Gió vẫn không ngừng thổi

                                    Quê hương tôi có con sông xanh biếc
                              Nước gương trong soi tóc những hàng tre
                                                            ( Giang Nam)
            Quê tôi cũng là một làng nhỏ ven sông như thế, nơi con sông mang tên làng Lý hòa miệt mài cõng nước ra cửa biển, không quên bồi đắp phù sa cho đôi bờ.
            Cũng như bao làng ven sông khác, dân cư ở đây tập trung đông đúc quanh sông, mọi sinh hoạt, vui chơi và các công trình dân sinh cũng quy tụ về đó: họp chợ, đám cưới, ngồi hóng mát,
tụ tập trò chuyện, trẻ em vui chơi, rồi đua thuyền lễ hội trên sông v.v… Người ta dựng nhà san sát nhau, mặt hướng ra cửa bể như lồng ngực mở căng đón yêu thương vào lòng.
            Người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, những người đàn ông chắc khỏe: “ Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng / Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” ( Tế Hanh) , còn chị em phụ nữ của làng lại ưa thích và có khiếu buôn bán. Chợ nghiêng mình nhìn ra sông nên khúc eo nhỏ này, từ bao đời, đã trở nên sầm uất.
            Hơn mười năm trước, dọc ven sông là những hàng dừa cao vút. Trưa hè chói chang, tàu dừa đong đưa, lá dừa xào xạc. Thanh niên, người già thường mắc võng dưới gốc dừa, lắc lư…lắc lư…giấc ngủ đến dịu êm như nhung huyền. Cũng có lúc, họ trải chiếu tụ họp đàm tiếu dưới tán dừa đến khi bóng xế chiều non mới giải tán. Dừa trở thành người bạn, nước dừa trở thành thức uống đặc sản cho người dân trong làng.
            Còn nhớ một thời tuổi thơ tôi gắn bó với bao kỉ niệm về sông. Những ngày mưa lũ, đôi bờ sông quằn mình hung dữ, mặt sông trở thành mặt biển. Bà con xắn quần bì bõm, học trò nối đuôi nhau dò dẫm tìm đường vào trường. Đúng hướng nhé! Không thì…Oái! Tớ bị sụt chân ướt hết cả áo rồi. Cả lũ cười ngặt nghẽo dưới mưa. Ngày nắng, sau giờ tan học, lũ trò nhỏ chúng tôi thường đứng nán lại trên triền sông say sưa nhìn các bà, các chị lưng gùi giỏ mây, tay thoăn thoắt gãy hàu nhô lên từ các hòn đá vôi phơi mình dưới nắng. Thi thoảng, lại thích thú hò reo cổ vũ khi nhìn thấy những chiếc nón nhấp nhô như những chiếc nấm trắng xinh xinh đang di chuyển dưới nước: Các bà mẹ Hiền sơn đang xúc tép vào giỏ đấy! Tôi chợt miên man lạc vào thế giới cổ tích, ở đó chị Tấm cũng từng lặn ngụp mò cua bắt tép để mong được thưởng yếm đỏ. Còn các mẹ? Có chăng là sự đắp đổi mưu sinh…
            Chao ôi! Một thời….Ngày xưa ơi!...
            Giờ thì sự tăng nhanh cả về dân số lẫn hạ tầng, cộng với sự biến đổi khí hậu đã phần nào làm sông biến đổi. Dừa không còn nữa. Kè sông được xây kiên cố, vì vậy diện tích nền đường tăng lên đáng kể. Nếu như ngày xưa trục đường chính vào làng nhỏ hẹp, đường đất gồ ghề thì bây giờ mặt đường thay áo mới, chiếc áo bê tông sạch sẽ và bằng phẳng, rộng rãi, thoáng mát hơn. Dừa không còn, thay vào đó là các cây cảnh cũng đã đến thời khai hoa nở nhụy, xòe rộng tán cây như bàn tay thon dài che nắng. Người dân từ các ngõ hẻm vẫn có thói quen cũ, tụ họp dưới tán cây râm ran. Tôi đã có dịp đi qua khá nhiều sông, lớn có, nhỏ có, trong xanh có nhưng hiếm thấy một con sông quê nào lại có bờ kè kiên cố và đẹp như sông Lý hòa- một bờ kè dài và rộng nối khúc sông từ đầu làng ra biển, có cây xanh, có đường lát gạch hệt như một công viên thu nhỏ. Trên kè ấy, thi thoảng lại thấy dựng rạp cưới, rèm phấp phới trong gió khoe đủ sắc màu. Đám cưới bên sông, còn gì lãng mạn và thơ mộng bằng!
            Tôi thích đứng từ trên cầu ngắm sông và làng, nhất là vào ban đêm, đặc biệt là những đêm trăng thanh. Phải chiêm ngưỡng ở một khoảng cách  và độ cao vừa phải, bạn mới bao quát được không gian rộng lớn của làng. Còn gì thư thái trong khung cảnh trăng thanh gió mát, ánh trăng dát vàng lấp lánh soi mình xuống mặt sông. Và kia! Những ngọn đèn cao áp từ con đường làng cũng đang nô đùa dập dềnh trên từng con sóng nước. Ngôi làng ban ngày sầm uất là thế. Ngôi làng ban đem bỗng nhiên bừng thức, rực rỡ, huy hoàng như một cung điên nguy nga ẩn mình trên dòng sông. Nam thanh nữ tú đứng chơi trên cầu trầm trồ khen ngợi, hành khách qua đường ngỡ ngàng ngạc nhiên…Đẹp quá! Sao lại có một ngôi làng nhỏ nhắn, xinh xắn hệt như trong cổ tích thế nhỉ?
            Dòng sông trải qua bao biến đổi thăng trầm lịch sử trở nên dịu dàng như người chị gái trưởng thành. Dòng nước hôm nay hiền hòa, mặt nước hôm nay trầm mặc, sông vẫn lả lướt đi về hôm sớm, vẫn say sưa ngân khúc tình ca đưa thuyền ra biển. Đã qua rồi những ngày bom Mĩ quần nát lòng sông, những đêm con nước hung dữ tràn bờ, và một thời tuổi thơ khốn khó của tôi, của làng đã để lại nơi đó. Giờ đây, sau hơn ba trăm năm lẻ ra đời, sau chừng ấy khoảng thời gian bôn ba đi tìm lẽ sống để chắt chiu trưởng thành,  để làm mới mình, Lý hòa ngày nay bỗng nhiên trẻ hóa như thiếu nữ e ấp trong tà áo tứ thân rực rỡ sắc màu. Lý hòa thân thiện, cởi mở; con người với tâm thế sẵn sàng đón đợi cái mới. Ai đó nói rằng: “ Làng Lý hòa như một Hồng- kong thu nhỏ”. Đúng thế không? Tôi chỉ biết rằng, với bất cứ người con Lý hòa nào, dù đi đâu, cũng mang trong mình niềm tự hào về quê hương mình giàu đẹp. Và con sông ấy, chỉ giản dị một cái tên làng, đã gắn bó rồi sẽ cùng đưa làng tới miền tương lai sáng lạn!
            Ngoài kia, gió vẫn không ngừng thổi.
            Trăng thì vàng phơi mình trên cửa bể,
            Thuyền buông câu khua động ánh trăng thanh…
                                               
                                                                                                Thu Hằng

Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: