Ngày 25 tháng 4 năm 2012, Đoàn cán bộ Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương tiến hành lấy 78 mẫu máu ngẫu nhiên của 78 học sinh Tiểu học Hải Trạch để xét nghiệm nhanh (test miễn dịch chẩn đoán nhanh) bệnh giun chỉ . Kết quả 78 mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Bệnh giun chỉ bạch huyết do một loại giun sống trong hệ bạch huyết gây nên. Giun trưởng thành sống trong hạch hoặc mạch bạch huyết, đẻ ra ấu trùng lưu thông trong máu. Bệnh giun chỉ bạch huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Bệnh gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nhiều tới sức lao động, thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh.
Ở Việt Nam,mới chỉ phát hiện 2 loài giun chỉ bạch huyết là Wuchereria bancrofti và Brugia malayi chu kỳ đêm. Ở miền Bắc, thường gặp loài Brugia malayi (khoảng 90 – 95% các trường hợp nhiễm). Ở miền Nam, các điều tra trong những năm gần đây mới chỉ gặp loài Wuchereria bancrofti. Ấu trùng giun chỉ xuất hiện ở máu ngoại vi vào ban đêm từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Chưa phát hiện Brugia malayi trên súc vật (mèo, khỉ) ở Việt Nam.
Bệnh lây nhiễm do muỗi đốt. Các loài truyền bệnh giun chỉ thường gặp ở Việt Nam là: Mansonia annulifera, Mansonia uniformis (sinh sản ở vùng có ao bèo), Culex quinquefasciatus. Khi muỗi hút máu của người bệnh, ấu trùng vào muỗi và sau một thời gian phát triển, trở thành ấu trùng gây nhiễm. Khi đốt người lành, ấu trùng sẽ vào cơ thể người và phát triển thành giun trưởng thành. Thời gian từ khi nhiễm đến khi xuất hiện ấu trùng trong máu khoảng 03 đến 07 tháng.
* Chẩn đoán bệnh giun chỉ:
Đa số người bệnh (90 – 95%) nhiễm giun chỉ bạch huyết (có ấu trùng trong máu) nhưng không có các biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm hoặc có thể cả đời. Trường hợp có biểu hiện lân sàng, có thể có các triệu chứng khác nhau, thường gặp là:
1. Các triệu chứng cấp tính:
- Sốt: sốt cao, xuất hiện đột ngột; kèm theo mệt mỏi và nhức đầu nhiều; thường tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3 – 7 ngày.
- Viêm bạch mạch và hạch bạch huyết: thường xảy ra sau sốt vài ngày. Xuất hiện đường viêm đỏ, đau, dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Hạch bẹn có thể sưng to, đau.
2. Các triệu chứng mãn tính thường gặp:
- Viêm hoặc phù bộ phận sinh dục như: viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp viêm bạch hạch mãn tính ở bộ phận sinh dục, có thể gây nên triệu chứng bìu voi hoặc vú voi.
- Phù voi chi dưới: là hậu quả của viêm mãn tính hạch và mạch bạch huyết chi dưới, với đặc điểm phù cứng, da dày. Tùy mức độ, phù có thể từ bàn chân lên tới đùi.
- Đái dưỡng chấp: nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng. Đôi khi lẫn máu. Trường hợp lượng dưỡng chấp trong nước tiểu nhiều, để lâu nước tiểu có thể đông lại.
3. Yếu tố dịch tễ: người bệnh sống trong vùng có bệnh giun chỉ lưu hành.
* Các xét nghiệm
1. Các trường hợp có hiểu hiện bệnh:
- Phát hiện ấu trùng trong máu ngoại vi: Lấy máu ngoại vi vào ban đêm (từ 20 giờ đến 24 giờ), làm tiêu bản, nhuộm và soi tìm ấu trùng dưới kính hiển vi. Đây là kỹ thuật chẩn đoán đơn giản và phổ biến hiện nay, có tính chất khẳng định bệnh nhân đang nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết. Tuy nhiên, trong các trường hợp phù voi hoặc đái đường dưỡng chấp, tỷ lệ phát hiện thấy ấu trùng trong máu rất thấp (chỉ khoảng 3 – 5%).
- Nếu có điều kiện:
. Làm siêu âm phát hiện giun chỉ trưởng thành trong hạch và mạch bạch huyết.
. Phản ứng miễn dịch chẩn đoán ELISA phát hiện kháng thể, hoặc kháng nguyên giun chỉ trong máu bệnh nhân.
2. Các trường hợp không biểu hiện bệnh:
Dựa chủ yếu vào xét nghiệm máu:
- Đối với Brugia malayi: lấy máu ngoại vi vào ban đêm (từ 20 giờ đến 24 giờ), làm tiêu bản, nhuộm và soi phát hiện ấu trùng dưới kính hiển vi.
- Đối với Wuchereria bancrofti: ngoài phương pháp xét nghiệm máu ban đêm tìm ấu trùng, hiện nay đã có test miễn dịch chẩn đoán nhanh ICT(immuno-chromatographic test), có thể xét nghiệm máu ban ngày.
Liên hệ với Admin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét