BÃI BIỂN QUÊ HƯƠNG LÝ HÒA

Biển Lý Hoà

Gần bốn thế kỷ trước đây, ông cha ta không chịu nỗi ách cai trị hà khắc của chính quyền phong kiến Đằng ngoài nên đã xuôi thuyền từ cửa biển Cương Gián vào Đằng trong để tìm một cuộc sống mới.
Khi qua cửa Gianh chừng bốn hải lý, thấy một dãi cát dài bằng phẳng, phía bắc là dãy núi lấn ra biển, phía nam là một cửa sông nhỏ, với cảm nhận tốt lành và tầm nhìn xa trông rộng, nhận định nơi đây là vùng đất lành, mưa thuận gió hòa bèn rũ nhau ghé vào lập cư, lập nghiệp. Và từ đó vùng đất này trở thành quê hương của chúng ta bây giờ.
Không rõ cái tên Lý Hòa có từ bao giờ ( theo các nhà sử học thì tên làng ta xuất hiện vào năm 1775 ) và do ai đặt. Nhưng dù do ai đặt tên đi chăng nữa thì cái tên ấy cũng phải căn cứ vào địa thế, phong cảnh và tính cách con người ở vùng ấy mà gọi. Lý Hòa, có thể nói một cái tên rất đẹp, vừa dân giã, vừa thanh lịch, vừa mang tính hình thức, lại mang chiều sâu về nội tâm con người.
Còn nhớ, cách đây khoảng vài năm, tại một cuộc thi “ Đường lên đỉnh Olympia” dành cho học sinh PTTH do tỉnh ta tổ chức, có một câu hỏi khá thú vị: Bạn cho biết vùng nào mà tên núi, tên sông, tên cầu, tên làng đều mang một địa danh? Học sinh trả lời rất chính xác: Lý Hòa! Đúng vậy, địa danh này chỉ có một không hai ở đất nước này, không thể kiếm ra nơi nào khác mà một cái tên lại gọi chung cho tất cả.
 Các thế hệ người Lý Hòa luôn ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của ông cha thuở trước đã tìm ra vùng đất này. Nếu không có bãi biển với dãi cát vàng hươm để ông cha ta nhận biết  vào lập làng thì không biết giờ này chúng ta phiêu bạt nơi nào. Bãi biển thật đẹp và mơ mộng. Ngày, cát vàng tươi rói dưới cái nắng gắt của mùa hạ. Đêm, lấp lánh lân tinh qua những đợt sóng tàn lụi mùa đông. Lúc sóng xa bờ dã tràng xe cát, lúc sóng vỗ bờ chim nhạn vờn bay. Trước đây bãi biển rộng, lũ trẻ chúng tôi chạy từ trên bờ xuống đến mép nước đứt cả hơi. Sáng sớm, khi con nước ròng, thuyền đi lưới trích về ,các cụ vần hàng chục trọc ( nữa vòng ) nôốc mới lên đến chỗ an toàn để tránh con nước lớn, mồ hôi nhễ nhại, đầm đìa thấm ướt từng vạt cát. Trong kháng chiến chống Mỹ,ngư dân ta bị máy bay địch oanh tạc làm hàng chục người thương vong, máu của các cụ đã thấm đỏ trên bãi cát này. Bãi biển của quê qua bao biến động mà vị chát của mồ hôi lẫn với vị mặn của máu làm cho cát trở nên óng ả hơn, mịn màng hơn. Những năm trở lại đây, cứ mỗi lần ra kè ngắm bãi biển ,thưởng thức trời nước và nhìn mọi hoạt động của dân làng mà lòng ta trào lên bao cảm xúc mênh mang, nhung nhớ, thương yêu. Buổi sáng, các chị hàng dổi tíu ta tíu tít bên những bơ câu mực. Từng tốp, từng tốp người đi bộ ven sóng. Phía dưới Đá Bụt, các bà , các chị lăn lê bò toài trên cát, một kiểu tập thể dục có hiệu quả để tăng cường sức khỏe. Chiều đến, bãi biển trở thành những sân bóng nhỏ cho đám trẻ, dọc bờ biển bao nhiêu là người, nam nữ có, già trẻ có nô đùa cùng sóng nước, bơi lội thỏa thích, thoải mái sau một ngày lao động mệt nhọc, vất vã. Có được bãi biển như hôm nay, có thể nói rằng làng ta đã làm một cuộc cách mạng quyết liệt. Còn nhớ, chỉ cách đây ít năm thôi,bãi biển chẳng ra bãi biển, bãi rác chẳng ra bãi rác, đến cả những con sóng cũng ngại ngùng không muốn vỗ vào bờ. Bạn bè đến quê chơi muốn ra biển để tắm ta cũng tìm cách từ chối khéo vì xấu hổ, vì tự trọng. Và cuộc cách mạng đó đã làm đổi thay toàn diện, từ ý thức cộng đồng đến hành động thực tế của mọi người.

Bãi biển càng đẹp hơn từ ngày có kè chắn sóng chạy sát biển với hàng cột điện cao áp do nhà hảo tâm tài trợ, đêm đêm ánh điện tỏa sáng cả một chiều dài ven biển, ánh trăng rằm cũng phải thẹn thùng với mấy chục ánh đèn bàng bạc, dịu mát đó. Ấy thế mà có những hộ dân lại không chịu đóng góp mỗi tháng vài ngàn đồng để trả tiền điện cho mấy chục chị Hằng đó. Họ nói rằng đèn điện dọc sông, dọc biển, nhà họ ở giữa làng không được hưởng lợi. Chắc những con người đó tối đến đêm về họ không bao giờ ra bờ sông, bãi biển. Và mỗi lần họ, con cháu họ đêm tối đi đâu về là đi bằng trực thăng đáp thẳng xuống nhà họ chăng!
Tự hào và yêu mến bãi biển bao nhiêu thì càng chạnh lòng về bãi sông bấy nhiêu, về con đường chạy dọc bờ sông ở mặt tiền của làng ấy có nhiều chuyện phải suy nghĩ, trở trăn. Ngay như trước cổng chính của Đình làng, nơi chốn linh thiêng ấy từ lâu đã trở thành địa điểm tập kết nguyên vật liệu. Nào gạch, đá, nào xi măng, cát, sạn hàng ngày cứ đổ xuống rầm rầm, bụi bay mù mịt, đến cả cái biển hiệu hoành tráng và là niềm tự hào của làng “Đình Lý Hòa di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” đặt cạnh đó bây giờ chỉ nhìn được mấy chữ lờ mờ “Ly Hoa”. Ngồi trên bệ thờ trên cao ở trong Đình nhìn xuống mà Tứ Vị Đại Càn, Thành Hoàng, Thủy Tổ của mấy chục dòng họ ngao ngán thở dài. Hèn chi mấy năm qua việc làng, việc xã cứ xùng xình, lùng bùng.Nếu có phép lạ, đêm đêm các cụ hiện thân về làm một biển báo nền đỏ chử vàng, to tổ bố đặt ngay ở cổng Đình “ xin mọi người làm ơn, làm phúc đừng đổ vật liệu nơi này”. Có cụ định chưởi đổng một vài câu cho bỏ tức, nhưng rồi nghỉ đi nghỉ lại, con cháu cũng có kẻ dại, người khôn, đứa tử tế, đứa ngông nghênh, lại thôi.
Còn đường thôn, ngõ xóm thì sao! Trước đây rộng rãi, vẫn có chỗ để lũ trẻ đi bi, chơi thẻ, đánh khăng, nhưng nay chỉ còn lại mấy tấc. Biết rằng làng ta đất chật người đông, phải có sáng tạo để có nơi ở thoáng mát, nhưng không thể sáng tạo bằng cách là làm nhà làm sân cứ lấn ra đường làng ngõ xóm, cứ như là đất hồi môn của ông cha để lại vậy, để rồi cái nhà mình to thêm, cái sân mình rộng ra, nhưng đường thôn ngõ xóm thì càng  bị thu hẹp. Trong khi đó họ thưà biết rằng, có người đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua lại mấy mét vuông đất mở rộng đường làm đẹp cho làng. Trong các cuộc kháng chiến, ông cha ta đã đổ xương máu để dành giật, để bảo vệ, để tôn tạo từng tấc đất của quê hương, chẳng lẽ ngày naylại vì mấy tấc đất lấn ra đường để con cháu vấp ngã lại phải đổ máu, gãy xương. Chưa hết, một số đoạn đường làng  ô tô, công nông chạy vào được, hàng ngày đá cát cứ đổ xuống từng đống, từng ụ làm cản cả lối đi. Đành rằng, đời người làm nhà một lần, bà con cũng thông cảm cho mượn đường làng để tập kết vật liệu, nhưng phải có cách để giải tỏa nhanh chóng, chứ không thể để ngày nọ qua tháng kia. Còn mấy cột điện kia đứng trơ trơ bên những đống đá cát, dáng dấp cao cao, mảnh khảnh thế mà chịu không biết bao nhiêu áp lực, nào dây điện sáng, điện thoại, nào dây cáp truyền hình cứ chằng chịt, đèo queo quanh mình nó, nay lại mang thêm cái biển “ đoạn đường do chi đoàn X tự quản”. Cái biển ấy chỉ nặng mấy trăm gram thôi, nhưng gắn được vào cột điện là phải nhiều đinh nhiều ốc làm cho nó đau đớn quằn quại. Cái biển chỉ treo lên vậy cho oai thôi, nào có thấy một bóng dáng áo xanh tự quản đến để động viên, thăm hỏi đâu., thử hỏi thanh niên làng ta đi đâu hết? hay là vì cái cơ chế thị trường buộc họ phải mưu sinh mà quên đi cái áo màu xanh tình nguyện ?
Dạo qua đường làng, ngõ xóm một lúc, thấy oi ả quá, ngột ngạt quá,lại quay ra bãi biển để tìm không khí trong trẻo, mát mẻ yên lành. Chiều đến mà cái nắng mùa hè chưa dịu, thế mà vẫn thấy các chị, các o trong chi hội Phụ nữ các thôn, lại thấy cả các ông trưởng thôn nữa, người thì cầm xẻng, người cầm chổi đang hăm hở thu gom, quét dọn những túi nilon, những cọng rác rơi vãi dọc bờ biển đường kè. Trên từng khuôn mặt họ lấm tấm mồ hôi, nhưng ánh mắt thật rạng rỡ vui tươi vì nhìn thấy bãi biển của làng ta nay đẹp quá, sạch quá. Không chừng một thời gian ngắn nữa nơi này sẽ là một bãi biển đẹp bậc nhất của Miền trung, rồi ta lại đón bạn bè về đây thăm chơi và tắm biển. Như Bác Phan Hải  đã từng nói "Tôi đã làm một số công trình cho Quê hương ,  nhưng điều làm Tôi tâm đắc nhất là Tôi cùng với Chính quyền làm được một việc mà gần 300 năm nay chưa ai làm được đó là phát động mọi người có ý thức làm sạch đẹp bãi biển quê hương".
Để kết thúc bài viết này, xin chép tặng những người yêu quê, yêu biển lời bài hát về nỗi lòng của bãi biển:
          Một chiều hè trôi êm,trôi êm
          Trên sóng biển chiều nào chung bước
          Biển xanh xanh màu xanh ngọc bích
          Cuối tầm nhìn trời nước gặp nhau…
          Chẳng hiểu vì sao cát giận, cát hờn
          Chẳng muốn nhận dấu chân em làm kỷ niệm
          Để cát bay , cát tạo thành hình của sóng
          Để bên bờ cát mãi đùa vui.
Hạnh Vinh
 



Liên hệ với Admin

5 nhận xét:

Unknown nói...

Hạnh Vinh viết văn mà nghe ông Nghè ngày xưa làm thơ vậy. Hay thì hay mà đau cũng thấy đau. Những chuyện không hay không đẹp ở làng mà trong bài viết đã nêu là chuyện có thật. Thiết nghĩ muốn giải quyết được những việc này thì ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, gia đình và mỗi người cần phải có sự ra tay quyết liệt của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng

Quê hương nói...

Bài viết của Hạnh Nguyên sâu sắc bao nhiêu thì Thanh Hương nhận xét lại càng thâm thúy bấy nhiêu. Bây giờ người ta lo nhiều đến chức này chức nọ bảo vệ thanh danh bảo vệ ghế ngồi chứ có mấy ai nhớ đến công việc của mình. Một đống cát, một bãi xi măng sắt thép tập kết trước sân đình hằng ngày các quan đi qua đi lại không biết mấy chục lượt mà có ai nhắc nhở đâu ? Ý thức của dân còn hạn chế mà ý thức mấy người quản lý càng hạn chế hơn. Nếu muốn thay đổi ý thức người dân hãy thay đổi ngay từ người cầm chịt. Yêu quê hương đâu phải cứ hét lên tôi yêu quê hương ! Hãy yêu quê hương bằng cái tâm, cái tầm và bắt đầu từ những cái nhỏ nhất. Cảm ơn Hạnh Vinh đã nói thay cho dân làng

Hồ Nôốc nói...

những người yêu quê hương mới có ngòi bút quan tâm phản ánh cái hay cái dở của làng như rứa.he.he! nghe mà mát ruột. hi. hi ! có gì hơn thế

https://www.lyhoa.vn/ nói...

Hihi..nhẹ nhàng chút đi, đừng nặng lời quá, biết là bức xúc nhưng muốn thay đổi hành vi của mọi người thì làm không thể một sớm một chiều mà được. Các cấp các ngành từ xã xuống thôn phải vào cuộc quyết liệt hơn. Đất nước thì có luật pháp gia đình thì có gia pháp còn địa phương phải có hương ước để mọi người cùng nhau xây dựng và thực hiện.

Nặc danh nói...

Cảm ơn bài viết rất hay, tôi chỉ là một người lữ khách đi ngang qua nơi đây nhưng như có một điều gì rất lạ nơi đây làm tôi cứ lưu luyến hoài.