Bạo lực gia đình - Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, làm tổn hại cả về thể chất và tinh thần của rất nhiều phụ nữ và làm mất ổn định cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Bạo lực xảy ra thường xuyên với tầng số cao thường làm giảm sự tự chủ, tính sáng tạo, gây ra những tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn về thể chất và tinh thần người bị hại. Những năm gần đây, bạo lực gia đình diễn ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, có gia tăng nhanh chóng đối tượng vi phạm cũng như nạn nhân ở khắp các vùng, miền trong cả nước.
Trong gia đình, đối tượng bị xâm hại từ hành vi bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em và người già. Trong đó, phụ nữ là đối tượng bị xâm hại phổ biến nhất. Các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, nhất là người vợ trong gia đình thường tồn tại dưới các dạng: sỉ nhục, đánh hoặc giết vợ; cấm đoán, hạn chế các hoạt động của vợ trong các mối quan hệ cộng đồng, xã hội, đặc biệt là nghiêm cấm vợ tìm kiếm sự độc lập về kinh tế; cưỡng ép vợ quan hệ tình dục và mang thai ngoài ý muốn; phớt lờ, thờ ơ, vô trách nhiệm với vợ; ngoại tình, ruồng rẫy bỏ rơi hoặc bỏ vợ; ép vợ phải bán dâm…
Đối với trẻ em, bạo lực gia đình chính là sự ngược đãi của bố mẹ hoặc những người thành niên khác; là sự xâm hại các quyền của trẻ em đã được pháp luật bảo vệ. Trẻ em luôn luôn là tâm điểm của cuộc sống chúng ta. Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển, tham gia và được bảo vệ không bị xâm hại trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, không bị phân biệt đối xử. Đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em là đầu tư cho an toàn xã hội, phát triển con người, là bảo hiểm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Những năm gần đây, nền kinh tế thị trường phát triển, đã tác động rất sâu sắc đến đời sống gia đình trên nhiều khía cạnh, nhất là ở mặt tiêu cực. Đã làm đảo lộn cả luân thường đạo lý. Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng có khuynh hướng gia tăng. Hàng ngày, nhiều người trong chúng ta phải chứng kiến sự ngược đãi, khinh rẻ người già, thiếu tôn trọng, hiếu đễ giữa vợ chồng, cha mẹ, anh em. Những câu chuyện về chồng hành hạ, đày đọa đánh đập vợ con do say rượu, do bức xúc xã hội, do nghèo đói… nàng dâu đánh đập mẹ chồng, đầu độc bố chồng; con cái bỏ bê không chăm sóc cha mẹ già, anh em đánh chém lẫn nhau vì gia tài, vì vài ba mét đất. Đây đó chúng ta còn bắt gặp không ít những bạo hành, chà đạp lên nhân phẩm và thân thể phụ nữ như nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới… Cùng nhiều tệ nạn khác đã đẩy không ít phụ nữ, trẻ em đi đến kết cục bi thảm và gieo vào xã hội những mầm tư tưởng bệnh hoạn, những căn bệnh khủng khiếp của thế kỷ… là nỗi đau, sự nhức nhối của mọi người, của toàn xã hội. Nó hoàn toàn trái với bản chất của chế độ ưu việt của chúng ta.
Sở dĩ bạo lực gia đình còn đất để phát triển là do còn nhiều người, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên quá thờ ơ và coi đó là chuyện nội bộ của gia đình nên không có sự can thiệp tích cực ngay từ đầu. Ngay cả các nạn nhân của bạo lực gia đình, do xấu hổ, sợ miệt thị, sợ bị trả thù, hoặc vì lệ thuộc về kinh tế; thiếu hiểu biết pháp luật nên âm thầm chịu đựng; chỉ đến khi không thể chịu đựng hơn được nữa mới dám nói ra hoặc có hành động tiêu cực, thậm chí tự sát, gây bạo lực, hoặc giết người. Trong khi đó những biện pháp can thiệp của các cơ quan chức năng và đoàn thể chưa hiệu quả, dư luận xã hội thiếu lên án mạnh mẽ, pháp luật thì thiếu những quy định cụ thể nhằm phòng, chống tệ bạo lực trong gia đình.
Đã đến lúc các cấp, các ngành và toàn xã hội cần phải có cái nhìn đầy đủ hơn, đúng hơn về nạn bạo lực trong gia đình. Phải coi đây là một vấn nạn, việc hạn chế, chống lại bạo lực trong gia đình là yêu cầu cấp bách, là trách nhiệm của mọi người, mọi gia đình và của toàn xã hội.
Vậy chúng ta cần làm gì để bao lực gia đình không diễn ra?
Trước hết phải nâng cao trách nhiệm của mỗi người, bởi từ trước tới nay, mọi người vẫn có quan niệm “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, chuyện chồng đánh vợ chỉ là chuyện bình thường trong lúc nóng giận, hay đơn giản là họ đang “dạy vợ”, người ngoài không nên can thiệp.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng ở địa phương, các hội đoàn thể chưa quan tâm thấu đáo. Thực tế ở nhiều nơi khi xảy ra sự cố, người bị hại phải đi cấp cứu hoặc điều trị tại các trung tâm y tế thì các cơ quan chức năng, các hội đoàn thể mới vào cuộc.
Biện pháp hữu hiệu là giải thích cho họ hiểu phụ nữ cũng có quyền bình đẳng như nam giới trong mọi lĩnh vực, giải thích cho họ hiểu bạo hành gia đình là một vấn nạn của xã hội, là một hành động cần lên án, chứ không đơn thuần là chuyện trong nhà. Nhẫn nhịn không phải là cách để gia đình hạnh phúc, để có được hạnh phúc phải là sự chia sẻ, động viên và giúp đỡ của cả hai người.
Trách nhiệm của mọi người là phải hành động tích cực, coi bạo hành gia đình là vấn đề chung của toàn xã hội, đem đến cho những phụ nữ bị bạo hành thông điệp: “Phòng chống bạo lực giới, họ không đơn độc” để tạo dựng niềm tin cho họ - những nạn nhân của bạo hành gia đình đang rất cần sự chung tay giúp sức của tất cả mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét