Đất và người Lý Hòa (Chương II phần 1)

CHƯƠNG II: HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA CƯ DÂN LÝ HÒA
Cũng như người Việt ở các làng khác, người Việt ở Quảng Bình là cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời. Tuy nhiên do sống trong môi trường địa lý không thuần nhất về môi trường sinh thái nên cư dân từng làng có những hoạt đông kinh tế không giống nhau. Cư dân ở vùng đồng bằng ven các con sông lớn thường làm nghề nông ( trồng trọt và chăn nuôi), kết hợp với một số nghề phụ. 
Cư dân vùng ven biển làm nghề ngư nghiệp và ngoài ra còn có một số làng làm nghề thủ công nghiệp, hoặc là sự kết hợp giữa các nghề với nhau như ngư nghiệp – thương mại. Mặc dù là một làng được hình thành lâu đời nhưng điều đặc biệt là ruộng đất ở Lý Hòa rất ít. Theo địa bạ làm từ thời Gia Long ( 1802 – 1819) làng Lý Hòa có 28 mẫu 1 sào 6 thước cũng đều là đất thổ trạch ( đất làm vườn nha), 18 mẫu 8 sào 13 thước là đất hoang gò đồi cát, hay ngập mặn, đất chùa miếu và đất mộ cũng không lớn. Vì thế nên nông nghiệp không có điều kiện phát triển và đúng ra cư dân của làng hầu như không làm nghề nông. Tình hình ruộng đất ở làng Lý Hòa có nhiều điểm khác biệt, tổng diện tích đất rất ít so với các làng khác đó là đặc điểm của Lý Hòa là làng ven biển, chỉ có một ít đất nhà ở và đất hoang gò đồi không đáng kể, đất này lại không thể canh tác được. Việc mua bán đất ở Lý Hòa diễn ra không mạnh mẽ, chỉ có một số ít gia đình giàu có mua đất nhưng không đáng kể với diện tích cũng rất ít. Ruộng đất mua chủ yếu là ở các vùng xung quanh. Nguyên nhân do diện tích đất ở làng ít, không có diện tích trồng lúa lại không màu mỡ nên việc phát canh thu tô diễn ra ít và không hiệu quả. Số ruộng đất trên của làng hiện nay chuyển cho người dân xã Phú Trạch sử dụng vì vậy hoạt động kinh tế chính của họ là nền kinh tế biển và buôn bán. Ngoài ra cũng có nhiều hoạt động kinh tế khác như: thủ công nghiệp, một số nghề phụ như đan lưới, làm lưỡi câu…


 2.1. Kinh tế biển
Gắn liền với biển, sống với biển nên cư dân Lý Hòa đã tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của mình. Với bờ biển dài 5km và nhiều bãi rạn ngầm có thể nói kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Lý Hòa. Từ khi thành lập làng người dân Lý Hòa đã gắn liền với biển khơi trên những chiếc ghe bầu. Số hộ dân tham gia vào hoạt động kinh tế này chiếm trên 50%, con cá của biển khơi vừa là miếng cơm, thức ăn, cái mặc, nhà cửa thuyền ghe và cũng là nguồn dự trữu của người dân biển vào mùa đông. Con cá, con tôm chính là cuộc sống của người dân và nó cũng trở thành hàng hóa chủ yếu để người Lý Hòa lấy nó trao đổi, buôn bán với nhau và mở rộng ra với các làng lân cận. Hiện nay trong cơ cấu kinh tế làng Lý Hòa, kinh tế biển không còn giữ được vai trò chủ đạo như trước nhưng nó vẫn là một nghề quan trọng với cư dân, có khoảng 26% hộ dân làm kinh tế biển với trên 100 chiếc tàu đánh cá xa bờ, còn lại chủ yếu khai thác gần bờ với các nghề như bong, lộng, khơi,… Nhìn chung kinh tế biển Lý Hòa phát triển mạnh với những nghề sau: đánh bắt thủy hải sản, chế biến hải sản và vận tải đường biển.


2.1.1. Nghề đánh bắt thủy hải sản

Đánh bắt thủy hải sản là nghề nghiệp làm ăn chính và lâu đời của dân cư Lý Hòa. Từ việc đánh bắt thủy sản trên sống (nước lợ) đến việc đánh bắt hải sản ở biển; hải sản bãi ngang, trong lộng đến việc đánh bắt nhiều ngày ở biển khơi,… để đạt hiệu quả cao, mỗi loại cá, loại mực đều có phương tiện và kỹ thuật riêng của nó. Kỹ thuật thì lưu truyền, phương tiện thì do tích lũy mà có, vì vậy “điền tư, ngư chung” ai cũng có thể biển vời, câu kéo được nhưng không phải ngư dân nào cũng trở nên giàu có như nhau. Theo dòng lịch sử, số người trong cư dân có tay nghề giỏi, từ đó tích lũy và có đủ phương tiện để trở thành vạn chài không nhiều. Nhìn tổng quát chính lao động của ngư dân nói chung là nghiệp chính cho cuộc sống gia đình mình và góp phần vào việc cung ứng nguồn thực phẩm tươi sống bằng hải sản cho dân làng và các làng trong khu vực, cả ở huyện và ở tỉnh nữa,
Nguồn thủy hải sản ở biển Lý Hòa phong phú đa dạng. Khi ngọn gió bắc đem mưa dầm khí rét về là lúc đó người dân Lý Hòa đón một mùa tôm hùm cá dở. Tôm hùm là loại tôm có kích thước khá lớn so với các loại tôm khác, vỏ cứng, thịt tôm màu trắng, hàm lượng đạm cao. Đây là món ăn vừa ngon, vừa bổ và hiện nay cũng là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Ngoài tôm hùm, ở đây còn có nhiều loại tôm khác như: tôm vang, tôm tít, tôm sú,…đều là những loại có giá trị kinh tế cao và đưa lại thu nhập đáng kể cho các ngư dân.
Nói đến biển Lý Hòa phải kể đến các loại cá. Cá ở đây nhiều chủng loại, có nhiều loại mang lại giá trị kinh tế cao. Loại cá kể đến trước tiên là cá dở, xuất hiện khi bắt đầu có gió đông bắc, rét đậm sau khi biển động mạnh. Mùa cá này tập trung chủ yếu là tháng 11 và 12, mỗi con nặng khoảng 3 đến 5kg. Cùng với cá Dở còn có nhiều loại các có giá trị khác như cá bè cháy, cá ngứa, cá vược, cá cam. Chính nguồn thủy hải sản phong phú như trên mà nghề đánh cá biển ở đây cũng phong phú và đa dạng, gồm các nghề sau:
Ø  Nghề làm rút (nghề mành chốt cổ truyền)
Đây được coi là một nghề chính của cư dân Lý Hòa, có mặt từ thời điểm thành lập làng. Lợi dụng tập tính của các loài cá nổi thường tập trung núp bóng ở các gò, rạn, vật trôi nổi trong nước, ngư dân thường thả những gốc chà rạo dọc ven biển để thu hút các loại cá nổi nỏ như cá nục, cá chỉ vàng,… khi đàn cá di chuyển qua, gặp các gốc chà chúng thường tụ tập lại để “dựa bóng” bắt mồi. Khi quan sát thấy đàn cá tụ tập nhiều, người ta lựa chiều gió, hướng nước chảy thích hợp rồi thả lưới mành để bắt cá. Mùa hè đến cũng là lúc mùa nghề rút bắt đầu hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9, trọng điểm là từ tháng 4 đến tháng 6. Trong khoảng thời gian này, thời tiết ổn định, cá về tụ tập sinh sống rất nhiều. Loại cá của nghề này chủ yếu là cá chim, trích, cá nục,…Làm nghề này cần một đội ngũ khoảng chừng 10 lao động và thuyền có trọng trải từ 20 – 25 tấm đóng dạng vòng cung, bụng thoải nhằm tăng lự chở. Ngư trường của nghề này lấy việc trỉa chà làm chủ yếu. Chà càng rậm, càng lớn, càng dày thì thu hút càng nhiều cá đến ở. Điều đặc biệt là các ngư dân luôn phải làm đẹp cho chà để đủ sức quyến rũ các loài cá khó tính. Chà đối với cá cũng như khách sạn đối với ngành du lịch vậy, có thể khẳng định rằng: không thể có nghề mành rút nếu không có chà. Đối với nghề này, các ngư dân Lý Hòa phải có sự nhìn nhận sắc sảo con nước ở từng ngư trường, dựa vào thời điểm của tuần trăng mà đoán định. Kỹ thuật mà ngư dân Lý Hòa thường sử dụng là dùng phao để dò tầng nước và cần phải có một kỹ thuật điều khiển dứt khoát khi giật lưới lên. Chính lao động của nghề rút này góp phần rèn luyện thêm cho con người sự nhanh nhẹn, ý thức tự giác, gắn bó với nhau.
Năng suất của nghề này khá cao so với nghề khác. Trải qua quá trình lâu dài, ngư dân Lý Hòa đã đúc rút được những điều quý báu trong nghề rút: muốn tỉa chà chính xác phải tính hướng nước chảy để đặt neo, nếu đi từ trong ra phải đặt neo trong trước sau đó đặt neo ngoài. Nước chảy êm, cá thường hay ăn nổi, nước càng chảy cá càng xuống sâu, phải nhìn nước cho đúng để bỏ lưới. Để lấy đúng chà theo ý muốn, họ thường lấy các đỉnh núi làm tiêu điểm sao cho khoảng cách tạo ra giữa đỉnh núi với chà làm một đường để nhắm vào hướng núi mà bắt chà. 
Nghề mành chà trước kia rất phổ biến, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây đã bị mai một dần, hiện nay không còn do nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm sút cùng với các tệ nạn đánh cá bằng chất nổ đã hủy hoạt hầu hết các gốc chà. Nghề mành chà truyền thống nếu được khôi phục là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ nguồn thủy hải sản ven bờ rất hiệu quả

Ø  Nghề xăm tủ
Đây cũng là một trong những nghề làm ăn chính của người dân Lý Hòa, vì thế mà họ thường nói: “làm ăn cả năm không bằng thợ xăm tháng 8”.
Gọi là xăm tủ vì lưới của nghề này thường làm bằng tơ càn, một thứ tơ dệt rất thô kệch, dần dần được thay thế bằng loại tơ thanh, mịn hơn gọi là “tủ”. Phải chăng tên gọi của nghề này xuất phát từ ý nghĩa đó? Chiều dài một vòng lưới xăm tủ khoảng 120 sải, cao 3,5 sải làm thành hai que nối với nhau, ở giữa có một cái túi gọi là đày dài khoảng 4 – 5 sải. Tất cả đều cấu tạo một cở lưới, mắt lưới rất nhỏ, trên vành lưới có buộc phao, phía dưới lưới buộc chì có tác dụng làm lưới chìm sâu dưới nước. Xăm tủ là nghề hoạt động gần như quanh năm ở sát bờ. Ngày trước ngư dân phải đóng trại tại bãi biển theo dõi cá hàng ngày để kịp thời phát hiên ra cá ác lộng mới thu năng suất cao. Từ thuáng 11 đến tháng chạp âm lịch nước đục thì đánh cá cơm bạc, đến tháng giêng, tháng 2,3 thì đánh cá cơm than, cơm toi, cá dù. Tháng 4 bắt đầu đánh cá ne cho đến hết tháng 5, tháng 6. tháng 7 thì đánh cá ruội cho đến hết tháng 10. Nói chung tất cả các loại cá áp lộng, dù to hay nhỏ thì ngư dân vẫn có thể đánh bắt được. Với nghề này người ta bủa cá ở làn nước tứ 4 – 5 sải, khi phát hiện được những đàn cá đi lên từ dòng nước chảy người tra bủa lưới xuống theo hình bán nguyệt. Người ở trong bờ dùng neo nỏ cắm xuống bờ sau đó buộc dây vào neo rồi cùng với người trong thuyền kéo hai đầu lưới lên. Năng suất cá rất cao, có mẻ đạt tới 20 tấn, nghề này đánh cá chủ yếu dựa vào trăng nước, chỉ có người có kinh nghiệm thì mới hiểu được về con nước và đem lại hiệu quả cao sau mỗi lần đi biển. Hiện nay nghề này vẫn còn đem lại nguồn thu nhập cao cho các ngư dân, nhưng năng suất thấp, 1 năm đánh bắt khoảng 30 đến 50 tấn.

Ø  Nghề lưới rê
Nghề lưới rê là khái niệm chung chỉ loại nghề đánh bắt dựa trên nguyên tắc dùng lưới thả trôi chắn ngang hướng di chuyển của đàn cá để cá mắc dính vào lưới (thân cá đóng vào mắt lưới). Cũng như nghề xăm tủ, nghề lưới rê hoạt động hàng năm nhưng mạnh nhất vào các tháng 3, 4 và 5. Thành phẩm của nghề này chủ yếu là các loại cá ngon như cá thiều, cá nghéo, cá ngừ, cá thu,… Lưới rê được làm bằng sợi gai, cao khoảng 10 sải, dài 35 – 40 sải, mắt lưới thua. Thuyền chạy bằng 2 buồm với sức trọng tải 6 tấn, một thuyền thường đi 7 người. Kỹ thuật quan trọng nhất của nghề này là cần phải xác định được ngư trường vì nghề rê khơi là một nghề đót đường cá. Ngư trường đánh bắt cá của rê khơi không cố định nên không thể dùng chà để nhử cá mà phải luôn luôn di động thật linh hoạt trong việc đón đường cá. Vào tháng 10, 11 và tháng chạp người dân biển thường sử dụng phương pháp đánh lưới nổi vì những tháng này cá thường đi ăn nổi. So với các nghề khác, nghề rê đơn giản về dụng cụ chài lưới, dễ tu sửa nhưng không cho năng suất cao như nghề xăm tủ có mẻ chỉ đánh được khoảng 5 tạ, tuy nhiên về chất lượng cá thì lại vượt hơn hẳn các nghề khác. Hiện nay ngư trường đánh bắt cá khá rộng, từ vùng biển ven bờ ra đến biển khơi, tàu thuyền lưới cản được lắp máy công suất lên tới 155CV. Lưới rê các loại hiện nay được làm bằng lưới tổng hợp dệt sẵn, kích thước mắt lưới cỡ 50mm đối với nghề lưới cản khơi, cỡ 30mm đối với nghề cản ven bờ (còn gọi là lưới thanh ba).

Ø  Nghề bủa câu
Mùa bủa câu từ tháng 10 âm lịch đến tháng 3 năm sau nhưng chính vụ của nó là tháng 11 và tháng chạp,… Loại cá chủ yếu của nghề này là cá dở, cá thiều, cá nghéo,… Hai tháng này trời rét đậm, cá đói mồi nên dể ăn câu. Nghề này đòi hỏi người trên thuyền phải luôn luôn phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau thất liên hoàn để vừa câu được cá vừa làm cho cá tươi khi lên đến thuyền.
Ø  Nghề bóng khơi
Nghề bóng khơi hay còn gọi là nghề bóng hồng là một nghề cỗ xưa của cư dân Lý Hòa. Khác với các nghề khác, nghề bóng khơi không dùng lưới hay câu để đánh bắt cá mà dùng dụng cụ là bóng và trà để đơm cá. Bóng là một loại “đó” cổ to hình ống hay hình hộp chữ nhật, đan bằng tre, có miệng cho cá chui vào nhưng không thể chui ra được. Để làm ra được những cái bóng tốt phải chọn những cây tre già, thẳng, sau đó chẻ ra, vót thành nan. Bóng đan xong trước khi đem đi thả phải ngâm trong nước một thời gian cho thấm nước, rồi dùng những viên đá nặng 10 - 15kg cột phía dưới cho bóng khỏi nổi lên mặt nước. Bóng được thả xuống độ sâu bao nhiêu tùy thuộc vào thời điểm thả biển động hay êm, nhưng thông thường là 40 – 45m. Bóng được thả thành chum 2 cái cột với nhau, mà theo cách gọi của người dân là hàng. Giữa các hàng được nối bằng 1 sợi dây làm bằng ruột tre chẻ nhỏ và lá gáy bện lại, to cở ngón chân cái. Mùa bóng khơi thường từ tháng 8 đến tháng 11 là nhiều nhất. Nghề này thu hoạch cao àm chi phí lại ít, không cần nhiều vốn để sắm dụng cụ đánh bắt, sản phẩm của nghề này là cá Hồng. Với nghề này, đòi hỏi cư dân phải luôn sang suốt, bình tĩnh gan dạ, phải biết tính làn rạn để trỉa chà vì chỗ có rạn, cá sẽ tụ tập nhiều nhất. Tháng 9 và tháng 10 trỉa ở làn nước 37 sải, tháng 11 và chạp trỉa ở làn nước 40 – 42 sải. Trời rét cá thường đi vào, ấm cá thường đi ra khơi. Tuy nhiên nghề này rất nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân bởi mỗi chuyến đi kéo dài vài tháng lênh đênh giữa biển, khi dò trúng ngư trường rồi thì từng ngư dân phải tác chiến độc lập tren chiếc thuyền thúng, cách nhau cả cây số. chuyện khắc nghiệt của thời tiết, chuyện rủi ro trên biển không ai có thể dự đoán trước được, cũng chính vì điều này mà họ tin vào sự che chở của thần linh, tin tưởng vào cá voi – vị thần hộ mệnh của họ trên biển.
Nghề bóng khơi ở xã hiện nay không còn nhưng các ngư dân lại chuyển sang nghề thả bóng mực. Khác với bóng bắt cá, bóng mực có hình chữ nhật, xung quanh được bao bằng lưới, một mặt bóng được che bằng lá đùng đình, còn bên trong treo trứng mực làm mồi nhử. Nghề này có năng suất cao, một năm khai thác khoảng 100 tấn, 1kg mực lúc cao nhất được 250.000 đồng, vì vậy mà thu nhập của các ngư dân cũng ổn định hơn.

Ø  Nghề đánh ruốc
Ruốc là đặc sản của biển Lý Hòa, hàng năm cứ từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa bắt ruốc. Cũng như con cá, ruốc cũng di chuyển sinh sống theo trăng, nước. Mỗi con có một quy luật khác nhau nhưng con nào cũng thích hoạt động lúc nước êm. Tùy theo tuần trăng, theo dòng nước chảy của mỗi khu vực biển mà ruốc có lối đi không ổn định, lúc thì đi nổi, lúc đi chìm; khi đi thành từng mảng nhưng có lúc chỉ vài con lai rai. Có nhiều loại ruốc như ruốc lặn, ruốc kéo, ruốc le, ruốc mức,… Năng suất nghề này không cao, có năm không có, ruốc mức thường con nhỏ. Tuy nhiên ruốc là nguồn thu nhập quan trọng của cư dân Lý Hòa.
Như vậy nghề đánh cá ở Lý Hòa đa dạng và phong phú và là một trong những nghề nghiệp chính của cư dân biển. như những gì đã trình bày ở trên chúng ta thấy kinh tế Lý Hòa trong truyền thống thuộc loại kinh tế biển trong đó đánh cá giữ vai trò chủ yếu. Tùy vào thời tiết thay đổi trong năm mà ở đây có nhiều nghề đánh bắt khai thác khác nhau: Lưới rút, lưới rê, xăm tủ,… Cũng từ những chuyến lênh đênh trên biển cả mà họ đúc rút cho mình những bài học vô cùng quý giá, tạo nên những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, riêng biệt của cư dân vùng biển.
Từ buổi đầu, ngư dân ở đây là làm quen với rất nhiều nghề trong kỹ thuật đánh cá, tùy theo đặc trưng riêng mà có thời gian, công cụ và kỹ thuật đánh bắt khác nhau. Trong giai đoạn khởi nguyên của mình, công cụ đánh cá bao gồm thuyền, lưới, câu,… còn ở mức đơn giản thô sơ, lưới chủ yếu dệt bằng tơ càn, thuyền có trọng tải thấp, chạy bằng buồm lá dứa, lá cói ghép lại vì thế ngư trường đánh bắt chính của họ chỉ quanh quẩn gần bờ nên năng suất không thể cao được.
Sau năm 1945, khi đất nước đã có hòa bình ở miền bắc, để đưa miền bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa phải trải qua một thời gian nhất định thực hiện khôi phục kinh tế. Thực hiện chủ trương đó xã Hải Trạch đã tập trung khôi phục nghề đánh bắt thủy hải sản và nghề vận tải biển. Lúc này các Nôốc và các công cụ làm ăn được tu bổ lại, ngư trường đánh bắt cũng được mở rộng hơn. Trên cơ sở đó thành lập 4 tổ sản xuất, được xây dựng thành hai tập đoàn đánh cá là Thượng Hòa và Trung hòa. Đến năm 1960 đã xây dựng hợp tác xã ngư nghiệp với 80% hộ dân tham gia. Về tư liệu sản xuất nhà nước đầu tư cho vay dài hạn nhờ vậy mà các hợp tác xã đã mua sắm đầu đủ phương tiện đánh bắt hải sản cả nghề lộng và nghề khơi, gây thêm không khí tin tưởng, hồ hởi làm ăn, một phong trào thi đua hăng hái tham gia lao động đã đem tới nhiều kết quả. Bước đầu thu nhập bình quân của xã viên trong băn 1960 – 1961 đã cao hơn ngư dân làm ăn cá thể, phong trào thi đua và hiệu quả sản xuất của HTX ngư nghiệp đã có tác dụng thôi thúc sự ra đời của các HTX khác trong xã.
Đất nước thống nhất, xã Hải Trạch cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Các HTX được củng cố và hợp nhất với các hợp tác ở thôn lại thành HTX Thống Nhất. lúc này nghề lưới trích được phát triển, nghề lưới rút giảm dần, nghề mành đèn được chú trọng hơn cả. Thuyền được lắp máy móc lớn. Nghề đánh cá bước đầu đã được cơ giới hóa dần. sản lượng đánh bắt ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến thủy sản và thực phẩm cho dân tại chỗ và trong vùng. Đời sống nhân dân được ổn định và cải thiện rõ rệt.
Trước đổi mới, do cơ chế quản lý quan liêu bao cấp nên các HTX không còn được giữ cái vai trò của mình mà đi đến giải thể. Do vậy nghề biển của làng Lý Hòa lúc này chỉ do ngư dân tự túc sắm ngư cụ để đánh bắt hải sản mà chủ yếu là nghề lộng. Những năm 90 thời kỳ đổi mới, lao động được giải phóng. Các nghề lưới 2, lưới 3, lưới mực được phát triển. Một số gia đình có kinh tế thì đóng tàu đánh bắt xa bờ. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã tìm được các tư liệu để chứng minh cho điều này, nhưng đáng tiếc là nguồn tư liệu được lưu tại xã quá ít. Chỉ nghe các cụ có thâm niên trong làng kể lại có thời điểm tàu xa bờ lên đến 50 – 70 chiếc. nghề lộng đóng “Nôốc lô” bủa câu vàng cá thu, câu cá hố, phát triển bóng ghẹ, bóng mực nang. Bơ nẹp, bơ máy câu mực lộng, lưới tôm, lưới 2, lưới 3. Sự cơ giới hóa đi lên của tàu thuyền ngày được phát triển. được trang bị máy có mã lực cao, định vị, bộ đàm, tầm ngư cũng dần được trang bị nhiều hơn ở các tàu. Nên ngày đánh bắt trên biển dài hơn. Chỉ trừ khi có bão còn không vẫn bám trên biển kể cả ngày biển động.
Con cá, con mực, con tôm, con ghẹ đánh bắt được tuy không có sản lượng lớn nhưng giá trị xuất khẩu lại cao nên doanh thu bội phần, nghề biển có thời điểm ổn định kéo theo sự chế biến xuất khẩu được chú trọng.
Cho đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá vật tư xăng dầu, ngư lưới cụ tăng cao nhưng nghề đánh bắt thủy hải sản vẫn duy trì. Các nghề khơi, nghề lộng có sự chuyển biến tích cực và làm ăn có hiệu quả. Tổng sảng lượng khai thác năm 2009 của xã đạt 1.222 tấn, doanh thu đạt 31.567.000.000 đồng, bình quân thu nhập 2,5 – 3 triệu đồng/ lao động/ tháng. Tổng số phương tiện khai thác là 97 chiếc (trong đó tàu khai thác xa bờ 28 chiếc, thuyền lộng, bơ gắn máy 69 chiếc), hầu hết tàu thuyền đánh bắt đã lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy bộ đàm tầm xa, máy định vị, máy tầm ngư. Ngư cụ đánh bắt chủ yếu là các loại lưới sợi tổng hợp có tính năng ưu việt, ngày càng đa dạng và luôn được cải tiến kỹ thuật để thích hợp với từng ngư trường, mùa vụ.

2.1.2. Nghề chế biến hải sản
Nghề này ở Lý Hòa cũng nổi tiếng khắp vùng. Nếu biển vốn thuộc sở trường của nam giới thì việc chế biến các loại hải sản đều do kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của nữ giới Lý Hòa tạo nên.
Ø  Nghề làm nước mắm
Nước mắm Lý Hòa là một sản phẩm có tiếng ở Quảng Bình và nhiều nơi khác trong Nam ngoài Bắc. chẳng vậy mà dân gian trong vùng xưa thường nói rằng:
“Cảnh Dương nước mắm tốt thay
Lý Hòa , Đồng Hới cũng rày tiếng khen”
Từ khi bắt được cá cũng là lúc cư dân Lý Hòa biết chế biến nước mắm, để có được nước mắm ngon thì phải biết chọn cá, chượp chá và phải biết trổ (rút thành nước) đúng độ chin và thời gian phù hợp.
Nguyên liệu chế biến nước mắm là những loại cá được ưa chuộng như cá trooc, cá bôi, cá nục mộng, cá ruỗi,… Dụng cụ chế biến là thùng gỗ lớn, hình trụ gọi là bộng có đường kính khoảng  2 – 3m, được ghép bằng nhiều thanh gỗ nhỏ xiết lại bằng tre bện xoắn. Ngoài ra còn sử dụng chum, vại, hũ bằng đất sét nung… Chế biến nước mắm phải qua các bước sau: rửa sạch cá, để ráo nước, trộn cá với muối cho đều ém vào vại sao cho bề mặt bằng, mặt trên rắc thêm lớp muối mỏng để chống ruồi nhặng. Đặt phên tre lên trên, dùng đá dằn vừa phải sau đó đến công đoạn rút nước, phơi nước, bảo quản nước. nước mắm làm ra phải có màu mật ông, thơm, ngon, béo,… Thành phẩm làm ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mà còn được đưa đi bán buôn, trao đổi với các nơi khác.
Hiện nay ở Lý Hòa đang thực hiện quy trình chế biến nước mắm theo phương pháp thủ công và gia truyền với 3 loại nước mắm: loại bình dân, loại đóng chai và nước mắm cốt (loại ngon đặc biệt). Loại nước mắm đóng chai và nước mắm cốt chủ yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thành thị, giá bán ra khá cao. Các doanh nghiệp đến mua tại gốc cũng có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/lít. Loại nước mắm thường, phục vụ thị trường ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, với mức giá chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/lít. Dựa vào kênh phân phối là những khách hàng quen biết lâu năm và truyền miệng, trong những năm qua, thị trường tiêu thụ nước mắm của làng nghề càng ngày càng được mở rộng, ngoài việc bán sỉ số lượng lớn theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thì số lượng bán lẻ trong huyện và các vùng lân cận ngày càng tăng. Chế biến nước mắm trở thành ưu thế để các hộ kinh doanh ở đây phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo lời Bác Hồ Thị Mai số lượng lao động của nghề này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, mỗi thôn có khoảng 15 hộ gia đình làm nước mắm, số lượng nước mắm làm ra mỗi năm chỉ vài trăm lít tùy theo mùa cá,…Mặc dù vậy, nghề này đang đứng trước nhiều khó khăn vì nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường thay đổi thất thường, giá cả muối càng ngày càng tăng nên giá nước mắm cũng tăng theo, dẫn đến khó bán được sản phẩm.
Ø  Nghề làm ruốc
Nghề làm ruốc cũng có mặt rất sớm trong sự hiện diện của chế biến hải sản ở Lý Hòa. Nguyên liệu của nghề này là con Ruốc. Theo kinh nghiệm của những người chế biến, ruốc càng ươn bao nhiêu càng ngọt bấy nhiêu. Muốn cho ruốc vừa ngon vừa đảm bảo chất lượng, người ta thường trộn ruốc theo tỷ lệ 10 ruốc - 1 muối. Quy trình làm ruốc cũng rất công phu, qua nhiều công đoạn: trộn ruốc với muối, phơi ruốc, giã ruốc, trộn,… Ruốc để càng lâu càng thơm và có màu đỏ, ăn rất ngon.
Ø  Nghề chế biến hải sản khô
Chế biến hải sản khô là nghề truyền thống của cư dân vùng biển, nhất là khi biển được mùa, cá tươi tiêu thụ không kịp thì người ta chế biến thành cá khô để tiêu thụ dần. Phương pháp sản xuất truyền thống là phơi khô các loại cá, tôm, mực đánh bắt được. Loại cá nhỏ thì phơi nguyên con, cá lớn phải xẽ banh thân cá để phơi cho mau khô hơn, có loại cá muốn chế biến khô phải qua công đoạn hấp chính rồi phơi khô. Các loại hải sản chế biến khô thường kaf các loại cá có thân thịt ít chất béo như cá cơm, chuồn, phèn, hố, mối, đù, tôm sắt, ruốc, mực ống,… Người Lý Hòa chế biến những hải sản này vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, nhất là vào mùa mưa, bão khi “tháng 7 nước nhảy qua bờ”, “buồm treo, neo gác”, vừa dùng làm hàng hóa trao đổi buôn bán vừa làm quà tặng cho người thân. Chính thông qua việc “buôn làng, sang chợ” mà tôm, cua, cá, mực và các sản phẩm chế biến từ hải sản đã đưa các sản vật biển Lý Hòa đi đến khắp các thôn, làng ở Quảng Bình. Sản phẩm hải sản khô ngày nay đa dạng hơn và được cải tiến nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và có thể xuất khẩu như cá cơm khô, cá khô tẩm gia vị, ruốc khô, mực khô lột da. Phương pháp sấy khô không chỉ là phơi nắng mà còn sử dụng các máy móc thiết bị sấy khô nhân tạo đảm bảo chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Sản lượng thủy sản khô của Lý Hòa mỗi năm ước tính khoảng 700 – 800 tấn. Hiện nay, một số doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại nhằm sản xuất hàng thủy sản khô chất lượng cao để xuất khẩu tới các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc,…
Ngoài ra ở Lý Hòa còn có nghề làm Mắm mịn, mắm thính, làm mắm chua. Khâu chế biến sản phẩm cũng đơn giản, thành phẩm làm ra ngon, bổ, rẽ và là hàng hóa trao đổi để lấy những sản phẩm khác phục vụ cho đời sống cảu dân mình. Đó là sự sáng tạo của cư dân vùng biển nói chung và cư Lý Hòa nói riêng.
Cùng với sự xuất hiện của con cá, con tôm nghề chế biến hải sản ở Lý Hòa đã ra đời. tùy theo tính chất các loại cá, tôm mà có nhiều phương pháp chế biến khác nhau. Với những kinh nghiệp quý giá về việc chế biến hải sản không chỉ giúp cho cư dân trích trữ được nguồn cá tôm trong mùa biển động mà còn có tác dụng giải quyết kịp thòi các thành phẩm của nghề cá.

2.1.3. Nghề vận tải đường biển
Gắn liền với biển khơi, vì thế từ rất sớm nghề vận tải biển ở Lý Hòa đã hình thành và đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế làng xã.
Trong giai đoạn đầu, vận tải biển Lý Hòa hoạt động dưới hình thức là những đội binh vận của nhà nước. Trong cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, khi đưa quân ra bắc đánh chúa Trịnh các chúa Nguyễn lấy làng Lý Ninh làm nơi đặt đại bản doanh và chọn các ngư dân của làng lập thành đội Trường Đà tham gia vào việc vận chuyển quân lương trong quân đội. Năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trên đường đưa quân ra Bắc đánh Trịnh khi đến Lý Hòa đã cho lập đội thủy vận và chọn một số ngư dân Lý Hòa tham gia vào đội thuyền vận tải quân lương. Đến thời vua Tự Đức năm thứ 18 (1865) tháng 11 đã ra lệnh thành lập đoàn thuyền vận tải lương thực bắc phía Nam. Về sau khi mà nghề ngư và nghề chế biến hải sản đã phát triễn dẫn đến nhu cầu trao đổi buôn bán giữa các vùng miền tăng lên thì vận tải biển Lý Hòa lại có một bước phát triển mới về chất, từ đây việc vận chuyển đã kết hợp chặt chẽ với nghề buôn bán, quy mô hoạt động cũng được mở rộng thêm và phông phải là đội vận chuyển của nhà nước nữa. sở dĩ có sự chuyển biến ấy cũng có nhiều nguyên nhân:
Trước hết là do sự phát triển nội tại của nền kinh tế Lý Hòa đến đây đã đạt mức khá hơn so với trước, các sản phẩm của ngành thủ công nhất là chế biến thủy hải sản càng ngày càng nhiều đòi hỏi phải có sự mở rộng giao lưu buôn bán trao đổi.
Hơn nữa với một làng quê sống bằng đánh cá là chủ yếu, công cụ thô sơ thì sao có thể giàu được. Có lẽ thấy được điều đó nên ngư dân Lý Hòa từ sớm đã biết buôn bán, phủ biên tạp lục chép: “ Phong tục dân làng Lý Hòa rất quen thích với các việc đi buôn bán”. Cuộc sống lênh đênh trên biển cả cùng với những chuyến hành trình vào Nam đánh cá đã cho họ những kinh nghiệm rất quý báu về quá trình đi biển, về thị trường hàng hóa, bán buôn. Quan trọng hơn, thiên nhiên đã đưa đến cho Lý Hòa điều kiện giao thông và đường biển hết sức thuận lợi. Tất cả đều trờ thành tiền đề quan trọng thúc đẩy nghề vận tải biển Lý Hòa có mặt sớm và tồn tại lâu đời. Căn cứ vào cá gia phải họ Phạm, họ Nguyễn, vận tải biển không đơn thuần làm công việc vận chuyển nữa mà có sự kết hợp chặt chẽ với buôn bán. Trong quá trình đó, buôn bán dần dần chiếm vị trí chủ yếu, khi chủ thuyền tích lũy được số vốn khá lớn, khi họ đã quen thuộc với thị trường buôn bán.
Khi ngọn gió đông bắc đến cũng là lúc cuộc hành trình của họ bắt đầu. Vào thời điểm này cửa biển Lý Hòa thật đông vui, hàng chục chiếc ghe đậu san sát, chủ thuyền và trai bạn bận rộn với bao nhiêu công việc chuẩn bị lên đường. Địa bàn làm ăn của họ thường kéo dài từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn, không những vậy người Lý Hòa còn đóng ghe bầu có trọng tải lớn trên 30 tấn đi ra Hải Phòng, Quảng Ninh và có khi sang Trung Quốc để buôn bán. Dưới thời phong kiến, chúng ta có nhiều thương cảng nổi tiếng như Phố Hiến ở miền Bắc, Hội An ở Quảng Nam thì Lý Hòa có thể xem là 1 Thương cảng lớn ở Quảng Bình. Chính từ chỗ biết nhìn ra biển lớn, dám vượt biển và biết khai thác lợi thế giao thông biển để đẩy mạnh việc giao thương buôn bán đã đem đến cho con người Lý Hòa trí thông minh sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ dám làm để trờ thành một trong những làng nghề giàu có ở Quảng Bình. Như vậy, không những đưa lại sự giàu có về nền kinh tế mà vận tải biển còn là nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa Lý Hòa với các miền của đất nước đúng như câu hát quen thuộc của cư dân ở đây:
       “đi cho biết đó biết đây
ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.
Có mặt từ lâu đời, nghề vận tải biển đã tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Những kinh nghiệm quý báu trong kỹ thuật vận tải đường biển ngày xưa là nguồn đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghề vận tải đường biển Lý Hòa hiện nay. (Còn nữa)
Tác giả Nguyễn Thị Kiều Trang. Biên soạn : Hồ Thị Vân ; chỉnh sửa : Nguyễn Thị Thắm

Không có nhận xét nào: