Say nóng say nắng, dùng thuốc gì?


(SKDS) - Say nắng say nóng là tình trạng rối loạn thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể do thân nhiệt tăng quá cao. Rối loạn bệnh lý này thường xảy ra ở những người già yếu, trẻ em có sức chịu nóng kém, người mới ốm dậy, người lao động quá sức, người làm việc căng thẳng trong điều kiện nắng nóng gay gắt...


Trong say nắng say nóng có nhiều rối loạn khác nhau, nhưng đứng về mặt điều trị thì có ba rối loạn đáng lưu ý là: thân nhiệt tăng quá cao là do cơ thể bị nhận thêm nhiệt từ môi trường cộng với tình trạng tăng sản sinh nhiệt do lao động. Mặc dù cơ thể luôn có phản ứng điều hòa để làm mát cơ thể. Song do nhiều lý do khác nhau mà các cơ chế này hoặc thực hiện không hiệu quả hoặc quá khả năng không điều hòa kịp dẫn đến cơ thể bị tăng thân nhiệt. Thường ở những trường hợp bị nặng, thân nhiệt có thể lên đến trên 39oC như những trường hợp sốt cao thực thụ. Tình trạng mất quá nhiều muối và nước là rối loạn đáng lưu ý thứ hai. Đây là hậu quả của việc mất mồ hôi mà không được bù nước kịp thời. Và rối loạn thứ ba là nhiễm nội độc tố quá lớn. Tình trạng nhiễm nội độc tố dẫn đến suy đa phủ tạng chỉ xuất hiện từ ngày thứ 2 từ khi say nóng, say nắng mức độ nặng trở đi. Các nội độc tố này được cho là xuất hiện từ các rối loạn chuyển hóa, hấp thu.
Theo các rối loạn trên, thuốc có thể cải thiện tình hình bao gồm các thuốc dưới đây:
Thuốc hạ nhiệt: Thuốc đầu tiên nên dùng nhất đó là thuốc hạ thân nhiệt, ưu tiên dùng paracetamol. Thuốc này có tác dụng ức chế các prostaglandin là các chất gây tăng thân nhiệt điển hình và là các chất giải phóng mạnh dưới tác dụng của thân nhiệt tăng cao. Thân nhiệt tăng cao làm hủy hoại tế bào và làm tăng giải phóng các chất này. Ức chế thành công các prostaglandin chúng ta có thể hạ được thân nhiệt như mong muốn.
Để có hiệu quả, việc lựa chọn dạng thuốc dùng là rất quan trọng. Nếu như thân nhiệt của người bệnh chỉ từ 39-40oC thì chúng ta có thể dùng dạng viên sủi 1 viên 500mg liều duy nhất. Nhớ là phải hòa tan thuốc trong cốc nước rồi mới uống và uống ngay khi có dấu hiệu tăng thân nhiệt. Trong trường hợp này, bạn không cần uống thuốc sau ăn. Nhưng nếu như thân nhiệt của bạn tăng trên 40oC thì bạn cần phải dùng dạng thuốc tiêm truyền để thuốc nhanh phát huy tác dụng. Efferalgan được bào chế hẳn dưới dạng truyền đóng trong chai pha chế sẵn. Có thể dùng trực tiếp dạng này ở người bệnh có thân nhiệt trên 40-410C thì mới có khả năng hạ nhiệt thành công và chỉ thực hiện việc tiêm truyền tại các cơ sở y tế.

 
 Khi bị say nóng, say nắng thân nhiệt thường tăng cao, cần phải dùng thuốc hạ nhiệt kịp thời.
Các thuốc giãn cơ:
Mặc dù say nắng say nóng không làm tăng co thắt cơ nhưng việc dùng thuốc giãn cơ là cần thiết. Trong nỗ lực hạ thân nhiệt thì cơ chế làm giãn mạch là một cơ chế “vàng”. Mạch ngoại vi giãn ra, máu được chuyển từ trung tâm ra ngoại vi để thải nhiệt nên có hiệu ứng hạ thân nhiệt vô cùng lớn. Thuốc giãn cơ làm giảm trương lực cơ, giảm chèn ép mạch máu nên có thể góp phần hạ nhiệt ở một mức độ nhất định. Chúng ta chỉ cần dùng thuốc giãn cơ với liều duy nhất là ổn. Thuốc hay được dùng là dantrolen.
Dung dịch bù nước điện giải: Đây là dung dịch muối, đường. Uống dung dịch này rất có ý nghĩa, vừa cung cấp nước cho cơ thể tránh bị mất nước do ra quá nhiều mồ hôi lại vừa cung cấp điện giải - vốn là một chất đang bị rối loạn nghiêm trọng dưới tiết trời nắng nóng gay gắt. Dung dịch tốt nhất có thể dùng là oresol vẫn được dùng để trị tiêu chảy. Một gói pha với 1 lít nước và cho người bệnh uống từ từ. Chừng 15 phút lại cho uống khoảng 100ml (một ngụm to). Sau đó người bệnh sẽ tỉnh dần. Nếu không đi mua kịp thì bạn có thể tự pha chế với công thức đường: muối là 5:1. Làm sao cho đủ 18g (15g đường, 3g muối) rồi pha trong 1 lít nước là thành công. Nhớ là chỉ uống nước nguội hoặc nước mát, không uống nước lạnh. Trường hợp thân nhiệt tăng cao trên 390C, chúng ta phải xem xét tới khả năng truyền dịch điện giải để bù nước nhanh và làm mát nhanh.
Thuốc corticoid: Thuốc corticoid không được phép tự sử dụng trong các trường hợp này mà chỉ được phép dùng tại các tuyến bệnh viện và có bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ hồi sức cấp cứu. Thuốc có tác dụng ức chế và giảm bớt tác dụng gây viêm đa phủ tạng của các nội độc tố nhằm giải thoát cho trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Việc dùng thuốc phải hết sức cân nhắc và chỉ dùng ở những bệnh nhân nặng (bị đột qụy do nóng).
Ngoài các thuốc trên, một số thuốc khác có thể có tác dụng như dopamin, noradrenalin, adrenalin… Đây là các thuốc dùng trong hồi sức tích cực và chỉ được sử dụng do bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu những trường hợp đe dọa là trụy tuần hoàn.
Ngoài việc dùng thuốc thì cấp cứu làm mát cho bệnh nhân say nóng say nắng là quan trọng nhất. Người ta thấy nếu như chúng ta cấp cứu nhanh và hạ thân nhiệt cấp tốc trong vòng 30 phút đầu tiên thì khả năng cứu sống bệnh nhân là rất cao. Nhưng nếu như chúng ta chậm trễ thì có dùng thuốc cực mạnh, khả năng cứu nạn là rất mong manh.
Các biện pháp cấp cứu làm mát cấp tốc là: đưa vào chỗ râm mát, thoáng gió, cởi bỏ quần áo, tránh tụ tập đông người, lau nước mát vào mặt, chườm nước đá vào nách, bẹn, bật quạt liên tục. Tuyệt đối không cho uống chè đường, cà phê hay bất cứ chất kích thích nào khác. Vì nếu bệnh nhân hôn mê thì sẽ rất nguy hiểm còn nếu bệnh nhân tỉnh thì chỉ càng làm cho chuyển hóa sinh nhiệt tăng lên mà thôi.      

                                                                 BS.Lê Thanh Huyền

Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: