Đất và người Lý Hòa (Chương III phần 1)


CHƯƠNG III:
SINH HOẠT VĂN HÓA VÀ NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN
 LÀNG LÝ HÒA – XÃ HẢI TRẠCH
Văn hóa truyền thống không phải là cái gì thuộc về quá khứ xa xưa, những gì đã quá lỗi thời mà là những gì phù hợp đã được thử thách kiểm nghiệm qua thời gian, qua quá khứ lịch sử, là những chuẩn mực mà toàn thể cộng đồng đã lựa chọn, bảo lưu, giữ gìn và phát triển.

Như vậy văn hóa làng tự thân nó đã mang giá trị của cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong hệ thống các giá trị đó có những giá trị bền vững, ổn định nhưng phong tục tập quán, những lễ hội mang đậm bản sắc của đia phương hay những công trình nghệ thuật mang đậm màu sắc tôn giáo,...nhưng cũng có những yếu tố chỉ phát huy giá trị của nó trong những thời kỳ lịch sử nhất định.


3.1. Phong tục tập quán

Phong tục tập quán của mỗi làng là sự thể hiện phong cách sinh hoạt tinh thần, là nét đặc thù riêng của mỗi làng đó. Ở Việt Nam từ lâu phong tục tập quán được xem như một sinh hoạt tinh thần. Bởi vậy nó tạo nên một sức mạnh tinh thần vừa có chức năng giáo dục vừa thể hiện mặt bạo lực siêu hình. Phong tục tập quán trong mỗi làng tồn tại trong mỗi lĩnh vực khác nhau. Đó cũng chính là quy cách sống của mỗi người đối với gia đình, làng xã.

Phong tục tập quán được biểu hiện ở nhiều mặt trong sản xuất và trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân.


Ø      Phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt tinh thần.

Là cộng đồng kết tinh qua quá trình tập hợp và xây dựng, người Lý Hòa từ bao đời nay đã góp mồ hôi cũng nhau tạo dựng nên cuộc sống vui tươi đầm ấm. Hơn nữa, do nghề nghiệp tạo nên sự gần gủi đời sống sinh hoạt, quan hệ với nhau họ rất thân mật, chân thành. Điều đặc biệt là cư dân nơi đây rất mếm khách, khách đến nhà được tiếp đón rất vui vẽ, bình thường thì mời trà còn thân thiết thì mời rượu.

Cư dân ở đây có tục làm nhà phải đợi nước lên, những việc quan trọng thì đều kiêng kỵ, ngày lễ luôn chọn ngày chẵn, ngày tốt. Bất luận đi đâu ra khỏi nhà mà gặp đàn bà thì xem như việc sắp làm đó sẽ không thành công. Người Lý Hòa có trục sợ nhện sa, chuột chạy, vì họ cho đó là điều chẳng lành báo trước.

Đối với phụ nữ có chồng, sinh con đầu lòng thì có tục sinh ở nhà mẹ để, khi con đầy tháng mới đưa về bên nhà chồng như dân gian đã truyền:

“Con so nhà mạ

Con dạ nhà chồng”

Khi đứa con sinh ra được một tháng thì có lễ đầy tháng, ngày đó người mẹ đi chợ bán một cái gì đó (thường là gạo) gọi là bán phong long. Buổi đi chợ này nếu là đi mua thì không trả giá còn nếu bán thì người trả đầu tiên dù đắt hay rẽ đều bán. Trẻ mới sinh khi ngủ có tục đặt một cây dao cũ ngang trên đầu giường hoặc buộc ở đầu nôi. Khi bồng trẻ vào lúc hoàng hôn thì dán ngọn lá trầu hay bôi nhọ nồi vào trán với ý niệm tránh ma quỷ.

Đối với lễ tết, chạp giỗ, người Lý Hòa cũng sắm cỗ bàn, hương hoa cúng ông bà tổ tiên để tỏ lòng tưởng nhớ và tri ân. Ngày chạp họ hay ngày tết con cháu thường đến thắp hương ở nhà thờ họ và trò chuyện hội họp.

Nhìn chung, những phong tục tập quán trong sinh hoạt của cư dân Lý Hòa rất vui vẻ, tế nhị, chân tình và sang trọng. Mặc dù có những ảnh hưởng của chế độ phong kiến cũ và các lễ nghi tôn giáo khác nhưng nó vẫn thể hiện rõ mặt tích cực giàu tính nhân văn và giá trị nhân đạo.


Ø      Phong tục tập quán trong hôn nhân gia đình

Hôn nhân của người Việt Nam truyền thống không chỉ là việc hai người lấy nhau mà là việc hai bên cha mẹ, hai họ dựng vợ gả chồng cho con cái. Phong tục này xuất phát từ quyền lợi của tập thể mà trước hết là quyền lợi của gia tộc. Việc hôn nhân của con cái kéo theo xác lập quan hệ qua lại giữa hai gia tộc. Vì vậy trong hôn nhân, việc đầu tiên chưa phải là lựa chọn một cá nhân cụ thể mà là lựa chọn một gia đình, một dòng họ xem nhà cửa có tương xứng không, tức là xem gia đình thân thuộc hai bên có cân đối, phù hợp với nhau không. Bởi vậy ngày xưa rất thận trọng trong việc đi hỏi vợ cho con, không chỉ duy trì nòi giống mà người con tương lại còn có trách nhiệm với gia đình của mình. Con gái phải đảm đang tháo vát đem lại nguồn lợi vật chất cho gia đình chồng; con trai phải giỏi giang đem lại vẻ vang cho gia đình nhà vợ:

 Chồng sang vợ được đi giày

vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông;

 hoặc:

 Trai khôn kén vợ chợ đông,

 gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân....



 Một số nghi lễ trong phong tục hôn nhân của người Lý Hòa:


Lễ chạm ngõ (lễ vấn danh): lễ chạm ngõ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình để nhà trai chính thức đặt vấn đề xin nhà gái cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi quyết định đi đến hôn nhân. Lễ chạm ngõ thường diễn ra vào buổi tối, nhưng ngày nay thì khác, chỉ cần chọn ngày giờ hoàng đạo, hợp tuổi chú rể, cô dâu là được. Lễ vật trong ngày chạm ngõ theo truyền thống chỉ cần trầu cau và chè với số lượng chẵn. Tuy vậy, đây vẫn là lễ nghi quan trọng không thể bỏ trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt nói chung và cư dân Lý Hòa nói riêng vì lễ chạm ngõ là nghi lễ khởi đầu cho một loạt các nghi thức sau đó. Thành phần tham dự trong ngày này chỉ bao gồm cô dâu, chú rể và những người thân gần nhất của hai bên là bố mẹ chú rể và cả gia đình cô dâu. Cô dâu sẽ phải mặc áo dài trong buổi lễ này. Nghi lễ đón tiếp nhà trai cũng tương đối đơn giản, thân thiệt, cởi mở. Nhà gái chuẩn bị sẵn trà, thuốc lá, trầu cau, trái cây, hột dưa, nước ngọt,... Đoàn nhà trai sẽ được chào đón niềm nở và mời uống trà thơm, ăn trái cây. Sau đó nhà trai sẽ trao lễ vật và nhà gái mang đặt lên bàn thờ gia tiên, nghi lễ chạm ngõ coi như hoàn tất. Từ lễ chạm ngõ đến lễ ăn hỏi không có khoảng thời hạn nhất định, tùy theo gia đình nhà trai và nhà gái định đoạn có khi tròng vòng 3 tháng, nửa năm, hay cả năm trời. Sau ngày lễ chạm ngõ nhà trai thường lui tới nhà gái vào những dịp lễ, tết hoặc các ngày kỵ nhật (ngày giỗ) của nhà gái và mang lễ vật đến để cúng lễ.

Lễ ăn hỏi: nếu sau lễ chạm ngõ mà mọi việc đều tốt đẹp giữa hai bên, nhất là gia đình nhà trai hoàn toàn ưng thuận nàng dâu tương lai thì lễ ăn hỏi sẽ được tiến hành. Thành phần tham gia đi lễ của nhà trai gồm có cha mẹ , cô dì, chú bác, chú rể và một số thanh niên bưng mâm quả hoặc bê tráp lễ vật. Lễ vật đưa tới nhà gái gồm 1 mâm xôi, 1 thủ lợn, 2 liền trầu, 2 buồng cau, 1 chai rượu, tiền dẫn cưới. Đón tiếp họ nhà trai có bố mẹ, những người thân của cô dâu và một số bạn ái đưa chồng để đón lễ vật của nhà trai. Cô dâu phải ngồi trong phòng cho đến khi nào chú rể hoặc cha mẹ gọi mới được ra. Nhà gái sẽ nhận lễ vật từ nhà trai và đặt một phần lên bàn thờ gia tiên. Gia đình nhà gái sẽ đứng bên phải bàn thờ, gia đình nhà trai đứng bên trái. Nhà gái lần lượt giới thiệu các thành viên trong gia đình, sau đó đến lượt nhà trai giới thiệu. Đôi trai gái ra mắt tổ tiên bằng cách thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cô dâu sẽ cầm ấm trà đi từng bàn để rót nước mời khách. Kế đến là nghi thức lên đèn, thắp hương (nhan) báo cáo tổ tiên nhà gái. Đôi bạn trẻ sẽ đứng trước bàn thờ gia tiên theo thứ tự nam tả nữ hữu (nam trái nữ phải), nhưng chỉ có chú rể tương lai làm lễ. Làm lễ xong, chú rể xin phép đeo nhẩn đính hôn cho cô dâu. Kế đó mẹ chú rể trao cho nhà gái tiền dẩn cưới. “Quả” sẽ được chia bớt mỗi thứ một ít cho nhà trai gọi là “lại quả”. Số còn lại mang chia cho bà con hàng xóm để “biếu trầu” thông báo lễ ăn hỏi của đôi trai gái. Đặc biệt, cau trong ngày lễ ăn hỏi phải dùng tay xé chứ không được cắt bằng dao. Khi nhà trai nhận lại tráp để bê về thì phải để ngửa, khoog được úp tráp lại.


     Lễ cưới: khi đã đầy đủ các lễ thì nhà trai xin làm lễ cưới vợ cho con cho cháu. Ngày cưới phải chọn ngày lành tháng tốt đối với tuổi cô dâu và chú rể bởi hôn nhân là việc đại sự “trăm năm chỉ có một ngày”. Trong lễ cưới, đầu tiên chú rể bưng khay trầu rượu có cắm cây đèn rồng màu đỏ giữa khay để sang nhà gái làm lễ gia tiên. Lễ này có ý nghĩa là xin giờ cưới, sau đó chú rể về nhà để cùng họ nhà trai rước cỗ tới nhà gái. Họ nhà trai có khoảng 15 người, đi đầu là ông tộc trưởng bưng khay trầu có vuông vải điều được che kín, tiếp đến là bưng đôi nến đỏ (người bưng này phải là người nội thân hoặc người nhiều tuổi), người bưng quả nhân duyên là thân phụ của chú rể.
Người Lý Hòa quan niệm về quả nhân duyên rất quan trọng bởi nó biểu hiện cho sự sum vầy hạnh phúc. Quả nhân duyên gồm 1 đôi vàng rồng, một đôi bông tai vàng, 3 xếp vải lụa (vừa đủ may 3 cái áo), một hộp trầu cau, 1 đồng tiền gói kỹ trong giấy đỏ gọi là tiền yếm. Quả nhân duyên này gọi là sinh mệnh của đôi vợ chồng. Do vậy khi dọn quả phải chọn người song toàn, con cái đông đúc sum vầy, gia đình hạnh phúc. Tiếp theo là buồng cau, số trầu sau này khi cưới xong do hai vợ chồng đem đi biếu bà con trong dịp “lại mặt”.
Khi đến cổng nhà gái, họ nhà gái cử người ra đón tiếp đồng thời họ nhà trai cất mũ nón bắt tay chúc mừng nhau, sau đó cả hai họ làm lễ Tam hiến. Đầu tiên hai bên sui gia vào lạy 12 cái để chúc cho con cái yên bề gia thất và tạ ơn tổ tiên ông bà, sau đó chú rể và cô dâu lạy ở bàn thờ 4 cái và lạy hai họ nội ngoại. Lễ Tam hiến cúng xong có người tri ba đọc bài hôn thơ và sau đó hai bên cùng ngồi vào trò chuyện. Sau lễ cưới vợ, nhà trai xin rước cô dâu về nhà mình. Đoàn rước cô dâu số lượng bao nhieu tùy vào hai bên gia đình thống nhất, nhưng nhất thiết phải chọn người lớn tuổi để giao dâu. Tiệc mừng cô dâu về nhà chồng được tổ chức trong không khí vui tươi thân mật, kết thúc buổi lễ đoàn đưa cô dâu về nhưng cô dâu ở lại nhà chồng. Ba ngày sau, nhà chồng sắm sửa lễ gồm thức ăn và rượu, trầu cao để hai vợ chồng mang theo về nhà vợ để tạ ơn và mời bà con bên vợ. Đến đây hôn nhân đã hoàn chỉnh, hai người chính thức là vợ chồng dùng đồng cam cộng khổ và chăm lo cho gia đình của mình.
Mỗi đám cưới là dịp mở mày mở mặt với bà con làng xóm nên cả hai bên họ hàng đều cố gắng hết sức mình để tổ chức đám cưới vừa trang trọng, vừa vui vẽ. Người Lý Hòa còn có tục gửi rể, tục ăn ở riêng của con cái, tuy nhiên nó được áp dụng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh riêng của từng gia đình chứ không bắt buộc. Người con rể có thể ở lại nhà vợ từ 1 đến 3 năm tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, gia đình nào đông con và nhà vợ có điều kiện thì có thể ở tới 3 năm còn nếu không ở từ 6 tháng đến 1 năm sau đó về nhà chồng. Nếu nhà chồng đông anh em hoặc có em kế sắp cưới vợ thì hai vợ chồng được bố mẹ cho ở riêng và hai bên gia đình bàn bạc mua cho đôi vợ chồng trẻ một số tiện nghi cần thiết hoặc cho một số vốn để làm ăn khi ra riêng.
Ngày nay, do xã hội ngày càng phát triển tục hôn nhân của người Lý Hòa cũng đã có nhiều thay đổi. Một số thủ tục rườm rà đã được bỏ đi như lễ chạm ngõ, gửi rể, cưới và rước dâu được tổ chức trong một ngày, riêng lễ ăn hỏi và về cưới vẫn được tổ chức một cách lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.


Ø      Phong tục ma chay
Cũng như việc đám cưới, tang ma là việc rất quan trọng của đời người đưa tiễn người chết về nơi an nghĩ cuối cùng là việc làm hết sức thiêng liêng cho nên trong tang ma cũng hình thành những phong tục riêng thể hiện qua nghi lễ đưa tiễn người chết. Trong tang ma có rất nhiều nghi lễ như: lễ khởi sơ, lễ nhập quan, nhập án, thần phục, hạ huyệt, mở cửa mả, cúng tuần,...và các nghi lễ khác.
Đám tang ở Lý Hòa cũng không có tục ăn uống linh đình tại nhà tang chủ mà thay vào đó bưng lễ đến nhà các quan viên và những nhà lo đám tang để bày tỏ lòng biết ơn những người đã giúp đỡ trong lúc gia đình bối rối, lễ gồm có xôi, thịt và trầu cau. Sau khi đã lo xong tang sự, ba ngày sau gia chủ làm lễ cúng cơm cho người đã khuất, lúc này họ mới mời bà con làng xóm tới dự và nói lời cảm ơn. Đây cũng là nét văn hóa đẹp của làng mà ít làng nào có được.


Ø      Phong tục tập quán liên quan đến nghề nghiệp.

-        Lễ Hạ Giang: là cư dân chài lưới nên khi bắt đầu của những chuyến đi xa biển thì người dân Lý Hòa tổ chức lễ cúng gọi là lễ Hạ Giang. Lễ này làm vào tháng 8 âm lịch do những người chủ thuyền đứng ra tổ chức. Lễ này được tổ chức rất sớm. Mọi người tham gia rất đông. Lễ này còn được gọi là hội đi trông về mừng nhằm tạ ơn thần đã phù hộ cho các hộ ghe đi biển buôn bán thắng lợi và an toàn. Tối 14 tháng 8 người ta bắt đầu làm lễ hành yết, sáng 15 mới làm lễ chính. Nghi thức lễ như sau: khi làm đạt lễ các chủ nghe bầu cho phu khuôn đội cái mâm cỗ đến bày biện để tế thần, phần nghi lễ này sẽ do làng tiến hành. Ban nghi lễ gồm có: chủ tế, hai bồi tế, 1 thầy làng thông xướng đọc chúc, 2 người đánh trống đại và bù lu, 2 người đánh trống con và chiêng, có thêm 4 người dâng rượu hầu thần và 4 cỗ nhạc là trống, kèn, xập xai và cóc. Lễ vật gồm có xôi, rượu, gà, đầu heo và các loại bánh trái hoa quả, sau khi cúng xong sẽ đem chia cho dân làng cùng hưởng lộc của thần, còn các ghe bầu được tu sửa để chuẩn bị cho cuộc hành trình kẻ nam người bắc tiếp tục đến tết Nguyên Đán mới về.

-        Lễ tống táng cá voi: với quan niệm cá voi là ân nhân của những người sống trên biển cả vì đã từng giúp đỡ cư dân đánh được nhiều cá và cứu những người bị nạn. Để tỏ lòng tôn kính biết ơn, mỗi khi cá voi chết và dạt vào bờ thì ngư dân làng Lý Hòa lập tức họp nhau lại rước xác cá voi tống táng.

Trong lễ tống táng này người chịu trách nhiệm lớn nhất là người đã thấy con cá voi và coi như người thân nhất của mình. Lễ tống táng cá voi được diễn ra rất lài bản, cụ thể là tổ chức khâm liệm, sau đó là cờ trống để đưa tang cá voi. Thi hài của cá voi được chôn tại một nghĩa trang riêng, thời gian đầu liên tục có người canh giữ. Đối với người thấy xác cá voi đầu tiên thì trong thời gian tang lễ phải bận quần áo tang trắng và có vai trò như một người trưởng nam và thời gian để tang là 2 – 3 năm. Chôn cất xong, ba ngày sau thì có thể mở cửa mộ và cũng lễ 100 ngày, sau 3 năm thì có lễ hết tang. Trong thời gian tang lễ cá voi, dân làng có kèm theo lê hội cầu mùa, tổ chức hò khoan, chèo cạn rất đông và trang trọng.

Tóm lại người Lý Hòa sinh ra và lớn lên trên vùng biển, vì thế nên mọi biến động của cuộc sống đều ảnh hưởng tới họ. Trong chiều sâu tâm thức, ngư dân Lý Hòa đặt tin tưởng vào sinh vật khổng lồ vừa hiền vừa thiêng mà họ gọi một cách kính trọng là cá Ông hoặc Ông, dù rằng sự trợ giúp của nó chỉ mang tính huyền thoại nhiều hơn là hiện thực. Phải chăng họ đã nghĩ mình chỉ là một sinh linh bé nhỏ, yếu đuối trong một vũ trụ bao la huyền bí, vì thế tự trấn an bằng cách dựa vào những uy lực huyền bí siêu nhiên để mong có được sự phù hộ cho cuộc sống và nghề nghiệp? Dù thế nào đi nữa thì tín ngưỡng này vẫn là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển khơi bởi nó đã góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, đó là nét đẹp phong tục, nghệ thuật sân khấu, tinh thần cố kết cộng đồng và làm thỏa mản nhu cầu tâm linh của phần lớn ngư dân. Hơn nữa nó còn mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện thế ứng xử văn hóa của làng xã trước biển cả.


3.2. Đời sống tôn giáo tín ngưỡng.

*     Đình làng

Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống văn hóa xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, nó gần như là biểu tượng của quyền lực xã. Ngôi đình với vai trò của nó đã biểu hiện đậm nét sự phát triển nhất định của xã hội thời đại phong kiến nước ta.

Đình Lý Hòa thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nằm trên một vùng đất cao giữa làng, với địa thế đẹp, thoáng mát. Cách Quốc lộ 1A theo đường bờ sông về phía Đông Bắc chừng 1km, đình hướng về phía Nam, trước mặt là sông Lý hiền hòa chảy xuôi ra biển.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng và những tài liệu mà tác giả tiếp cận được thì đình làng được xây dựng vào năm Định Tỵ (1737) nằm ở trung tâm của làng (thuộc thôn Thượng Hòa). Đình làng lúc đầu chỉ làm 4 cột gỗ che buồm ghe bầu để đặt bát hương thờ cúng. Đến năm 1770 thì đình được xây dựng bằng gạch và lợp tranh để thờ cúng. Năm 1887 đình bị cháy do hỏa hoạn, lúc đó cụ Ấm họ Nguyễn Duy đã bỏ ra 2000 quan tiền để xây dựng lại bằng cột gỗ, lợp ngói. Năm 1941 đình được hội ghe bầu trùng tu lại, nền đình được cao ráo như hiện nay là do công sức đóng góp tôn tạo của hội ghe bầu và nốc nghề chở đất từ xa đem về bồi đắp. Đình Lý Hòa gắn liền với sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi tổ chức các lêc hội lớn của làng như Lễ thành hoàng, lễ xuân thu, hội phàm,...

Đình làng Lý Hòa gồm có ba lớp: đình tiền, đình trung và đình hậu. Đình tiền và đình trung mỗi đình có 5 gian, riêng đình hậu có 3 gian, chiều rộng từ 15 – 20 m, bên trong lòng mỗi gian xây theo lối vòm bốn góc tập trung vào trung tâm. Các đình liên kết với nhau bằng các trụ gỗ lim lớn và được nối với nhau bằng băng, trên đó được chạm trỗ hình rồng hay các kiểu nhánh mai uốn lượn rất công phu và đẹp mắt. Vào các buổi lễ tế ban đêm đình làng sáng trưng bởi các hàng nến cắm dọc cột đình. Đứng ngoài sân nhìn vào, người ta thấy các mái đình liên tiếp nối nhau. Mái đình kiến trúc có 4 mái, trên các nóc mái có gắn con rồng được tô điểm rất đẹp. Đình làng không có của sổ mà có các cửa chính (3 cửa – các cụ gọi là cửa lá sách) mở và đóng đều xếp gấp lại từng lá. Nhìn chung về trang trí đình làng có những nét tương đồng với các đình khác trong vùng nhưng nó đồ sộ và uy nghi hơn. Theo các cụ xây đình này người ta không sử dụng xi măng mà chủ yếu là đá vôi, hồ tự sáng tạo; vôi được quét với mật mía và giấy bản, quét thật dẻo để tạo độ bền.

Cách thờ tự trong đình:

Đình tiền: ở gian giữa thờ thành hoàng của làng. Đình Lý Hòa thờ đa thành hoàng bao gồm cả thần linh và nhân thần. Thành hoàng làng được thờ là các vị được sắc phong thượng đẳng thần, đó là: Đại Càn Quốc gia Nam Hải và Tam Tòa Tứ vị Thánh Nương. Hai vị này được thờ ở bàn trên còn các vị thần khác được thờ ở dưới gọi là hội đồng thần.

Hai gian bên thờ các vị thủy tổ của dòng họ gọi là thập vị gia tiên ( hay còn gọi là 12 căn họ, trong đó mỗi căn có thể là 1 họ, có thể là nhiều họ) thờ chung với nhau trong đình làng. Những căn có một họ độc nhất là Hồ, Võ, Đặng, Bùi,...Căn có nhiều họ là họ Nguyễn, Phạm, LÊ, Hoàng, Phan, Đoàn, Trần. Ngày nay có thêm 2 họ Nguyễn, 1 họ Phạm mới nhập vào nên cả làng có 24 họ được thờ trong đình làng.

Hai chái hai bên đùng để thờ các vị có công với làng với nước, đa số là thờ các quan viên chức sắc của làng.
Sau Đình Tiền là Đình Trung, nơi đây dùng để thờ 4 vị Thiên Y Ân. Năm 1942 khi đình trùng tu xong 4 vị này được thỉnh vào thờ ở đình trung. Trong đình có 4 bàn thờ, trên mỗi bàn có gương lược, lọn tóc, dầu dừa, có võng cấng và 4 ghế bành để bà ngồi.
Đình hậu (hậu chẩm) chỉ có 1 bàn thờ để thờ chung.
Đình Lý Hòa ngoài việc thờ tự các vị tổ khai cơ làng, khai cơ nghề nghiệp cho con cháu, thờ tự các danh khoa, danh giá của làng, còn gắn liền với ác sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, của tỉnh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ, trong thời kỳ chống thực tân Pháp xâm lược nước ta, đặc bệt là trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Những ngày đầu chuẩn bị cho việc vận động quần chúng, tập hợp lực lượng trong mặt trận Việt Minh để cùng địa phương tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đình Lý Hòa là nơi để các chiến sĩ cách mạng cất giấu tài liệu và đi lại bắt liên lạc, nhóm họp để trao đổi các chủ trương lớn của cấp trên. Ngày 23/8/1945, cả làng đã hội tụ tại đình, đổ về huyện đường. Cùng các vị dịa phương trong huyện làm nên cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám giành chính quyền ở huyện lỵ thắng lợi.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đình Lý Hòa nói riêng, làng Lý Hòa nói chung là một trong những nơi đánh phá cực kỳ dã man của giặc Mỹ. Địch đánh từ trên xuống dưới, từ biển vào,... các thế hệ, các lớp thanh niên của làng trước khi lên đường nhập ngủ đều tập trung tại đình làng để được nhắc nhở phát huy truyền thống cha ông, sống xứng đáng với tổ tiên đã tạo dựng ra nền văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất và quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước trong những năm chiến tranh quyết liệt, làng Lý Hòa vinh dự được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, LÊ Quang Hòa,...khi vào chiến trường đều ghé thăm.
Đình Lý Hòa cũng như làng Lý Hòa nói chung bị đánh đi đánh lại nhiều lần, đình bị bom Mỹ tàn phá, nhưng làng còn là đình con. Nhân dân địa phương vẫn kiên trì bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, bám làng bám quê hương. Chắc tay chèo tay súng, hưởng ứng khẩu hiệu: “xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương”. Những cột đình bị sập, bị gảy, cùng với nhà cửa, nhân dân tháo dỡ để phục vụ cho những chuyến xe qua, đảm bảo giao thông, đảm bảo machj máu vì miền Nam ruột thịt. Những chiến sĩ bị thương, những đoàn an dưỡng đều dừng chân tại đình sau đó ra Bắc vào Nam.
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, đình là thành nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa, là trung tâm chính trị, xã hội của cộng đồng làng xã. Nơi các thế hệ cong cháu tìm hiểu thêm quá khứ rực rở của tổ tiên, nâng cao lòng tự hào cà trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, hàng xóm. Dù đi khắp đó đây hay đang xây dựng cuộc sống mới hôm nay ở địa phương thì mái đình, sân đình, cổng đình vân trở nên thân thiết, trở nên sâu đạm trong mỗi người dân Lý Hòa.
Đình Lý Hòa có giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, là nơi thờ tự các vị tổ có công khai sáng làng và các nghề đặc trưng của làng biển (việc tế lễ của đình ngoài hai kỳ Xuân – Thu, mỗi năm có đại trường câu, có việc của làng, ngày tết, ngoài ra cứ 6 năm có một kỳ tế lễ thành hoàng rất long trọng). Mặt khác, đình cũng là nơi thờ tự các bậc danh khoa góp phần hun đúc truyền thống của địa phương và nước nhà. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đặc biệt là hai cuộc chiến tranh phá hoại, đình làng đã bị phá hủy, chỉ còn cổng thượng, thành bao và phần nhỏ của đình sau. Hiện nay đình đã được trùng tu và tôn tạo lạ. Đình Lý Hòa là công trình kiến trúc điển hình, là hình ảnh tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ truyền dân gian. Về những đồ án, họa tiết trang trí của đình làng Lý Hòa được thể hiện rất công phu, bố cục chặt chẽ trọn vẹn, sự linh hoạt và thanh tú về đường nét. Do ảnh hưởng của nho giáo nên kiểu kiến trúc mang đậm nét chính thống. Đình Lý Hòa là hiện thân của bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam cùng với biết bao giá trị văn hóa đáng được bảo tồn. Hơn nữa đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại, tiêu biểu của địa phương, của tỉnh, đặc biệt từ năm 1945 đến nay. Đình còn là một công trình mang biểu tượng văn hóa lịch sử, là nơi sinh hoạt văn hóa của làng biển Lý Hòa, nơi giáo dục phát huy truyền thống hiếu học, lòng yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay, mai sau.


*     Chùa làng Lý Hòa.

Theo cư dân Lý Hòa thì chùa làng được xây dựng cùng năm vói đình Lý Hòa (1737). Lúc đầu chùa ở vị trí đầu làng, xung quanh là cây cối rậm rạp có không khí tỉnh mịt cho việc hành đạo. Trong chùa trên hết là thờ Đức Phật thích ca, hai bên tả hữu thờ Văn Thù Bồ Tát, ở ngoài cúng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, hai bên phía trong thờ Đại Tụng Vương và quan Thánh Đế Quân.

Đến năm Canh Dần 1770 thời vui Lý Hiển Tông (Duy Diêu) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 chùa được làm bằng cột, kèo, đòn tay, rui, mèn, cửa ra vào bằng gỗ tốt, tường xây gạch, lợp ngói vảy tương đối khang trang.

Năm 1941, thời vua Bảo Đại, chùa được trùng tu lại cùng lúc với đình làng, Họa tiết đẹp đẽ, khang trang và uy nghi.

Trong chiến tranh chống Mỹ, chùa bị máy bay địch bắn phá hư hỏng, chỉ còn lại cổng chùa, đát quanh khuôn viên chùa. Đặc biệt là đất vườn phía sau chùa đất hố sen đã bị dân lấn chiếm làm nhà ở sau năm 1975.

Chùa Phật “Vĩnh Phước tự” là nơi hướng thiện của dân làng Lý Hòa thiên về văn hóa dân gian, không có tổ chức phật tử như các nơi khác. Vĩnh Phước Tự là một công trình văn hóa kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Lê, trùng tu thời nhà Nguyễn nên năm 1962, UBND tỉnh Quảng Bình công nhận xếp hạng di tích văn hóa kiến trúc cùng với đình làng được gắn biển công nhận di tích bằng thép mạ kẽm.

Chùa Vĩnh Phước Tự chẳng những luôn gắn liền với đời sống vắn hóa tâm kinh của người dân Lý Hòa mà còn gắn liền với lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Lý Hòa xưa và Hải Trạch ngày nay.

Trong chùa có một cái chuông (cư dân gọi là Boong) đề “Lý Hòa chung tự” bằng đồng. Bài tựa khắc trên chuông kín cả 4 nặt miêu ta lại cảnh quan chùa, năm xây dựng, đúc chông, những người có công đức góp tiền của làm chuông. Sau này chuông bị bom phá vở một mảng. Bài tựa bằng chữ Hán bị nhiều vết xước, có dòng chữ nhưng vẫn còn nguyên dòng chữ “Nguyễn triều Gia Long vạn vạn niên chi thập bát”, chuông được làm từ năm Gia Long thứ 18 (1819). Điều đó chứng tỏ phật giao ở Lý Hòa từ trước đó đã rất thịnh hành, chùa rất khang trang, các vị sư sẽ không ngừng tụng niệm mà còn dạy chữ Hán.

Đầu năm 1047, giặc Pháp đổ bộ chiếm đóng Quảng Bình. Làng Lý Hòa bị giặc Pháp đóng đồn vây quanh và trở thành vùng Địch hậu. Chùa Vĩnh Phước Tự là nơi che giấu cán bộ Việt Minh hoạt động trong lòng địch, đồng thời là cầu nối liên lạc của lãnh đạo xã Hải Trạch lớn (gồm Hải Trạch, Phú Trạch, Đồng Trạch, Vạn Trạch, Hoàn Trạch) với lãnh đạo thông Lý Hòa để chỉ đạo kháng chiến chống Pháp của các thôn Địch hậu: Quy Đức, Đồng Cao, Thuận Phú. Trong kháng chiến chống Mỹ, chuông chùa Vĩnh Phước Tự được đưa ra đình làng làm kẻng báo động máy bay để nhân dân vào hầm trú ẩn và dân quân, du kích sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ đến bắn phá xóm làng.

Gắn liền với Vĩnh Phước Tự còn có giếng chùa hình vuông xây bằng các phiến đá dài 2m có cạnh 0.2 x 0.2m nặng tới hàng trăm kg ghép thành. Đây là kiến trúc mang dáng dấp người Chăm – Chiêm Thành xưa. Tiếc rằng chùa Vĩnh Phước Tự bị tàn phá do bom Mỹ, chỉ còn lại một cổng chùa sừng sững giữa trời đất mà người dân Lý Hòa luôn luôn hướng về Phật để hướng thiện. Cứ đến ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng có nhiều người dân đến thắp hương tại cổng chùa để kính Phật và Hướng thiện.
Sau khi đình làng được xây dựng lại năm 1997 thì nguyện vọng của người dân xã Hải Trạch cần xây dựng lại chùa để hướng thiện là điều bức thiết về mặt văn hóa tâm linh với mong muốn là mắt Phật sẽ tỏa sáng và phát tích cho nhân dân Lý Hòa nhiều hơn về mọi mặt: học vấn, khoa bảng, văn hiến, giàu đẹp, anh hùng trong thời kì đổi mới của đất nước.
Ngoài đình với chủa ở Lý Hòa còn có nhiều miếu mạo nhưng hầu hết bây giờ không còn nữa. Trên cơ sở nguồn tư liệu dân gian có thể đánh giá rằng: về kiến trúc nghệ thuật nói chung đình, chùa đều được nhân dân góp công sức xây dựng. Các công trình đó đều được xây dựng bằng đá, gạch, vôi có độ bền cao, văn hoa trang trí phong phú, biểu hiện được những nhét nghệ thuật đặc sắc vừa trang nghiêm vừa uyển chuyển mang đậm tính dân tộc. Đó là nét mềm mại nhưng chắc khỏe trong mỹ thuậ và hình thái biểu hiện là hình dáng đẹp và hoàn chỉnh của các kiểu mẫu.
Hiện nay, ngoài việc đã phục dựng xong đình Lý Hòa (được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia tháng 6/1995) thì lãnh đạo đang cho phục dựng lại chùa và các miếu thờ Thiên Y A Na ở các thôn nhằm bảo tồn là lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa của một làng văn vật.
3.3. Lễ hội
Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị thần – những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp conn người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc,... Lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc vì vậy nó là một lĩnh vực rất quan trọng trong đời sống của mỗi làng quê và Lý Hòa cũng không phải là một ngoại lệ. Vốn có gốc gác từ vùng Nghệ Tĩnh với nhiều sắc thái và phong cách riêng, trong quá trình sinh sống đã ảnh hưởng, tác động qua lại với nhau tạo thành một đời sống tinh thần hết sức đa dạng và phong phú trên mảnh đất Lý Hòa ngày nay.


Ø      Lễ tế Thần Hoàng làng.

Ba năm một lễ Thần Hoàng

Đi mô cũng nhớ về làng mà ăn.

Cứ theo lệ 3 năm, vào ngày rằm tháng 6 âm lịch dân làng Lý Hòa lại tổ chức lễ hội rước thần Hoàng làng. Phong tục đó có từ lâu đời và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của làng biển Lý Hòa.

Để chuẩn bị cho ngày lễ hội rước Thần Hoàng làng ngay từ đầu năm mới trong dịp lễ xuân thủ rằm tháng Giêng, chính quyền, ban lễ sinh, các dòng họ, các vạn chài....họp bàn công việc chuẩn bị cho lễ hội như: chỉnh trang đình làng, mua đồ lễ tế, thờ tự trong đình, mua sắm quần áo, giày, mũ lễ phục cho bộ phận làm lễ, quần áo giày dép cho người tham gia đoàn rước thần, kêu gọi con cháu trong và ngoài làng góp công sức, tiền của cho lễ hội.

Trước ngày lễ, ban lễ sinh, các dòng họ, vạn chài tập trung lo đồ tế lễ. Đồ tế lễ gồm: hương, hoa quả, vật, giấy vàng mã, rượu, trà, thuốc, bê quay, con gà luộc, hương ra đình cúng thần. Trong dịp này, tùy gia cảnh các gia đình đều có một mâm cổ trước cúng gia tiên, sau cho con cháu hưởng lộc. Trong các ngày hội, dân làng tạm gác lại mọi công việc đi biển, buôn bán đường xa, chuẩn bị áo quần, giày dép đi chơi hội, ngày hội ba năm mới có một lần nên được coi trọng như ngày Tết.

Ngày lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 6 âm lịch còn gọi là lễ “Đại trường câu” mở đầu cho một mùa biển mới. Để lễ rước Thần Hoàng làng tổ chức được tốt, trong ngày 13 âm, ban lễ sinh làm lễ thượng cờ tại đình, tiếp sau đó các dòng họ, chi, nhánh làm lễ thượng cờ họ, cờ chi,...các gia đình treo cờ tổ quốc, cả làng sáng rực cờ. Các đội rước thần bước vào tập đi đính, khiêng vác lộng, kiệu và tổng duyệt đội hình.

Sáng ngày 14 âm lịch, lễ rước Thần hoàng được tổ chức tại sân đình. Từ khi gà bắt đầu gáy sáng, báo hiệu một ngày mới bắt đầu, các đội rước thần trong trang phục lễ hội chỉnh tề như nghi lễ cung đình từ các thôn kéo về sân dình hạ xếp từng khối một theo quy định của ban lễ sinh. Trước đó các đồ thờ cúng trong đình phục vụ lễ rước như: ngọc lộ, bát bửu, đôi ngựa chiến đỏ và trắng bằng gỗ, đôi hạc, trống đại, chiêng đại...được đưa ra khỏi đình. Sân đình lúc này sáng rực bởi màu vàng và đỏ của cờ, lộng, quần áo, mũ, nón của đoàn quân rước thần. Sau nghi thức lễ xuất hành, theo sự điều hành của ban lễ sinh, đoàn rước rời sân đình tiến về đầu làng. Đi đầu đoàn rước là đội cờ hội, gióng hai hàng đi hai bên. Tiếp sau là đoàn rước kiệu ngọc lộ, vị chủ lễ đi trước kiệu, sau là những thanh niên cường tráng khiêng kiệu, đi hai bên là hai người cầm quạt vũ, đi sau kiệu là người cầm quạt lộng để che cho thần; kế tiếp là đội khiêng trống, đánh chiêng, đến đoàn đẩy hai ngựa chiến... sau ngựa chiến là đôi bát bửu, 12 người mang bát bửa tượng trưng cho 12 báu vật ở hoàng cung, tiếp đến là đội bát âm, vừa đi vừa tấu nhạc rộn rã – đây là phần không thể thiếu được trong nghi lễ cung đình xưa; sau đội bát âm là đội dâng hương chọn từ các cô gái chưa chồng, có nhan sắc, mặc áo dài, khăn đóng theo lễ nghi, tay cầm những bông hoa sen được gắn sáp, kế đó là đội hát chèo cạn gồm những bà ở độ tuổi trung niên mặc áo dài khăn đóng, tay cầm chèo.... đi gần sau đoàn rước là các vị trưởng họ và các chức sắc trong làng. Cùng thời điểm đó, trên sông Lý Hòa có 4 thuyền rồng cắm lộng vừa chèo nhẹ vừa đánh trống, đánh chiêng đi theo đoản rước thần về đầu làng sau đó quay về cuối làng rồi về lại đình để làm lễ. Tại các thôn trên đường rước Thần đi qua đều đặt bàn thờ, trưởng thôn, phó tôn và một số chắc sắc trong thôn mang trang phục nghi lễ đứng đón đoàn rước, khi đoàn đi qua các trưởng thôn thắp hương bái lạy Thần Hoàng.

Sau lễ rước, làng tổ chức các trò chơi đua thuyền truyền thống giữa các thôn, hát bài chòi, đánh cờ người,...

Tối ngày 14, sau màn trình diễn của đội hát chèo cạn, múa bông, ban lễ sinh là lễ nhập tịch (lễ chúc yết) tuy chưa chính lễ những vẫn được tổ chức một cách trang trọng đúng theo nghi thức lễ nghĩ: trống, chiêng, bát âm, các bài khấn,...kính cáo với Thần Hoàng và tổ tiên các dòng họ về lý do cúng lễ. Đồ tế chủ yếu là hương, hoa quả, vật, rượu, thuốc, trà, giấy vàng mã, mâm xôi, con gà và các loại bánh truyền thống. Lúc này trên sông Lý Hòa , hội thả đèn hoa đăng cũng được tiến hành, thuyền chở các nam thanh nữ tú cùng hàng trăm đèn hoa đăng đi thả xuống sông. Các đèn hoa đăng được thắp nến sáng rực cả một vùng sông nước hắt lên từ một vùng sáng mờ ảo, lung linh càng làm cho ngày hội thêm linh thiêng.
Sáng ngày 15 âm lịch lễ cũng Thần Hoàng làng được tiến hành trong nghi thức lễ nghi cũng đình một cách nghiêm trang. Vị chủ lễ đứng giữa các vị lễ sinh, trưởng các họ theo vị trí được phân vai đứng ở 2 bên. Mở đầu buổi tế khai lễ là tiếng trống đại gióng lên 3 hồi, mỗi hồi 9 tiếng, kế tiếp tiếng chiêng đáp trả là tiếng trống, tiếng kèn nhị của đội bát âm vang lên. Sau các thủ tục thắp nến, thắp hương, đốt trầm vị chủ lễ xướng xưng danh, vị chủ tế đước lên đọc sớ tế cáo Thần Hoàng làng, các thần, các vị khai sinh các dòng họ, báo cáo việc con cháu trong làng tổ chức lễ rước Thần hoàng để tri ân tiền nhân và cầu mong cho quốc thái dân an, cầu mong bổn làng bình an, con cháu thịnh vượng. Đồ cúng tế dâng lên Thần Hoàng làng ngoài hương, hoa quả, rượu, thuốc, trà, giấy vàng mã theo lệ còn có bê quay, lợn luộc, gà luộc, xôi đồ.
Sau lời khai lễ, các thanh niên mang lễ phục kính cẩn dâng trà, rượu, trầu, cau lên các bàn thờ trên điện. Trong khói trầm nghi ngút, sau tiếng trống, chiêng, tiếng nhạc của dàn bát âm, vị chủ lễ cầm bản sớ được lấy từ bàn thờ chính xuống đọc dõng dạc nêu tên, chức tước các Thần khai khẩn làng, tên các vị thần “tứ vị đại càn” và tên vị của các ông Tổ họ trong làng. Cứ sau mỗi lần xưng danh các Thần và các vị có công khai khẩn, xây dựng nên làng Lý Hòa,...đều có điểm trống, chiêng, nhạc, kèn,... Sau lễ tế thần, các quan chức sắc, các vạn chài và con cháu trong làng lên thắp hương bái lạy Thần. Vào lúc này, con cháu trong làng, người ở gần, người ở xa với tấm lòng người con hiếu thảo tưởng nhớ về tổ tiên, ai có nhiều cúng nhiều, có ít cúng ít, tất thảy con cháu ngoài việc đóng góp trước đó theo dòng họ, hội đồng hương, lúc này trước Thần Hoàng đều thơm thảo cúng tiền hương hoa, quả vật, tiền bạc,... Sau màn cúng lễ tất (kết thúc buổi lễ), mọi đồ cúng, thức ăn, nước uống, được bày ra mời bá quan và dân làng cùng hưởng lộc của thần, của làng. Việc ăn uống chỉ mang tính hình thức nhưng với “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” mọi người ai cũng lấy làm vui mừng vừa ăn, vừa uống, vừa trò chuyện về việc làng, việc nước, việc hội hè, cầu mong ngày, tháng kết thúc mau để 3 năm sau lại về làng mà “ăn”.
Lễ hội rước Thần Hoàng làng Lý Hòa có từ sau khi khai sinh làng và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân Lý Hòa. Thần Hoàng làng là biểu tượng quyền lực tinh thần tối cao của một làng, chi phối đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trong làng. Tôn thờ Thần Hoàng làng chính là một nhu cầu tâm lý, người dân thờ Thần Hoàng để phục vụ cho hiện thực cuộc sống, là chỗ dựa không thể thiếu được, là phương tiện là động lực thúc đẩy sản xuất, ổng định cuộc sống. Chính nhờ sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hòa đồng, đất lề quê thói được bảo tồn. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên thì thờ Thần Hoàng làng đem lại cho người dân ý thức hướng về cội nguồn, về quê cha đất tổ bằng những biểu hiện sinh hoạt văn hóa truyền thống. Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi người và cũng là để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 1946, sau khi kháng chiến chống Pháp nổ ra thì lễ hội rước Thần Hoàng không tổ chức được. Năm 2010 trước yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa của quê hương, chính quyền, ban lễ sinh và dân làng đã quyết tâm phục dựng lại lễ hội để con cháu tiếp sau giữ gìn mãi báu vật tinh thần vô giá của làng. đây là việc làm đầy ý nghĩa lịch sử và mang đậm tính nhân văn, chính quyền và nhân dân Lý Hòa – Hải Trạch đang có kế hoạch phục dựng lại hoàn chỉnh lễ hội phục vụ tâm linh và hướng tới trở trành một lễ hội du lịch lịch sử - văn hóa trong vùng.
Ngoài ra, vào đầu năm mới ở làng còn diễn ra các lễ thượng nêu, lễ xuân thủ, lễ tiễn năm cũ đón năm mới,...


Ø      Hội chợ mùa xuân

Mùa xuân là mùa vui chơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân ta từ trước, mùa của những phong tục dân gian đôn hậu thuần phúc. Văn minh Việt Nam cổ truyền căn bản là văn minh làng xóm, hội chợ mùa xuân là hội làng quê. Sức sống của làng xã được biểu hiện rõ nét nhất trong các lễ hội và lễ hội mùa xuân phản ánh văn hóa của làng.

Cũng như các làng khác, dân Lý Hòa vào mùa xuân với tất cả niềm vui, là sức sống có được của làng. trong những ngày xuân ở nơi đây thật tưng bừng rộn ràng và rạo rực bởi quanh năm làm ăn vất cả nên đây là dịp để nghỉ ngơi và trong dịp này dân làng thường tổ chức lễ hội cúng bái ông bà và thường tổ chức thăm hỏi lẫn nhau. Chợ tết Lý Hòa là nét nổi bật nhất, được họp đông đúc và bán đầy đủ các đặc sản của làng, trong dịp này ai cũng muốn đến chợ tết để mong tìm được một cái gì đó may mắn trong năm mới. Điều đặc biệt hơn nữa là đi chợ tết ai ai cũng xinh tươi trong những trang phục đẹp nhất. Mặt khác, theo phong tục cổ truyền, đầu năm mọi người luôn giữ lời ăn tiếng nói cho nên không khí mua bán ở chợ rất hòa nhã, lịch sự. Do đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của quần chúng nên chợ đã tập hợp được đầy đủ già trẻ, trai gái. Cùng với hội chợ dân làng còn tổ chức các trò chơi rất phong phú: đu quay, bài chòi, bài vụ,...
 
Tác giả Nguyễn Thị Kiều Trang. Biên soạn : Hồ Thị Vân ; chỉnh sửa : Nguyễn Thị Thắm

Không có nhận xét nào: