Không có bảo hiểm y tế, nhiều người rơi vào bẫy nghèo


"Riêng tiền thuốc một ngày đã hết 5 triệu, tiền giường hồi sức tích cực là 350.000 đồng..., mà bố tôi đã nằm hơn chục ngày. Tất cả chi phí gia đình đều phải lo vì không có bảo hiểm y tế", chị Liên (Nam Định) buồn bã nói. Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng, phải nằm lâu, ca nào ít cũng 1-2 tuần, dài hơn có thể đến cả tháng. Đã bệnh nặng thì phải dùng thuốc, phương tiện đắt tiền, số tiền điều trị của các bệnh nhân ở đây có thể lên đến hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.


Trường hợp gia đình chị Liên là một ví dụ. Làm nông, thi thoảng ốm vặt, mua vài viên thuốc uống là khỏi nên không ai trong nhà chị nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm y tế. Đợt vừa rồi, sau khi giết mổ lợn về, bố chị kêu khó chịu, người ngây ngấy sốt. Chị chỉ nghĩ đơn giản là cảm mạo thông thường, tự mua thuốc về cho bố uống. Một ngày sau tình trạng không đỡ, bố chị còn rơi vào trạng thái lơ mơ.
"Chuyển lên Hà Nội khám, bố tôi được chẩn đoán bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn, tốn cả mấy chục triệu. Giờ gia đình cũng chỉ biết nhờ vào bác sĩ cố cứu, còn tiền viện phí thì đành được đến đâu hay đến đó", chị Liên nói.
"Hồi mới vào viện, bác sĩ có hỏi bệnh nhân có bảo hiểm y tế không. Tôi thực sự không hiểu thẻ đấy có tác dụng gì, nhưng giờ thì thực sự thấm thía", chị cho biết thêm.
Những bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhẹ thì 1-2 tuần, nặng có khi cả tháng. Ảnh: N.P.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhân nằm ở khoa Hồi sức tích cực chủ yếu là vì các bệnh cấp tính. Có người bị liên cầu khuẩn do ăn tiết canh, có trường hợp viêm phổi hoặc bệnh uốn ván..., đều là những "tai ương" từ trên trời rơi xuống. Trong đó, nhiều trường hợp là người nghèo, không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết người nào bệnh nhẹ cũng phải mất 20-30 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn bệnh nặng tốn hàng trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng tiền thuốc, có trường hợp một ngày đã hết 10 triệu đồng, tính ra chỉ nằm 11 ngày thôi thì số tiền đã lớn như thế nào.
Những loại thuốc vận mạch, hỗ trợ tim... đều đắt tiền, có ngày một bệnh nhân dùng đến 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiền thuốc kháng sinh, người dân dùng nhiều, bừa bãi nên đến khi có bệnh nặng thì đã kháng thuốc cổ điển. Bác sĩ buộc phải dùng kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền, có loại lên đến 800.000 đồng một lọ, một ngày dùng 6 lọ.
Với những bệnh nhân cần phải lọc máu, một lần cũng mất 20 triệu đồng, nhưng không chỉ lọc một ngày mà vài ngày. Chỉ cần 3 lần lọc máu là bệnh nhân đã tốn 60 triệu đồng. Riêng tiền giường hồi sức tích cực đã khoảng 350.000 đồng một ngày, chưa kể các dịch vụ chăm sóc kèm theo. Một lần hút đờm là mất một cái xông đờm, một đôi găng tay, có bệnh nhân 30 phút hút đờm một lần, nên tính ra chi phí cực lớn.
“Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn phải mất đến hàng trăm triệu đồng mới cứu được. Nếu có bảo hiểm y tế thì ít nhất người bệnh cũng được thanh toán đến 80%. Bệnh nhân bị uốn ván - một bệnh khá đơn giản, không cần lọc máu nhưng có trường hợp nặng, sốc nhiễm khuẩn, chi phí cả đợt điều trị là hơn 100 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm thì bệnh nhân chỉ phải đóng 20 triệu", bác sĩ Lê nói.
"Nói chung phải đến khi vào viện, bệnh nặng thì nhiều người mới biết đến giá trị của thẻ bảo hiểm y tế, nhưng nhiều khi đã muộn", bác sĩ cho biết thêm.
Từ tháng 8, giá điều chỉnh của hơn 400 dịch vụ được áp dụng tại nhiều bệnh viện và địa phương. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 64% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, số còn lại sẽ chịu thiệt thòi lớn. Trong khi, chỉ cần đóng phí bảo hiểm khoảng hơn 500.000 đồng một năm, đến khi đi khám chữa bệnh, nếu đúng tuyến người bệnh được thanh toán ít nhất là 80% chi phí, nhiều trường hợp lên đến hàng trăm triệu đồng.
Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế, con số này đến năm 2020 là trên 80% và tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe. Thực tế việc mở rộng đối tượng tham gia còn chậm. Ngay cả những nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo thì tỷ lệ tham gia cũng rất thấp.
Cũng vì thế, trong khuôn khổ hội nghị Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63, Việt Nam đã tổ chức một diễn đàn cao cấp về bảo hiểm y tế toàn dân vào chiều 24/9. Đây là cơ hội để các nước chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Chẳng hạn, Hàn Quốc đã có chương trình bảo hiểm y tế từ năm 1977, sau đó mở dần đối tượng tham gia và đến nay cả 50 triệu người dân nước này đã có mã số bảo hiểm y tế.
Hay như Singapore đạt tỷ lệ bao phủ 92%, cũng áp dụng hình thức đồng chi trả. Người dân trả tiền một phần, Chính phủ trả thông qua bảo hiểm. Theo đại diện của nước này, người bệnh phải chi trả vì có như thế họ mới có ý thức trong việc lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh. Chính phủ thì tập trung đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện, đào tạo cán bộ y tế.
Theo tiến sĩ Shin Young-Soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, bảo hiểm y tế toàn dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước để ngành y tế phát triển dài hạn. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cho y tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ cũng rất cần thiết. Mỗi nước cần có cách thức riêng phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của mình.
WHO cam kết sẽ hỗ trợ tài chính để những nước đang phát triển có thể đạt được tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân cao.
Nam Phương

Không có nhận xét nào: