạn hoa tặng người.

Unknown nói...

cảm ơn tác giả đã cho tôi nhìn thấy được nguồn cội mà từ lâu vẫn không hay biết.cũng mong muốn có cơ hội được đặt chân tới làng cương gián để biết về mãnh đất và con người nơi đây!mong muốn và mong muốn!