Người con ưu tú của quê hương |
Nhìn vào vẻ bề ngoài ông không có gì đặc biệt, vóc dáng khỏe
khoắn, cơ thể rắn chắc mập mạp như bao người đàn ông làng chài khác. Nước da ông đượm màu
của sóng,của vị mặn chát đại dương qua mấy thập niên làm bạn với biển. Mỗi tháng,
cứ mươi hôm, ông xuất hiện ở làng, mọi người thấy ông với bộ áo quần giản gị, đi chiếc
xe máy xềnh xoàng, đến công trình trường Mầm non xã chỉ chỉ, chỏ chỏ, rồi vòng đến Chùa
làng đang thi công dở ngắm ngắm, xem xem, lại quay qua Trạm y tế chuyện trò thân mật với
mọi người một lúc, rồi lại tiếp tục đi. Lúc nào cũng thấy ông tất bật vội vã, mà nét
mặt của ông vẫn điềm đạm, phong thái khoan thai.
Ông đích thực là người Lý Hòa rồi! Bốn mươi, năm mươi năm xa quê
mà tiếng nói của ông vẫn đặc sệt dân Thuận Cô Bắc, giọng nói của ông vẫn vẹn
nguyên Lý Hòa. Sáng sớm, ông đến quán ăn bình dân,điểm tâm một bát cháo bột canh hoặc
bát mỳ tôm, nếu gặp người quen cùng ăn, ông trả tiền luôn cho họ, ông nói : lèo (
chuyến, đợt ) này về lỗ tổn (chi phí), trả cho chúng nó kẻo mắc lửa (nợ), tội!
Làng biển Lý Hòa mấy năm lại đây ngày càng đổi sắc, nổi lên những
công trình phúc lợi xã hội, văn hóa tâm linh được hình thành và đi vào khai
thác, sử dụng. Trước đây Lý Hòa đã nổi tiếng là làng giàu có. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về và
những ngày lể, từ trên cao nhìn xuống, cả làng chài là một màu đỏ, Màu đỏ tươi của những mái
ngói hòa cùng màu đỏ thắm của cờ Tổ quốc. Ngày nay, xen vào đó là những trường học,
trạm y tế, đài tưởng niệm, đình, chùa với kiểu dáng hiện đại pha lẫn dáng dấp truyền
thống và văn hóa phương đông, càng làm nổi bật thêm bức tranh quê hương vốn đã đẹp nay càng
đẹp gấp bội lần. Các xã bạn và nhiều địa phương khác trong huyện,tỉnh nhìn vào bức
tranh quê ấy mà nổi lên lòng gen tị.Tại sao cấp trên ăn ở không công bằng thế! Làng đã
giàu rồi mà còn ưu tiên cấp cho nhiều vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, mà toàn là những công
trình hiện đại và model cả, chắc Lý Hòa có nhiều tiền, có nhiều vị lảnh đạo tỉnh, trung ương
là người làng nên họ có thể xin dự án ... Thật là một sự nhầm lẫn đáng yêu!
Trở lại với con người ấy, ông đã bước vào cái tuổi “ thất thập cố
lai hy”, không rõ cái tâm của ông hình thành từ lúc nào. Có lẻ bởi truyền thống và
cốt cách của tiên tổ, của dòng họ, của gia đình đã tạo cho ông một nhân cách sống. Thuở xưa,
khi xây dựng đình làng, ông cha đã từng dùng ghe bầu ra tận Thanh Hóa chở đất về làm
nền móng, chở gạo thơm từ Sài Gòn, Gia Định ra cho thợ làm đình ăn mà không cần làng
trả cho một đồng xu nào. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ
làng đã cống hiến bao nhiêu tiền của, hy sinh biết bao máu xương cho cách mạng mà không
mảy may đòi hỏi gì ở cách mạng. Ngày nay, nhiều gia đình còn giữ các giấy tờ của
chính quyền vay mượn gỗ, gạch, đá để lấp sông Lý Hòa thông xe ra tiền tuyến, họ chỉ giữ lại
để làm kỷ vật thôi, có thấy ai đến UB xã đòi lại những thứ ấy đâu.
Đó là chuyện của quá khứ mang tính lịch sử, còn vào thời buổi bây
giờ, đối với chúng ta, đối với xã hội, ông là một con người đặc biệt, có cái
nhìn cái nghĩ hơn người. Nhiều người hỏi, thế nào là đại gia? Có nhiều khái niệm khác nhau.
Nhưng những nhà thông thái học cho rằng, là đại gia là phải có đủ ba yếu tố : có điều
kiện về tiền của, có cái tâm và có trí tuệ, thiếu một trong ba yếu tố đó thì chẳng ra cái đại gì
cả. Ông là người có đầy đủ ba yếu tố đó.
Làng Lý Hòa, người có tiền tỷ trở lên không phải là ít. Làm ra
tiền cũng có nhiều nghề, nhiều cách khác nhau.Nhưng đối với ông, tiền ông kiếm ra
được là do chắt chiu, dành dụm qua mấy chục năm lao động gian nan, vật lộn với biển cả, là
công sức, là mồ hôi, là trí tuệ của vợ chồng ông kết tinh vào đó trong mọi hoàn cảnh,
trong mọi cơ chế. Chi tiêu một đồng ông tiếc lắm chứ. Một số người làm ra tiền và trở nên giàu
có từ những chiếc ghế, những đồng tiền từ trên trời rơi xuống, họ vung tay vô tội vạ, chi
tiêu không thương tiếc vào những việc mua chức, mua quyền, chạy tội mà không cần phải tính
toán nghĩ suy, miễn là đạt được mục đích, ý đồ và lợi ích cá nhân.
Còn vợ chồng ông…
Một mùa hè nữa lại đến với làng chài nhỏ bé nhưng rất xinh đẹp bên
dòng sông Lý thơ mộng, hiền hòa.Ngày ngày, dưới cái nắng chói chang, mọi người
vẫn thấy ông đứng rất lâu ở Chùa làng, hướng dẫn, nhắc nhở, động viên đội thợ làm cho
tốt, đúng theo thiết kế, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đêm đêm lại thấy ông ra Đài tưởng niệm
sờ mó những hàng cây cảnh bao quanh tượng đài xem có khô úa không để nhắc nhỡ người bảo
vệ chăm bón. Lâu ngày, ông bận việc chưa về được quê, ông thường xuyên điện hỏi mấy
cây bàng cạnh trụ sở UB, trạm y tế có tươi tốt không, đã có tán cho các cháu và các cụ
già ngồi hóng mát chưa? Và dù ở đâu, Sài Gòn hay Lý Hòa, đêm ngày ông cầu trời khẩn phật
mong cho làng xóm được an lành, thanh bình, anh em trong xã đoàn kết, đồng thuận,
thương yêu, bảo ban nhau, sống có tình có nghĩa, dân tin Đảng, Đảng tin dân, dành thời gian,
trí tuệ và công sức để dựng xây quê hương ngày càng đẹp giàu.Chỉ một mong ước giản đơn
vậy thôi mà sao ông thấy khó thành hiện thực. Nhưng ông vẫn tin tưởng chắc chắn rằng:
một ngày không xa, bình minh sẽ tỏa sáng trên quê hương Lý hòa ngàn đời văn hiến và
anh hùng.
Tấm lòng, tình cảm của ông đối với quê hương là vậy. Chúng ta có
thể ca tụng ông bằng những từ ngữ, lời lẽ mỹ miều, viết một tiểu thuyết dài hàng
trăm trang nói về ơn nghĩa của ông, đúc tượng ông đặt vào vị trí trang trọng nhất của làng.
Nhưng ông đâu cần những thứ đó.Tôi nghĩ, phần thưởng lớn nhất của làng dành cho ông là
hình ảnh của ông luôn khắc ghi vào lòng dân Lý Hòa, và chúng ta cũng như các thế hệ mai sau
đều có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ những công trình mà ông đã hiến tặng cho làng được
tường tồn bền vững cùng thời gian. Cho tôi và người dân làng Lý Hòa gọi tên ông với cả tấm
lòng cảm phục và kính trọng: ông Phan Hải, người con ưu tú của Quê hương.
Lý Hòa, tháng 5/2012
Hạnh Vinh
Liên hệ với Admin
4 nhận xét:
Bài viết giản dị nhưng sâu sắc đã làm toát lên một nhân cách lớn người con của quê hương. Hạnh Vinh viết bài nao cũng hay, đọc mãi không biết chán, hi vọng thời gian tơi HV sẽ có nhiều bài hay hơn. Chúc HV và GD luôn mạnh khỏe
Rất hay và cũng rất tâm huyết. Nhưng tôi có ý kiến này "Đằng sau sự thành công của người đàn ông là hình bóng của người phụ nữ". Đề nghị Anh chị em có khả năng viết bài khai thác thêm đề tài này.
HV làm nhà văn thực sự rồi.xin chúc mừng bay bỏng
TÔI RẤT MONG MUỐN LANG TA CÓ THÊM NHIỀU NGƯỜI CÓ TẤM LÒNG NHƯ BÁC HẢI NỮA, THẾ HỆ TRẺ PHẢI XEM ĐÓ LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG ĐỂ HỌC TẬP. KHÔNG CẦN PHẢI HỌC Ở ĐÂU XA CẢ NHÉ.
Đăng nhận xét