Chưa rõ bắt đầu từ bao giờ và ở đâu mà xuất hiện các mệnh đề... “cán bộ phải có tâm và phải có (và ngang) tầm”...
Ban đầu là từ cửa miệng một vài người, giờ đây cái mệnh đề đó đang trở nên phổ biến trong giao tiếp xã hội, nhất là trong tự vấn cá nhân. Đây không phải là thời thượng, “nói theo” mà thật sự là một nhu cầu bức xúc, chân thành.
Thế nhưng, thế nào là có tâm, là có tầm, ngang tầm, từ trong quan niệm để chuyển thành thực tiễn hoạt động và quan hệ của mỗi người, trước hết là với cán bộ, đảng viên đi trước, làm gương để làng nước đi theo, làm theo.
Hóa ra mọi chuyện không dễ dàng. Vẫn biết rằng đây là một mệnh đề lý thuyết nhưng lại hoàn toàn không phải là sách vở hàn lâm!
“Có tâm”, chuyện cũ mà lại luôn luôn mới từ dân thường đến kẻ sĩ, quan chức. Vì những sự thật nhãn tiền hằng ngày trên báo chí, công luận và dư luận, cuối cùng thì cũng vẫn không ngoài một chữ tâm, như là tâm điểm, như là vấn đề của mọi vấn đề.
Chẳng ai độc quyền về chữ tâm khi bàn luận nhưng hễ đụng chạm đến là “chín người mười ý”; “chữ tâm kia cũng có ba bảy đường” và rồi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Để rồi giữa tâm và tài luôn tồn tại song hành, xung đột, loại trừ nhau, hay là thống nhất làm một từ trong bản chất.
Tâm là đức mà cũng là tài đó, là sự thống nhất giữa động cơ và hiệu quả trong từng hành vi của con người. Vì suy cho cùng thì mỗi người “làm người và sống ở đời” (lời Bác Hồ) làm sao cho ích nước lợi dân, cũng là hòa nhập và tự khẳng định, để được tôn trọng, quí mến và thương yêu trong sự phán xét công minh và nghiệt ngã trước hết của miệng thế gian ngay khi còn đang sống trong cuộc đời và sau khi nhắm mắt xuôi tay, để lại danh thơm hoặc tiếng xấu.
Thế còn “có tầm”, “ngang tầm” là thế nào, lấy gì làm chuẩn mực để xác định chữ tầm? Chức vụ, quyền hạn (gắn với đãi ngộ, lợi ích) hay là bằng cấp, học vị, xét trong quan hệ giữa cái mình đã có, đang có với cái mình cần có theo quan niệm đã thành thông lệ, được chuẩn hóa.
Tất cả đều cần nhưng rõ ràng là chưa đủ, từ cốt lõi. Có tầm và ngang tầm chính là và trước hết là đáp ứng những nguyện vọng bức xúc, thiết thân của đồng bào, đồng chí, bà con thân thuộc, gần gũi ngay ở từng cơ quan, đơn vị, địa bàn cơ sở.
Tầm là tầm nhìn từ nhìn nhận mà ứng xử với việc với người, nhìn cho xa và cho sâu, không nên và không chỉ nhìn lên mà cần phải “nhìn xuống”, tạm gọi là như vậy. Nhìn bằng con mắt và bằng tấm lòng, việc gì có lợi cho dân thì dù khó mấy cũng phải làm, việc gì có hại đến dân thì dù ít mấy cũng phải tránh. Như vậy thì cái tâm và cái tầm thống nhất làm một.
Có tâm và có tầm, ngang tầm, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, của sự nghiệp mà ta dấn thân, nhập cuộc nhưng trước hết là mệnh lệnh của lương tâm.
“Cách mạng tiên cách tâm” lời dạy của Bác Hồ, để tâm luôn trong sáng và luôn nâng lên ngang tầm, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đến chuyện “tương cà mắm muối hằng ngày”