(VnExpress )Viện Khoa học vật liệu ứng dụng xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu lồng đèn hình con chuồn chuồn xuất xứ từ Trung Quốc, kết quả cho thấy độc chất cadimi trong đồ chơi này cao gấp 123 lần tiêu chuẩn Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Ngọc Quyển, Phó trưởng phòng vật liệu - hóa dược, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết kết quả trên được tìm thấy trong lồng đèn hình con chuồn chuồn xuất xứ Trung Quốc được phân tích từ tuần trước.
Theo đó, hàm lượng cadimi trong sơn vẽ phủ trên đồ chơi này là 7.390 microgram (mcg) trong một kg, cao gấp 123 lần cho phép. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, lượng cadimi được phép có trong đồ chơi trẻ em là 60 mcg trong một kg.
"Với mẫu lồng đèn con chuồn chuồn, chất cadimi đã có ngay trong quá trình tan chảy nhựa, đóng khuôn. Đặc biệt là một số bộ phận trên đồ chơi được sơn phủ rất đậm, chỉ cần chạm nhẹ sẽ dính màu ra tay, rất dễ cạo, bong tróc", tiến sĩ Quyển cho biết.
Theo ông Quyển, cadimi còn gọi là cadmium, hay Cd, là một kim loại độc không kém gì chì, thủy ngân. Cadimi dùng sản xuất sơn, phẩm màu công nghiệp, làm điện cực pin, dùng mạ điện trong sản xuất máy bay... Khi sản xuất đồ chơi phủ sơn, người ta dùng kẽm thô, sơn, phẩm màu, nhựa có lẫn cadimi hay dùng chính cadimi làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó nó nhiễm vào sản phẩm.
Nguyên lý gây ngộ độc của cadimi là cạnh tranh với một số kim loại khác như kẽm, sắt, làm đảo lộn quá trình sinh học trong cơ thể.
Với các loại đồ chơi có hàm lượng cadimi cao, người tiếp xúc lâu ngày sẽ bị rối loạn hệ thống hoạt động sinh hóa học của kẽm canxi và nhiều hệ thống hoạt động sinh hóa học khác, làm chậm phát triển xương, còi xương (khi trẻ), loãng xương (khi già), có thể dẫn đến tử vong hay các bệnh lý khác thường... Nó cũng là nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến, phổi, vú...
"Mẫu đồ chơi được kiểm nghiệm có ghi rõ xuất xứ, nhà phân phối, tên nhãn hàng, nhưng vẫn nhiễm cadimi. Nguy hiểm khi nhiễm độc chất này là nó có thể ngấm vào cơ thể không chỉ khi trẻ cắn, ngậm, mà cả lúc cầm, nắm, tiếp xúc. Ban đầu độc chất không biểu hiện ra ngoài mà tích lũy dần dần, đến một mức độ nào đó sẽ gây bệnh", ông Quyển nhấn mạnh.
Nhiều đồ chơi trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Phan Dương. |
Đồ chơi Trung thu đang vào thời điểm bán chạy nhất. Các khu chợ Đồng Xuân, phố Hàng Mã (Hà Nội), lúc nào cũng đông nghịt người mua đồ chơi Trung thu cho trẻ, đa phần là đồ chơi Trung Quốc.
"Tất cả đồ chơi ở cửa hàng đều xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ riêng đèn lồng đã có gần 20 mẫu", chủ một cửa hàng đồ chuyên bán đèn lồng trên phố Hàng Mã cho biết.
Ngoài đèn lồng, còn có vô số các đồ chơi khác như các con vật chạy bằng pin, mặt nạ, kiếm, ôtô, súng... màu sắc bắt mắt, mẫu mã đa dạng. Chỉ một số trong các sản phẩm này có nhãn mác, còn đa phần không có tên xuất xứ.
"Tốt nhất phụ huynh nên hạn chế mua các loại đồ chơi của Trung Quốc, không mua các đồ chơi xuất xứ không rõ ràng. Thay vào đó có thể mua đồ chơi trong nước, cũng không ít mẫu đẹp. Quan trọng là nó an toàn với trẻ", tiến sĩ Trần Ngọc Quyển nói.
Phan Dương
Liên hệ với Admin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét