Bệnh phong là một bệnh nhiễm
khuẩn hệ thống mạn tính do trực khuẩn phong gây ra. Bệnh gây tổn thương chủ yếu
ở da và thần kinh ngoại biên. Trong những thể nặng hoặc không được điều trị sớm,
bệnh có thể gây tổn thương cơ quan khác như mắt, mũi, họng, thanh quản, viêm
tinh hoàn, tổn thương xương khớp dẫn đến tàn phế.
Bệnh phong lây truyền như thế
nào?
Năm 1873, nhà bác học Hansen
tìm ra trực khuẩn Mycobaterium Leprae gây bệnh phong - là vi khuẩn ký sinh
trong tế bào. Điều kiện lây lan phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, bệnh nhân
phong nhiễm khuẩn là nguồn lây lan chủ yếu. Từ người bệnh trực khuẩn phong bài
xuất qua dịch tiết đường hô hấp và da bị lở loét, trong đó chủ yếu qua dịch hô
hấp. Bệnh nhân phong không điều trị có thể phóng thích mỗi ngày đến 100 triệu
trực khuẩn phong từ các chất tiết ở mũi. Trực khuẩn phong có thể sống được ở
môi trường ngoài cơ thể khoảng 1 - 2 tuần, đặc biệt là trong môi trường tối và ẩm
thấp. Trực khuẩn phong rất nhạy cảm với ánh nắng và môi trường khô nóng.
Hai yếu tố chính quyết định sự
lây truyền là sự tiếp xúc lâu dài với người bệnh và sức đề kháng của cơ thể đối
với trực khuẩn phong (Mycobaterium Leprae).
Bệnh phong có thời gian ủ
bệnh trung bình 2 - 5 năm. Thời kỳ bệnh bộc phát sẽ có các triệu chứng ở da, thần
kinh và các cơ quan khác.
Ở da: các dát bạc
màu hoặc màu nâu hoặc màu đỏ; mảng đỏ, sẩn, cục, u phong đỏ hoặc đỏ đồng; thâm
nhiễm lan tỏa: sưng. Đặc trưng nhất là các tổn thương da có dấu hiệu mất cảm
giác.
Thần kinh: mất cảm
giác, dây thần kinh phì đại, đau nhức teo liệt cơ, triệu chứng do tổn thương thần
kinh giao cảm, da khô, lông rụng, giòn móng, teo da.
Tổn hại các cơ quan
khác: sụp mũi, nói khàn, mất phản xạ giác mạc, mắt nhắm không kín, viêm
giác mạc, viêm xương, tiêu xương gây rụt và cụt ngón tay, ngón chân, bàn tay,
bàn chân, loét bàn tay bàn chân, viêm tinh hoàn, viêm hạch bạch huyết.
Điều trị bệnh phong như
thế nào?
Trước kia, người ta cho
bệnh phong là một trong “tứ chứng nan y”. Người bệnh thường phải sống xa lánh với
cộng đồng. Do không được điều trị kịp thời nên bệnh thường gây nên tàn phế. Đến
nay, bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Nguyên tắc điều trị: Điều
trị cả người tiếp xúc (nếu có bệnh). Cần uống đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian
và đều đặn theo chế độ đa hóa trị liệu. Kết hợp với vật lý trị liệu và giáo dục
sức khỏe cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi các phản ứng và
tai biến do thuốc để xử lý kịp thời.
Thuốc điều trị: Trường
hợp xét nghiệm bệnh nhân có nhiều khuẩn, thời gian điều trị đa hóa trị liệu là
24 tháng bao gồm các thuốc DDS (dapson, disulon, rifampicine, lamprence), giám
sát sau điều trị là 5 năm. Trường hợp ít khuẩn, thời gian điều trị đa hóa trị
liệu là 6 tháng, giám sát 2 năm.
Chú ý chăm sóc lỗ đáo ở
bệnh nhân phong: Đối với lỗ đáo đơn giản, có hay không có tái phát, gồm thực
hiện ngâm chân, mài da chai, cắt lọc làm sạch. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh
đi lại xa và trên đường gồ ghề, giảm áp với sự trợ giúp của giày, bó bột, đi nạng
hoặc ngồi xe lăn một cách thích hợp để vết thương sớm mọc mô hạt mới và lành sẹo.
Đối với lỗ đáo phức tạp,
có viêm xương, cần chỉ định phẫu thuật phù hợp và theo quan điểm điều trị bảo tồn.
Sau khi phẫu thuật nạo xương viêm, lấy xương vụn, băng bó chăm sóc hậu phẫu thì
việc hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi và sử dụng các phương tiện giảm áp đầy đủ để
vết thương nhanh lành sẹo.
Trong giao tiếp phục vụ
người bệnh, nhân viên y tế cần luôn có thái độ thân thiện, gần gũi, nhiệt tình,
động viên giúp đỡ bệnh nhân để giáo dục họ có ý thức tự chăm sóc, cũng góp phần
quan trọng trong việc phòng ngừa bị lỗ đáo và tránh bị tái phát lỗ đáo.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu
hiện nay vẫn là phát hiện và điều trị sớm bệnh phong. Điều quan trọng đối với mỗi
người dân là có quan niệm đúng đắn về bệnh phong: bệnh phong không phải là bệnh
nan y và đáng sợ nữa mà là bệnh nhiễm khuẩn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Cần vệ
sinh thân thể, vệ sinh nơi ở, đồng thời ăn uống đầy đủ, hợp lý để nâng cao sức
chống đỡ với bệnh tật; biết được dấu hiệu sớm của bệnh như dát bất thường trên
da hoặc mất cảm giác thì cần đi khám sớm và theo đúng hướng dẫn điều trị của
bác sĩ chuyên khoa. Khi đã có chỉ định dùng thuốc, cần thực hiện uống thuốc đều,
đủ liều, đủ thời gian 2 năm (đối với trường hợp nhiều khuẩn), 6 tháng đối với
trường hợp ít khuẩn để phòng ngừa hoặc hạn chế tàn phế. Trường hợp có biến chứng
và tàn phế nặng như những trường hợp bị phản ứng phong nặng, bị loét lỗ đáo, tổn
thương mắt cần được điều trị ở chuyên khoa da liễu tuyến
trên.
3 dấu hiệu chính của bệnh
phong:
- Mất hoặc giảm cảm giác ở tổn
thương da hoặc ở vùng da bị bệnh.
- Thần kinh ngoại biên phì đại
và nhạy cảm, phối hợp với các dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh như liệt, mất
cảm giác, teo cơ, loạn dưỡng da.
- Tìm thấy trực khuẩn phong ở
tổn thương (là trực khuẩn hình que thẳng hay hơi cong, dài 1 – 8 micromet, đường
kính 0,3 micromet, kháng acid và cồn. Là loại vi khuẩn ký sinh bắt buộc trong tế
bào. Nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của trực khuẩn phong là 30 – 330C).
BS. Trần Quang Nhật
www. suckhoedoisong.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét