Bệnh tay - chân - miệng: Cảnh giác trước năm học mới


Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, tính đến nay cả nước đã có hơn 20 nghìn ca mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó có 59 ca tử vong. Những địa phương có số ca mắc nhiều là Ðồng Tháp, Bình Dương, Ðồng Nai... Thành phố Hồ Chí Minh có số ca tử vong cao nhất với 21 ca. Ðiều đáng lo ngại là bệnh tay - chân - miệng không chỉ bùng phát ở các tỉnh phía Nam mà còn xuất hiện ở cả miền Bắc và một số tỉnh nông thôn, miền núi như: Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hòa Bình, không chỉ ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi còn xuất hiện trường hợp người lớn bị nhiễm bệnh này.

Người lớn cũng có thể mắc
Tại các bệnh viện năm nay số trẻ trên 5 tuổi mắc bệnh tay chân miệng nhập viện nhiều hơn so với những năm trước. Hiện nay, tại tỉnh Vĩnh Long và Thanh Hóa đã ghi nhận có vài trường hợp người lớn mắc bệnh tay - chân - miệng. Các trường hợp trên mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở hai địa phương và mới chỉ ở thể nhẹ, chưa đáng lo ngại như tại trẻ em. Phần lớn các trường hợp người lớn bị tay - chân - miệng thường là do lây bệnh từ trẻ nhỏ qua việc chăm sóc trực tiếp. Trường hợp người lớn bị mắc bệnh này đều có những tổn thương giống như tổn thương cơ bản của bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em như: sốt, đau người, tổn thương phỏng ở gan bàn chân, bàn tay, bị loét miệng.
 Một bệnh nhân lớn tuổi được chẩn đoán mắc tay - chân - miệng ở Đà Nẵng.   Ảnh: TT 
Theo báo cáo giám sát dịch bệnh, tỷ lệ mắc bệnh tay - chân - miệng ở người lớn vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng số các trường hợp mắc, vào khoảng 1%. Do đó với tình hình bệnh tay - chân - miệng năm nay diễn ra phức tạp, với số ca mắc tăng mạnh thì việc có nhiều người lớn mắc dịch bệnh này không phải là điều bất thường.
Số ca mắc có nguy cơ tăng
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua phân tích tình hình, cũng như quy luật diễn biến của bệnh tay chân miệng, trong những tháng tới đây, nhất là từ tháng 9 tới tháng 11, số ca mắc tay - chân - miệng sẽ còn tiếp tục tăng và sẽ lây lan rộng hơn. Do đây là thời điểm bắt đầu năm học mới, trong khi đó bệnh này lại chủ yếu mắc và lây lan ở trẻ em nếu việc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các trường học không được quan tâm và thực hiện triệt để. Cho đến nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều chưa có vaccin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay - chân - miệng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ.
Bệnh tay - chân - miệng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân nhiễm virus nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho cả trẻ em và người chăm sóc trẻ (phụ huynh, giáo viên), nhất là khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn. Việc phòng bệnh ở người lớn và trẻ em là giống nhau như: thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hằng ngày; vệ sinh môi trường, làm sạch các bề mặt và khử trùng đồ chơi của trẻ em, dụng cụ sinh hoạt, không ăn chung thìa, bát hoặc tiếp xúc với người bị bệnh…
 Chăm sóc trẻ mắc tay - chân - miệng cần chú ý thực hiện vệ sinh hạn chế lây nhiễm.    Ảnh: Minh Đức
Các bậc cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe con em mình, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối để cách ly và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ để hạn chế lây nhiễm bệnh từ trẻ.
Ngành y tế hiện vẫn đang  tích cực phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về các biện pháp phòng bệnh. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên tục giám sát, phát hiện ổ dịch mới, tập trung xử lý triệt để, tổ chức phân tuyến điều trị hợp lý, tránh hiện tượng quá tải bệnh nhân tại bệnh viện, hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong. Hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới về chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng tại các cơ sở y tế.
 Hà Anh(suckhoedoisong)

Không có nhận xét nào: