NÓI VỚI TRÒ( Tặng trò lớp B, C )

          Các em ngồi đây, ngôi nhà chung của các em là lớp B, C. Điều đó không có nghĩa là mái ngói, bàn ghế các em đang ngồi thuộc hạng B, C so với lớp A; cũng không có nghĩa thầy cô dạy lớp ta thì không đầu tư bài vở. Cũng cơ sở vật chất ấy, cũng giáo án và thầy cô ấy chẳng khác gì khối lớp chọn đâu. Các em còn hơn khối lớp A là được thầy cô quan tâm hơn từng giờ lên lớp, kiểm tra sít sao hơn từng biểu hiện để kịp thời uốn nắn. Để làm gì? Để các em đừng trượt chân ra khỏi quỹ đạo giáo dục.
            Cô nhìn thấy khuôn mặt các em đều sáng sủa, dễ thương… Nụ cười cũng hồn nhiên, ngôn từ cũng vô tư như các bạn khác. Nghĩa là ngoại hình không có gì đáng mặc cảm cả. Nhiều gia đình trong lớp ta, cha mẹ có điều kiện cho con ăn học, mua sắm đồ mới cho con mặc, đồ ngon cho con ăn, yếu thì cho học thêm, cần tài liệu thì mua sách tham khảo, cần thời gian học thì không cho làm việc nhà v.v…Cha mẹ đã tạo mọi điều kiện để cho con được học tốt. Không nói đâu xa, nhiều bạn cùng trang lứa trên địa bàn lân cận nhìn các em thèm thuồng, chỉ ao ước mình được một phần của các em thôi. Cô đã nhìn thấy các bạn ấy co ro trong làn áo mỏng khi Đông về, mang dép đứt đến trường, áo sơ mi sờn vai; cô chạnh lòng khi thấy sau buổi học có bạn phải xắn quần, gồng mình đẩy xe ba gác nặng trĩu đồ đạc ra đồng…Vất vả là thế mà sao các bạn ấy vẫn học giỏi?
            Vì sao, các em biết không?
            Vì tinh thần ham học đã cho các bạn ấy động lực, ý chí thoát nghèo nung nấu nhiệt tâm khiến các bạn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
            Chẳng lẽ học trò của cô không có những thứ đó sao?
            Truyền thống nhà trường THCS Hải Trạch từ lâu đã nổi tiếng là học giỏi, địa chỉ đỏ cho phong trào hiếu học của huyện nhà suốt 50 năm qua cơ mà! Các em đâu có dốt nát, chậm chạp, ù lì, các em chỉ chưa được chăm học mà thôi. Cô biết trong số các em ngồi đây, không ít em khả năng tiếp thu bài nhanh. Cô tiếc cho những em đó có khả năng mà tự đánh mất trí tuệ của mình, chẳng khác gì tự ta khép chặt cửa tương lai của chính ta. Bởi vậy, thời gian rảnh rỗi, thay vì chơi game hay tụ tập bạn bè, hãy nghiêm túc ngồi vào bàn học, các em sẽ thấy những con số, những con chữ không phải là những sợi dây xích lạnh lùng trói buộc như mình vẫn nghĩ.
            Các em thân yêu! Cô thường bảo rằng, cô muốn trò đến trường trước hết phải học LỄ, tức là lễ phép, học cách làm người tốt, sau đó mới học VĂN, tức là tiếp nhận kiến thức. Vậy mà thực tế, không ít lần thầy cô giáo buồn lòng lắm khi nghe những lời nói tục, chửi thề phát ra từ những đôi môi xinh xắn; hay đôi tay mềm mại thế kia lại dùng để đánh đấm nhau...Gặp thầy cô, trò hoặc là cúi mặt bước đi, hoặc là quay mặt chổ khác thay vì ngẩng đầu chào thầy; phạm lỗi, thầy cô nhắc nhở , khiển trách thì cãi lại, đôi khi lại tỏ thái độ hất hàm, hoặc cười khẩy. Tại sao thế? Một lời chào mà phải tiết kiệm ư? Có mất gì đâu! Hãy mĩm cười chào hỏi, em sẽ nhận lại được nụ cười cảm ơn, như thế có đáng để vui lòng không? Sao lại thiếu tôn trọng với người đã có công dạy dỗ mình? Em có biết không? Thiếu tôn trọng người khác  tức là thiếu tôn trọng ngay cả bản thân mình!

            Trong các em hôm nay, suy nghĩ đôi khi hãy còn nông nỗi, hành động đôi khi hãy còn bồng bột. Rồi sẽ qua thôi, một ngày nào đó, em sẽ thấy tiếc những gì hôm nay mình đã đánh mất. Vậy thì đừng để những tháng ngày hồn nhiên vấy đục tâm hồn ta. Hỡi những chú chim non, tương lai đang rộng mở đón chờ các em phía trước. Hãy gieo niềm tin, thái độ đúng đắn hôm nay để ngày mai gặt thành công các em nhé. Cũng như hôm nay, cô đặt niềm tin vào sự đổi thay của các em, hãy là những người lội ngược dòng ngoạn mục nhé! Hãy nói với cô rằng: Các em sẽ làm được, và cô sẽ mĩm cười đáp rằng: vậy là các em đã thay đổi chính cuộc đời mình.
            NGÀY MAI BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY ...
            Đúng thế không hỡi những trò nhỏ B, C nghịch ngợm và đáng yêu?
                                                                                                                T.H

1 nhận xét:

hienluong nói...

"Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" mà. Nghịch ngợm là thuộc tính sẵn có của học trò. Vấn đề là nghịch như thế nào và lúc nào cái này cũng lệ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của giáo viên, gia đình và quan trọng hơn nữa là môi trường xã hội và nền giáo dục hiện nay. Chắc bàn về vấn đề này thì nhiều nhiều lắm các chuyên gia giáo dục cũng phải đau đầu. Nhưng riêng tôi thì có một vài ý kiến nhỏ thế này:
- Thật ra chuyện nghịch ngợm của các em cũng là thường tình thôi, người lớn cũng đừng mặc cảm nặng nề nhiều quá.
- Những cái nghịch có tính chất quá trớn thì có biện pháp khoa học và vấn đề là phải có cái tâm ...mới cảm hóa các em được
- Người lớn (nói chung) phải mẫu mực mới làm gương được cho học trò.
- Và ngoài ra vấn đề cải cách giáo dục và công bằng xã hội cũng đống vai trò thiết yếu để gia đình và các em có động lực học hành.
vv...
Và còn vài điều cụ thể sau mà thực tế tôi thấy thường những em nghịch ngợm sau này trưởng thành rất nhiều em thành đạt và quay trở lại biết ơn cô thầy dẫn dắt mình....
Vậy nên các cô thầy ơi nếu trò ra đường không chào mình thì các cô hãy chào trò vài lần đi các cô các thầy sẽ thấy ngay sự tiến bộ của các em.
Vài lời mạo muội, có gì các cô thầy bỏ qua nhé.